.

Hướng đến nền hành chính công hiện đại

Cập nhật: 09:09, 03/03/2020 (GMT+7)
 Nghi thức vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công.                                     				                                                                                                                                                                            Ảnh: M. THÀNH
Nghi thức vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ảnh: M. THÀNH

Bên cạnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), việc đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công được kỳ vọng sẽ góp phần tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

ĐẨY MẠNH CCHC

Xác định CCHC là một trong những công việc trọng tâm, thời gian qua tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung cao cho công tác chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết cho hơn 2.000 loại TTHC trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp. Dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích được triển khai thực hiện khá hiệu quả; số lượng hồ sơ giải quyết đúng hẹn tăng qua từng năm.

Nói đến CCHC không thể không nhắc đến vai trò của ứng dụng CNTT. Việc tin học hóa hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là phương tiện để thực hiện việc cải cách nền hành chính.

Trong năm 2019, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước, thúc đẩy CCHC.

Theo UBND huyện Chợ Gạo, thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện đã có những bước tiến đáng kể. Theo đó, hiện 100% cán bộ, công chức ở các cơ quan, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn được trang bị máy vi tính, kết nối Internet,… phục vụ công tác, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị. Bên cạnh đó, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, xã được đầu tư cơ bản về phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy trình từ công khai các TTHC đến tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả.

Còn theo UBND TP. Mỹ Tho, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã rất quan tâm và cố gắng triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của đơn vị. Việc này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong ứng dụng CNTT phục vụ CCHC, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Từ những kết quả trên, năm 2019, tỉnh xếp thứ 5/63 tỉnh, thành về Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT-Index), tăng 2 bậc so với năm 2018. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về Chỉ số  ICT-Index.

Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.

KHAI THÁC HIỆU QUẢ TRUNG TÂM PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG

Có thể nói, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là điểm nhấn quan trọng trong việc hiện đại nền hành chính công của tỉnh. Theo đó, để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện CCHC, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm tạo một địa điểm để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các TTHC theo yêu cầu.

Trung tâm là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả của hơn 1.490 TTHC như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp; quyết định chủ trương đầu tư; cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp... Đồng thời, đây cũng là địa điểm cung cấp thông tin và giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết các TTHC.

Nhằm cải thiện Chỉ số PAPI và mang đến sự hài lòng của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ để lắng nghe ý kiến nhân dân tại cơ sở nhằm tạo thêm sự tương tác, gần gũi, gắn kết giữa người dân với chính quyền. Qua đó, các phản ánh, bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân được các cấp lãnh đạo lắng nghe, kịp thời giải quyết; tạo được lòng tin của người dân, tạo chuyển biến rất tích cực trong mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với nhân dân trong tỉnh. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức 1.119 buổi gặp gỡ nhân dân, với 82.516 người dân tham dự, chỉ đạo 5.461 vấn đề, đã giải quyết 4.774 (87,4%), còn 687 vấn đề đang tập trung giải quyết...

Công trình vừa được bố trí chức năng là trung tâm phục vụ hành chính công, vừa là trụ sở làm việc của 4 Sở: Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội. Sự kết hợp này nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, đảm bảo định mức diện tích làm việc của các sở, ngành tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu suất làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Trung tâm Phục vụ hành chính công là bước đầu của việc triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng lại khu các cơ quan hành chính của tỉnh theo hướng hiện đại, tập trung; tạo thuận lợi trong quan hệ công tác giữa các cơ quan hành chính, vừa không để người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, nhiều cửa khi thực hiện các TTHC hoặc sử dụng các dịch vụ công.

Tiếp nối công trình Trung tâm Phục vụ hành chính công, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết tiếp tục đầu tư công trình trụ sở làm việc của 8 sở, ngành tỉnh vào đầu năm 2020. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai phương án giải tỏa, đền bù khu đất phía sau các tòa nhà này và mở rộng dọc theo hướng Quốc lộ 50 để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các sở, ngành còn lại.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án sắp xếp, bố trí ổn định, hợp lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cũng theo đồng chí Lê Văn Hưởng, để tiến tới hoàn chỉnh công tác tiếp công dân, UBND tỉnh định hướng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trụ sở tiếp công dân ở cấp huyện; đồng thời, tiến tới xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện. Khi đó, cấp huyện sẽ có trụ sở tiếp công dân và trung tâm hành chính công để có được nền hành chính công hoàn chỉnh hơn và tiếp tục nâng chất.

M. THÀNH

.
.
.