.

Hành trình thắp lên hy vọng

Cập nhật: 14:04, 24/08/2020 (GMT+7)
Cuộc hành trình giành lại nguồn sáng cho con của anh Trương Trọng Nghĩa vẫn còn dài ở phía trước.
Cuộc hành trình giành lại nguồn sáng cho con của anh Trương Trọng Nghĩa vẫn còn dài ở phía trước.

Con cái là lộc trời cho. Cha mẹ khi sinh con ai cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, lớn lên chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội… Nhưng không phải cha mẹ nào cũng có được may mắn ấy.

Nhiều bậc cha mẹ đã nghẹn lòng khi con sinh ra chẳng may mang những căn bệnh hiểm nghèo, để rồi từ đó họ phải làm một cuộc hành trình cùng con chạy chữa - cuộc hành trình thắp lên hy vọng không biết được ngày kết thúc…

GIÀNH LẠI NGUỒN SÁNG CHO CON

Dù đã gần 7 năm trôi qua, nhưng anh Trương Trọng Nghĩa (phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vẫn không thể quên cái ngày vợ chồng anh phát hiện điều gì đó bất thường ở đứa con gái đầu lòng. Bởi dù chỉ mới 5 tháng tuổi, nhưng cháu có biểu hiện sợ ánh sáng, hay dụi mắt và quấy khóc bất thường. Linh cảm có điều gì đó không ổn, vợ chồng Nghĩa ẵm cháu đến một bác sĩ chuyên khoa mắt có uy tín ở TP. Mỹ Tho để khám.

Bác sĩ kết luận cháu mắc chứng Glaucoma (dân gian quen gọi là cườm nước) bẩm sinh rất nặng, phải đưa cháu lên bệnh viện chuyên khoa mắt ở TP. Hồ Chí Minh ngay để điều trị. Cả đêm Nghĩa lên mạng để tìm hiểu xem bệnh Glaucoma là căn bệnh gì. Và rồi khi biết đó là căn bệnh rất nguy hiểm, hiếm gặp ở trẻ mắc bẩm sinh, ngày càng giảm thị lực và không phục hồi, là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới, hiện chưa có cách chữa trị…, khiến vợ chồng Nghĩa hầu như suy sụp hẳn.

Ngay hôm sau, vợ chồng anh đưa cháu lên Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh để khám, bác sĩ yêu cầu cháu nhập viện ngay và chỉ định mổ. Vợ chồng Nghĩa nhìn nhau, chỉ biết khóc và cầu mong có phép màu để sau ca phẫu thuật mắt cháu sẽ bình phục; nhưng phép màu đã không đến. Kể từ đó đến nay, mắt cháu cứ rơi vào tình trạng tăng nhãn áp, giảm dần thị lực, phải mổ tổng cộng 6 lần, gồm 2 lần mổ rạch góc tiền phòng, 2 lần mổ đặt van 2 mắt, 1 lần mổ nong van, 1 lần mổ điều trị lazer.

Bác sĩ đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được tình trạng tăng nhãn áp. Khi cảm nhận được các dây thần kinh thị lực của con chết dần, thị lực ngày một giảm, Nghĩa nghe như có ai xát muối vào lòng, đau nhói.

Kể từ khi phát hiện cháu bị bệnh, cuộc sống của vợ chồng Nghĩa dường như đảo lộn, với những chuỗi ngày làm thủ tục chuyển viện cho con từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, rồi từ tỉnh lên TP. Hồ Chí Minh, cứ thế đã 7 năm trôi qua, anh không nhớ nổi mình đã ôm con đi viện bao nhiêu lần và đi bao nhiêu bệnh viện. Nghĩa cứ tìm hiểu, hễ bệnh viện nào có khoa mắt là anh lại ôm con đi, kể cả Bệnh viện Mắt Trung ương ngoài Hà Nội anh cũng đã bồng bế con tới.

Nghĩa cũng đã đưa con đến Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga do chuyên gia người Nga khám; rồi Bệnh viện Quốc tế FV anh cũng tới. Khi biết tin có đoàn bác sĩ nước ngoài nào đến Việt Nam khám mắt là Nghĩa lại đưa con đến khám. Mỗi chuyến đi như thế lại thắp lên hy vọng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan… Tuyệt vọng, Nghĩa chia sẻ thông tin lên mạng xã hội để tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng.

Niềm hy vọng con có tiến triển trong điều trị  vẫn được anh Lê Quang Huy thắp lên mỗi ngày.
Niềm hy vọng con có tiến triển trong điều trị vẫn được anh Lê Quang Huy thắp lên mỗi ngày.

Đâu chỉ mắc chứng Glaucoma bẩm sinh, do gắn với bệnh viện từ khi mới 5 tháng tuổi nên thể trạng cháu rất yếu, thường xuyên mắc các bệnh khác. Chăm sóc con cực khổ Nghĩa không sợ, chỉ sợ nhất là phải ngăn không cho con xem ti vi, chơi điện thoại, xem truyện tranh… như những đứa trẻ bình thường khác. Và mỗi lần nghe con hỏi: “Cha ơi, mắt con chừng nào hết để con xem ti vi, xem sách…!” là tim anh thắt lại, đau nhói.

Khi chúng tôi viết bài này thì cháu cũng vừa trải qua một đợt điều trị dài ở bệnh viện. Nguyên nhân là do cháu đến tuổi vào lớp 1, đi học nên mắt phải làm việc nhiều, vì vậy tình trạng tăng nhãn áp tiến triển nhanh và nghiêm trọng hơn.

Qua nghiên cứu, Nghĩa được biết, ở Singapore có kinh nghiệm kiểm soát Glaucoma trẻ em, nhưng chi phí cho một chuyến đi điều trị khoảng 500 triệu đồng, là số tiền quá lớn, bởi suốt 7 năm qua vợ chồng anh luôn chắt bóp để lo điều trị cho con. 

Trước tình trạng thị lực của cháu giảm nghiêm trọng (chỉ còn 1/10), bác sĩ khuyên có thể cho cháu nghỉ học để giữ thị lực. Giọng Nghĩa chùng xuống, anh hỏi chúng tôi mà như nói với chính mình: Không đi học thì tương lai của con sẽ như thế nào?

Trong hè này, Nghĩa đăng ký cho cháu học đàn, để như anh nói, rủi sau này đôi mắt cháu có ra sao thì cháu cũng có chút kiến thức, kỹ năng để bám víu vào...

MONG CON GỌI ĐƯỢC TIẾNG CHA

Niềm vui khi sinh được đứa con trai thứ hai chưa được bao lâu thì vợ chồng anh Lê Quang Huy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trừ Văn Thố, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bỗng nhận ra con mình có những biểu hiện lạ, như chậm phát triển, hay quấy khóc không ngủ… Linh cảm có điều gì đó bất thường, vợ chồng anh vội ẵm con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh để khám.

Dù đã 11 năm trôi qua, nhưng khoảng thời gian chờ đợi kết quả ở Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn còn in đậm trong tiềm thức, như là nỗi ám ảnh trong anh. Khi nghe bác sĩ thông báo cháu bị giãn não thất, khiến cháu sẽ không đi lại được, có thể mắc bệnh bại não và khả năng tàn tật suốt đời, vợ chồng anh thấy mọi thứ tối sầm lại, hụt hẫng, lo lắng và… khóc. Chính lúc tưởng chừng như khụy ngã ấy, anh lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đứng dậy, trụ vững và làm cuộc hành trình thắp lên hy vọng, cùng con vượt qua số phận nghiệt ngã.

Kể từ đó, 11 năm đã trôi qua, cuộc hành trình điều trị bệnh cho con của anh vẫn chưa dừng lại, niềm hy vọng cứ lóe lên khi anh nghe thông tin ở bệnh viện này, bệnh viện kia có thể điều trị tốt bệnh này, có đoàn bác sĩ chuyên khoa về thần kinh đến khám ở TP. Hồ Chí Minh…; để rồi khi nhận những cái lắc đầu của bác sĩ, niềm hy vọng trong anh như nghẹn lại, ngân ngấn.

11 năm trôi qua, anh không nhớ hết mình đã ẵm con đi bệnh viện bao nhiêu lần, gặp bao nhiêu bác sĩ. Cứ miệt mài đi, để biết đâu may mắn sẽ mỉm cười với con anh. Không dừng lại ở điều trị Tây y, anh chuyển qua điều trị vật lý trị liệu, nghe ở đâu có thầy châm cứu hay là anh ẵm con đến để nhờ cứu chữa. Nhưng 11 năm qua, niềm hy vọng con có thể cất giọng gọi được tiếng cha, có thể đi đứng, tự phục vụ được bản thân ngày càng xa tầm tay với.

Dù đã 11 tuổi, nhưng con của anh vẫn như đứa trẻ 5 tháng tuổi, nằm bất động không tự ngồi được, cùng với những cơn động kinh co rút người xảy ra bất cứ lúc nào. Cực khổ cỡ nào anh cũng chịu được, chỉ không chịu nổi là mỗi khi anh đi làm về, mỗi tối khi ăn cơm xong…, ánh mắt của con nhìn anh mừng rỡ, tha thiết, có lúc cất tiếng ư a như muốn anh nằm cạnh để cảm nhận được tình thương yêu của cha… Những lúc ấy anh nghe tim mình như thắt lại, đau nhói. Giá như con không có ý thức, chắc có lẽ anh đỡ đau hơn.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì anh vẫn tiếp tục cuộc hành trình thắp lên hy vọng sẽ có một ngày nào đó con có thể gọi được tiếng cha. Chỉ vậy thôi là anh cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Và niềm hy vọng ấy vẫn được anh thắp lên mỗi ngày, bởi chỉ có niềm hy vọng mới giúp anh có đủ sức lực để cùng con tiếp tục cuộc hành trình... 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.