.
"Cuộc chiến" hạn - mặn

Bài 2: Ngăn mặn, dẫn ngọt

Cập nhật: 14:59, 24/04/2019 (GMT+7)

Bài 1: Nỗi lo hạn - mặn

Có thể nói, tỉnh Tiền Giang đã giải quyết khá tốt vấn đề hạn - mặn trong vùng Dự án ngọt hóa Gò Công và Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Đó là việc xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đầu tư kiên cố hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt để người dân có nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.

Hệ thống đập được Nhà nước đầu tư khá hiện đại đã giúp ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả.
Hệ thống đập được Nhà nước đầu tư khá hiện đại đã giúp ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả.

ĐƯA NƯỚC NGỌT TỚI BIỂN

Một trong những yếu tố mang lại hiệu quả của công tác phòng, chống hạn - mặn ở Tiền Giang là Dự án Ngọt hóa Gò Công và Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Nói đến công tác phòng, chống hạn - mặn mang tính lâu dài ở huyện Tân Phú Đông là Dự án Phú Thạnh - Phú Đông.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, rút kinh nghiệm từ ứng phó hạn - mặn thời gian qua, đồng thời phát huy hiệu quả Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, trong mùa khô năm 2019, địa phương coi trọng việc đầu tư nạo vét kinh, mương nội đồng kết hợp với ngăn mặn, trữ ngọt nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng gây thiệt hại cho sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn tăng cường thông tin, cập nhật diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn để nhân dân biết và triển khai các giải pháp ứng phó; đồng thời, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, chống ô nhiễm nguồn nước… Nhờ vậy, đến nay huyện Tân Phú Đông, đặc biệt là vùng nội đồng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông chưa xảy ra tình trạng căng thẳng về nước sinh hoạt và sản xuất.

 Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của các huyện, thị phía Đông khoảng 53.000 m3/ngày đêm. Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước tăng khoảng từ 30% đến 50%.

Chính vì vậy, công ty đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp nước cho các huyện, thị phía Đông như: Đầu tư nâng cấp tuyến ống chuyển tải HDPE từ trạm cấp nước Phú Thạnh đến trạm cấp nước Phú Đông (huyện Tân Phú Đông), chủ động bơm trữ nước ngọt vào các ao khi chuyển mùa, xây dựng mạng lưới cấp nước để chuyển tải nguồn nước từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm về các trạm khu vực nông thôn của các huyện phía Đông, mở các vòi lấy nước công cộng tại các vị trí thích hợp; bảo trì các trạm, nhà máy nước, giếng khoan cấp nước theo định kỳ; đồng thời, đầu tư xây dựng mới các tuyến ống chuyển tải nước ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh…

Phát biểu trong một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm bơm tăng áp Gò Công, xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước BOO Đồng Tâm phân phối cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông; đồng thời, xây dựng các tuyến ống chuyển tải, tuyến nối mạng liên thông cho các trạm khu vực nông thôn; thường xuyên theo dõi hoạt động của các công trình cấp nước để có phương án điều phối cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân kịp thời, không để bị động, lúng túng trong mùa khô. Ngoài ra, các ngành cần vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét giếng, khai thông các kinh nội đồng để đảm bảo trữ, tải nước ngọt và xây bể chứa để tích nước sử dụng trong mùa khô.

Nói đến hiệu quả của “cuộc chiến” chống hạn - mặn ở khu vực phía Đông không thể không nói đến Dự án Ngọt hóa Gò Công (huyện Gò Công Đông, TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây và một phần huyện Chợ Gạo).

Dự án là hệ thống công trình thủy lợi liên hoàn độc lập và khép kín. Sau nhiều năm xây dựng và vận hành, dự án đã đáp ứng tốt nhiệm vụ ngăn mặn, ngăn triều cường, giữ và dẫn nước ngọt; tiêu úng, cấp nước sinh hoạt, kết hợp phát triển giao thông thủy và nuôi thủy sản.

Dự án đã mang lại nhiều lợi ích, nhất là phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp (ngăn mặn, trữ ngọt, tháo phèn mặn…) và sinh hoạt của nhân dân.

Dự án còn giúp chủ động lấy được nước ngọt trong mùa mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao được diện tích tưới tự chảy lên đến khoảng 10.000 ha, giảm chi phí bơm tưới, từ đó gia tăng diện tích gieo trồng, tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

Ứng phó với tình hình hạn - mặn có xu hướng ngày càng gay gắt, kéo dài, năm 2018 cống Xuân Hòa đã được đầu tư cửa lấy nước “cưỡng bức” để thuận lợi cho việc lấy gạn nước ngọt trong mùa khô. Tiếp theo đó, đảm bảo dẫn nước ngọt theo hệ thống kinh từ đầu nguồn về tận đê biển, cuối năm 2018, tỉnh đã chỉ đạo ra quân trục vớt lục bình ở các kinh vùng ngọt hóa Gò Công.

Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động gần 61.500 lượt người tham gia trục vớt và trục đẩy được gần 11,4 triệu m2 lục bình trên các sông, kinh, rạch 3 cấp. Tại buổi tổng kết công tác trục vớt lục bình, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng lưu ý các địa phương phải tiếp tục duy trì thông thoáng kinh, rạch; đặc biệt là vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông.

Bởi, nơi đây vào mùa khô hạn, tình hình nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất tương đối khan hiếm nên cần phải duy trì công tác vớt lục bình để vừa tạo thông thoáng, vừa đảm bảo chất lượng nguồn nước khi dẫn về tới vùng cuối nguồn.

NGĂN MẶN TỪ CÁC HƯỚNG

Bên cạnh việc đưa nước ngọt về vùng cuối nguồn của các dự án thì công tác triển khai ngăn mặn cũng được các ngành, các cấp quan tâm. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp, Dự án Phú Thạnh - Phú Đông gồm: Hệ thống cống, đập; đê bao ngăn mặn bảo vệ gần 3.000 ha đất; trong đó, có trên 2.300 ha đất trồng trọt. Nhờ hệ thống các công trình thủy lợi trong dự án, thời gian qua người dân vùng cù lao chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ/năm bấp bênh sang các cây trồng chịu hạn và có giá trị kinh tế cao khác để ổn định sản xuất.

Đối với vùng ngọt hóa Gò Công, để ngăn xâm nhập mặn từ phía sông Tiền, Dự án Ngọt hóa Gò Công có các cống ngăn mặn chính là Vàm Kênh, Rạch Gốc, Long Uông, Long Hải, Vàm Giồng, Xuân Hòa. Các công trình ngăn mặn chính từ phía biển là Rạch Bùn, Cần Lộc. Còn phía sông Vàm Cỏ có các công trình ngăn mặn chính là Gia Thuận, C1, C2, Xóm Gồng, Vàm Tháp, Rạch Băng, Rạch Giá, Rạch Đung, Rầm Vé, Gò Công, Số 3, Số 4, Rạch Chợ, Thủ Ngữ.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt đạt mức tối ưu nhất, những năm qua Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đã xây dựng mạng lưới quan trắc mặn trên các tuyến sông Vàm Cỏ và kinh Chợ Gạo, sông Cửa Tiểu để phục vụ vận hành lấy nước qua 2 cống chủ lực là Xuân Hòa, Vàm Giồng.

Trên sông Tiền, công ty quan trắc mặn tại bến đò Rạch Vách, bến đò Cá Chốt, Hòa Định, đập Lò Gạch, cầu Tám Biết. Trên sông Vàm Cỏ Tây, kinh Chợ Gạo, công ty đặt quan trắc mặn tại bến đò Ninh Đồng, cống Số 1 (sông Tra), cầu Chợ Gạo, UBND xã Xuân Đông, bến đò Xuân Đông. Bên cạnh đó, công ty còn bố trí thêm những điểm đo mặn phục vụ thông báo mặn ở các cống Gia Thuận, Rạch Băng, Số 3 (sông Tra), Vàm Kênh, Long Hải.

Có thể nói, với mạng lưới quan trắc mặn trên cùng hệ thống cống ngăn mặn, nước mặn xâm nhập từ sông, biển vào đồng ruộng trong mùa khô ở các huyện, thị phía Đông đã được ngăn chặn. Lượng nước ngọt lấy từ sông vào qua các cống đảm bảo đủ để đáp ứng nhu cầu canh tác, sinh hoạt bình quân 10 tháng/năm (trừ tháng 3 và 4, khi độ mặn nước sông tại cống đầu mối Xuân Hòa vượt quá mức cho phép, cống sẽ đóng ngăn mặn).

Chính điều này đã góp phần quan trọng để tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Cụ thể, sản lượng lúa năm 1976 tại vùng ngọt hóa Gò Công là 110 ngàn tấn thì đến năm 2018 trên 500 ngàn tấn, tăng khoảng 5 lần.

Thêm vào đó, việc có nước ngọt đã tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa cây trồng, làm phong phú thêm hệ thực vật tại đây. Đó là những nhân tố chính góp phần tăng thu nhập của nông hộ ở vùng trong những năm qua. Chính vì vậy, Dự án Ngọt hóa Gò Công được Bộ NN&PTNT đánh giá là thành công nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm này.

SĨ NGUYÊN

.
.
.