.

Những điểm mới trong các dự án luật thuộc lĩnh vực xã hội

Cập nhật: 08:46, 23/06/2022 (GMT+7)

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án Luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, đối với công tác lập pháp trong lĩnh vực xã hội, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng, cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

* NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng vừa được Quốc hội thông qua, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế.

ĐBQH Tiền Giang đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung được trình ra tại Kỳ họp thứ 3,Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Tiền Giang đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung được trình ra tại Kỳ họp thứ 3,Quốc hội khóa XV.

Luật có những điểm mới chủ yếu sau:

(1) Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng;

(2) Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây;

(3) Đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến);

(4) Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo (bổ sung cách tính thời gian, nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn;

(5) Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” cho cán bộ nghiên cứu giáo dục; danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” cho hộ sinh; danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho người sáng tạo tác phẩm văn hóa - nghệ thuật;

(6) Bổ sung danh hiệu thi đua Xã, phường, thị trấn tiêu biểu; hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”;

(7) Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân;

(8) Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam;

(9) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng...

* 2  DỰ ÁN LUẬT TIẾP TỤC ĐƯỢC XEM XÉT

Đó là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tập trung vào 5 nhóm nội dung lớn, gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện.

Một số quy định mới mang tính đột phá làm thay đổi, cải cách lớn trong hệ thống y tế, như: Quy định phải kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với bác sĩ, y sĩ thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện; Quy định giấy phép hành nghề có giá trị thời hạn là 5 năm và phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề; Đổi mới về phân cấp chuyên môn, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp (Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu); Bổ sung quy định giao Bộ Y tế ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; (8) Bổ sung một điều quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho người bệnh, người nhà người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế...

Tại Kỳ họp thứ 3, có khoảng 200 lượt ý kiến của các ĐBQH tại các phiên họp tổ và phiên họp toàn thể, trong đó có một số nội dung của dự thảo Luật chưa nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu...

Đối với Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 3, có khoảng 160 lượt ý kiến của các ĐBQH tại các phiên họp tổ và phiên họp toàn thể. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều nội dung trong dự thảo Luật.

Một số nội dung chính đại biểu quan tâm: Đề nghị tiếp tục đánh giá, tổng kết, tính khả thi của các quy định; tiếp tục đánh giá tính khả thi áp dụng luật đối với một số nhóm đối tượng không có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và quy định đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; Đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình để phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh bỏ lọt hành vi bạo lực gia đình; đồng thời, rà soát lại các hành vi bị nghiêm cấm; Nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình, biện pháp xã hội áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình…

Dự kiến, 2 dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

HOÀNG MAI

.
.
.