Quyết liệt thực hiện chính sách an sinh xã hội
Bảo hiểm xã hội (BHXH), (BHYT) đã được Đảng, Nhà nước xác định là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), liên quan trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người dân, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tích cực, nỗ lực đưa chính sách ASXH đi vào đời sống nhân dân.
Tính đến tháng 8-2020, toàn tỉnh có 196.293 người tham gia BHXH, tăng 18,1% so với năm 2015, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, riêng trong năm 2020 đã phát triển thêm mới trên 7.800 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 184.947, tăng 22,9% so với năm 2015; số người tham gia BHYT 1.612.742 người, tăng gần 40% so với năm 2015, chiếm 90,8% dân số toàn tỉnh, vượt 0,8% so với chỉ tiêu bao phủ BHYT Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với sự tăng lên nhanh số người tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng trên 50,7% so với năm 2015.
Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm hỗ trợ mức đóng cho nhân dân (ngoài mức hỗ trợ của Trung ương). Từ năm 2011, tỉnh đã trích ngân sách đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng hộ cận nghèo; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ 5% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên. Nhờ đó, các đối tượng này được hưởng quyền lợi về BHXH, được KCB, giảm gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tât; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp có được sự động viên kịp thời, yên tâm công tác.
BHXH tỉnh đã ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, giao dịch hồ sơ qua Bưu điện, giao dịch hồ sơ qua bộ phận “một cửa” cơ quan BHXH và Trung tâm Hành chính công giải quyết kịp thời, tiện lợi cho người thụ hưởng. Trong 5 năm (2015 - 2020) đã giải quyết trên 1,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN và trên 12 triệu lượt người KCB với tổng số tiền thanh toán, chi trả các chế độ BHXH, BHYT trên 15 ngàn tỷ đồng.
Để thực hiện tốt chính sách pháp luật BHXH, BHYT, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong giai đoạn 2020 - 2025, BHXH tỉnh Tiền Giang đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Lãnh đạo BHXH tỉnh và các ban ngành trong tỉnh thể hiện sự quyết tâm thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong Lễ ra quân hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam 11/7. |
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.
Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động (NLĐ) và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng, cơ quan truyền thông địa phương tổ chức tuyên truyền; xây dựng kế hoạch, phân kỳ, phân nhóm đối tượng tiềm năng để có hình thức tuyên truyền phù hợp; đảm bảo phát triển đối tượng tham gia theo kế hoạch, theo lộ trình thực hiện Chương trình hành động 34 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Xây dựng các nhóm giải pháp thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ nguồn dữ liệu cơ quan Thuế và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong đó, tập trung các nhóm đối tượng tiềm năng để tuyên truyền, khai thác đối tượng tham gia phù hợp với từng thời điểm.
Thực hiện các giải pháp để thu đủ, kịp thời, khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh; giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho UBND cấp huyện theo Nghị quyết 102 ngày 3-8-2018 của Chính phủ từ năm 2021 trở đi. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị chưa quan tâm đến việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT. Đặc biệt, tập trung quyết liệt thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đột xuất tại các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử, giao dịch qua Bưu điện, giao dịch tại bộ phận “một cửa” thuộc BHXH tỉnh, huyện và Trung tâm Dịch vụ hành chính công. Giải quyết kịp thời, tiện lợi các quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ và nhân dân.
VÂN ANH