.

Công ty Điện lực Tiền Giang: Góp công "đánh thức con hổ ngủ"

Cập nhật: 15:01, 02/03/2022 (GMT+7)

Lật tờ Báo Ấp Bắc số ra ngày 9-2-2022, tôi đặc biệt chú ý bài: Đầu năm Dần, kể chuyện đánh thức “con hổ” ngủ. Nội dung của bài nói về sự đổi thay của huyện Tân Phước, vốn là vùng “rốn lũ, rốn phèn”, xưa được mọi người biết đến với tên Bà Bèo.

Khi còn công tác, hầu như năm nào tôi cũng vài lần đi vào vùng đất này. Mùa khô trên bờ kinh vàng quách màu phèn, mùa lũ nước ngập mênh mông. Một vùng chỉ có rừng tràm, đồng sậy, bưng lác… được khai phá chủ yếu để trồng khoai mỡ và khóm. Nhưng để trồng được như vậy, huyện đã quy hoạch và thực hiện các ô bao ngăn lũ. Những ô bao đó ngày nay đã phát huy hiệu quả để trồng thanh long, mít, các cây có múi…

“Đánh thức con hổ ngủ” như hôm nay, một mặt là nhờ công lao của các cô, bác, anh, chị nông dân mấy mươi năm gắn bó với vùng đất khắc nghiệt, chịu thương, chịu khó để vươn lên làm giàu. Mặt khác, cũng không quên nhiều thế hệ công nhân ngành Điện đã đồng hành với người dân nơi đây, vượt mọi khó khăn, thử thách để ô bao mở đến đâu lưới điện kéo đến đó. Họ luôn sẵn sàng đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm chống lũ để nông dân an tâm bỏ công, bỏ của trồng trọt trên vùng đất luôn ngập úng khi mưa dầm, lũ lụt tràn về.

Khi nói về cấp điện cho các ô bao chống lũ huyện Tân Phước, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Nguyễn Điền Khoán cho biết, từ khi thành lập huyện Tân Phước đến nay, năm nào ngành Điện cũng dành một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng lưới điện phục vụ tưới tiêu các ô bao tại địa phương này.

Cụ thể: Năm 2018 là 15,759 km đường dây trung áp, 23 trạm biến áp với tổng công suất 1.272,5 kVA  chuyên phục vụ bơm nước chống úng; năm 2019 có 4,5 km đường dây trung áp, 5 trạm biến áp với tổng công suất 360 kVA chuyên phục vụ bơm nước chống úng; năm 2020 là 24,525 km đường dây trung áp, 0,058 km đường dây hạ áp, 10 trạm biến áp với tổng công suất 500 kVA chuyên phục vụ bơm nước chống úng; năm 2021 có 4,434 km đường dây trung áp, 0,866 km đường dây hạ áp, 5 trạm biến áp với tổng công suất 375 kVA chuyên phục vụ bơm nước chống úng.

Các số liệu trên chưa thể thấy hết bức tranh toàn cảnh trong việc cung cấp điện cho vùng đất này thời gian qua. Trước hết về con người, cán bộ, công nhân viên Điện lực huyện Tân Phước đều từ các huyện khác đến, một số rất ít lập gia đình an cư tại đây, số còn lại xa nhà. Về giao thông dù được đầu tư xây dựng nhiều đường sá, cầu, cống, nhưng cho đến nay nhiều đường dây, nhiều trạm biến áp khi cần sửa chữa công nhân chỉ có thể đi bộ và khuân vác vật tư, thiết bị, đồ nghề với khoảng cách khá xa.

Việc sử dụng điện cũng khác với nơi khác. Mùa khô hầu như điện chỉ để thắp sáng, đến khi mưa lũ hàng loạt trạm bơm đi vào hoạt động, điều đó khiến cho công nhân ngành Điện phải điều tiết, tháo, lắp thiết bị giữa 2 mùa. Trong khi đó, do khách hàng ít nên biên chế nhân sự cho Điện lực huyện Tân Phước không nhiều. Dân cư trong vùng đa số ở nơi khác sáng đến, chiều về và ở rải rác nên khó cho việc ghi điện, thu tiền. Vài năm gần đây, việc dùng điện kế điện tử đo ghi từ xa và thu tiền qua thẻ hay đại lý mới giải quyết được bài toán nhân sự để ghi điện, thu tiền.

Huyện Tân Phước ngày càng phát triển. Cùng với các xã trong tỉnh, nhiều xã ở huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, Công ty Điện lực Tiền Giang cũng góp phần không nhỏ trong việc đầu tư, quản lý dự án, tiếp nhận và quản lý lưới điện. Lưới điện phát triển càng rộng, công việc càng nhiều. Dù việc bổ sung công nhân trẻ vẫn còn không ít khó khăn, nhưng khó khăn một thời đã vượt qua được, lực lượng cán bộ, công nhân nối tiếp truyền thống chịu đựng gian khổ để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Điện lực Tân Phước nói riêng, Công ty Điện lực Tiền Giang nói chung luôn sẵn sàng cùng địa phương xây dựng huyện Tân Phước ngày càng phát triển.  


NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

 

.
.
.