.
"Cuộc chiến" hạn - mặn

Bài 1: Nỗi lo hạn - mặn

Cập nhật: 16:19, 22/04/2019 (GMT+7)

Tỉnh Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã, đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Mỗi khi bước vào mùa khô hạn, “cuộc chiến” ngăn mặn, trữ ngọt ở các địa phương vùng ven biển lại trở nên nóng bỏng.

Trong nhiều năm qua, bước vào mùa khô hạn là chính quyền cũng như người dân khu vực phía Đông của tỉnh lại đau đáu nỗi lo thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, mức độ ảnh hưởng từ hạn - mặn đối với sản xuất và sinh hoạt ở khu vực này ngày càng giảm.

Những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực đưa nước sinh hoạt về các huyện, thị phía Đông.								                                                      ảnh: MINH THÀNH
Những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực đưa nước sinh hoạt về các huyện, thị phía Đông. Ảnh: MINH THÀNH

KHÔ HẠN LẠI VỀ

Về vùng Gò Công trong những ngày cao điểm khô hạn, cái nắng nơi đây khiến chúng tôi cảm thấy “rát da, rát thịt”. Hầu hết các tuyến đường, người dân rất hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm nắng gắt. Nhiều ao chứa nước của người dân ven đường đã khô cạn. Các cánh đồng trơ gốc rạ, cỏ cháy khô. Nhiều ruộng cỏ trồng cho gia súc ăn cũng bị vàng hoe…

Bà Nguyễn Thị Lựu (ấp Xóm Thủ, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) đang ngồi dưới bóng cây ven nhà tâm sự: “Nơi đây là vậy! Vào mùa khô, nắng như thiêu, như đốt. Các cánh đồng đều cạn nước. Chỉ có các tuyến kinh được nạo vét sâu còn nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Gia đình tôi canh tác 0,3 ha rau màu. Đến thời điểm này, hộ của tôi cũng như những hộ dân nơi đây đều tận dụng nguồn nước dưới các tuyến kinh phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Còn các cánh đồng ở xa tuyến kinh chính đều khô hạn và thiếu nước ngọt. Riêng nước sinh hoạt, hệ thống ống cấp nước sinh hoạt đã được kéo về và chính quyền mở thêm các vòi nước công cộng nên người dân cũng yên tâm hơn”.

Càng đi về khu vực phía biển, nắng càng chói chang và gay gắt hơn. Những cánh đồng trồng lúa ngày nào đã khô nứt nẻ. Những diện tích hoa màu được nông dân phun nước tưới 3 - 4 lần/ngày mà vẫn không tươi tốt.

Ông Nguyễn Thanh Mừng (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) đang tưới nước cho 0,5 ha cải ngọt và cải xanh cho biết, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn xã nói riêng và khu vực Gò Công nói chung những năm gần đây diễn biến khá phức tạp. Nước mặn xuất hiện đôi lúc rất khó đoán. Có năm nước mặn lấn sâu vào nội đồng, làm nhiều diện tích lúa và hoa màu của nông dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề. Mấy năm qua, chính quyền và người dân đã chủ động hơn trong công tác ứng phó với tình hình xâm nhập mặn nên thiệt hại không đáng kể.

Xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) là nơi bị ảnh hưởng mạnh từ hạn - mặn hằng năm. Những năm qua, chính quyền và nhân dân có nhiều phương án ứng phó với hạn - mặn. Do xã nằm cuối nguồn và giáp với biển nên lượng nước sinh hoạt cũng còn hạn chế. Do đó, người dân phải tiết kiệm từng thùng nước để chống chọi qua mùa khô hạn.

Bà Trần Thị Ẩn (ấp Rạch Bàu, xã Tân Điền) tâm sự: “Hằng năm, chúng tôi phải trữ vài chục lu nước mưa phòng khi nước máy bị yếu. Lượng nước này phải dùng tiết kiệm tối đa cho việc nấu ăn, uống, tắm, giặt. Nếu thiếu nước thì gia đình phải đi lấy nước từ các vòi nước công cộng để mang về sử dụng” .

Đi sâu vào các xã có khả năng thiếu nước sạch vào mùa khô ở các huyện phía Đông, nhiều gia đình không có lu, hồ… để dự trữ nước, người dân chọn cách đào ao lót ni lông để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Đây là một trong những giải pháp phổ biến nhất hiện nay được những hộ không điều kiện xây hồ, lu trữ nước áp dụng.

Người dân sử dụng nước tiết kiệm trong mùa khô.
Người dân sử dụng nước tiết kiệm trong mùa khô.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐẶT RA

Trước tình hình hạn - mặn diễn biến phức tạp, tỉnh đã có chủ trương cho các huyện, thị mở 86 vòi nước sinh hoạt công cộng nhằm cung cấp nước ngọt miễn phí cho hơn 5.000 hộ dân sinh sống vùng ven biển, ven sông, ngoài đê bao ngăn mặn thuộc các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TX. Gò Công.

Gò Công Đông là huyện ven biển nên vấn đề nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân luôn được đặt ra khi mùa khô đến. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết: “Đến thời điểm này, chất lượng nước dưới các dòng kinh có giảm nhưng vẫn còn đảm bảo cho người dân sản xuất, sinh hoạt. Riêng đối với nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân hằng ngày, huyện đã mở 46/63 vòi nước công cộng ở các khu dân cư, những nơi chưa có nước máy. Ngoài ra, địa phương cũng đã triển khai nạo vét hàng loạt công trình thủy lợi nhằm trữ nước dưới kinh, tạo hệ thống dẫn nước ngọt về phía giáp biển”. 

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, hằng năm Chi cục Thủy lợi đều xây dựng kế hoạch ứng phó hạn - mặn. Trong đó, công tác dự báo để chủ động ứng phó rất quan trọng. Ngoài ra, các dự án trữ nước ngọt, ngăn mặn cũng được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm đầu tư.

Riêng nước sinh hoạt cho người dân vùng bị ảnh hưởng hạn - mặn, đồng chí Nguyễn Thiện Pháp cho biết, trước tiên các địa phương đã mở trên 50 vòi nước công cộng nhằm giải quyết nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân các vùng đặc biệt khó khăn, không để người dân lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Các vòi nước được mở phục vụ hết mùa khô hạn này.

Bên cạnh đó, địa phương cũng khẩn cấp nạo vét các ao chứa nước ngọt trong khu vực do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quản lý nhằm tăng khả năng trữ ngọt; bơm bổ cấp liên tục, duy trì áp lực nước ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong suốt mùa hạn - mặn; tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân trong việc tăng cường trữ nước kết hợp với sử dụng nước tiết kiệm và phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn.

Trong thời gian tới, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân vùng duyên hải Gò Công ổn định, căn cơ, tùy theo đặc thù từng vùng, từng địa bàn, ngành chức năng của tỉnh sẽ có nhiều giải pháp đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt phù hợp và mang tính chiến lược.

Cụ thể, đối với huyện Gò Công Tây là đầu tư thi công 9 công trình cấp nước có chiều dài hàng chục km đưa nước về phục vụ các cụm dân cư lâu nay chưa được hưởng lợi từ hệ thống cấp nước tập trung. Đối với TX. Gò Công, tỉnh đầu tư phát triển 11 tuyến ống chuyển tải nước ngọt từ Nhà máy nước Đồng Tâm về phục vụ nhân dân.     

SĨ NGUYÊN (còn tiếp)

.
.
.