.

Để người Việt Nam hoạt động, làm việc trên các nền tảng số Việt Nam

Cập nhật: 20:10, 04/11/2022 (GMT+7)

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 4/11, liên quan đến vấn đề chuyển đổi số tại Việt Nam.

a
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam thì người dân Việt Nam sẽ sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, khi đó dữ liệu sẽ bị thu thập. Mà dữ liệu số là tài nguyên.

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh việc Bộ TT&TT đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số. Theo đó, năm 2022, đã có 52 nền tảng số Việt Nam xây dựng xong và hoạt động khai thác. Tín hiệu đáng mừng là cũng trong năm 2022 đã có 500 triệu lượt người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này vẫn đang tăng lên.

"Có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại", Bộ trưởng chia sẻ, "người" ở đây được hiểu bao gồm cả doanh nghiệp.

a
Hội trường phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 lĩnh vực TT&TT, sáng 4/11 - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Giải pháp về nhân lực ngành CNTT

Về nhân lực trong lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu người lao động trong lĩnh vực này, nhưng nhân lực tính từ hệ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp của vấn đề này là đại học số.

"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm, sẽ là một trong những giải pháp có thể nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số", Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ, Bộ TT&TT đang xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số với lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, đó là nền tảng One Touch và đã được đưa vào vận hành 6 tháng, với 10 triệu người Việt Nam học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ.

Cũng liên quan đến vấn về nhân lực CNTT, Bộ trưởng cho biết, tỉ lệ cán bộ làm công tác CNTT trong cơ quan Nhà nước của nước ta hiện là 0,9%. Đây là con số đáng suy nghĩ. Nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia cần phải coi lực lượng khoa học công nghệ số là lực lượng sản xuất. Tỉ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%.

Tuy nhiên, trong tổng thể chung không thể đòi hỏi có cơ chế ưu đãi cho nhân lực riêng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, chính vì vậy ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải xây dựng và đầu tư vào nền tảng số, trợ lý ảo AI để đỡ phần công việc của cán bộ CNTT, từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường thuê, đặt hàng bên ngoài. Người làm CNTT trong Nhà nước sẽ làm công việc đặt hàng.

Xử lý triệt để sim rác

Liên quan vấn đề về sim rác, tư lệnh ngành TT&TT đã nhận trách nhiệm về vấn đề này và cho biết, Bộ đã làm rất quyết liệt, loại 22 triệu sim không đầy đủ thông tin, việc này tiến hành trong gần 3 năm. Bộ cũng đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông.

"Nếu nói xử lý triệt để sim rác với nghĩa bằng 0 thì rất khó có thể làm được, tuy nhiên phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được", Bộ trưởng chia sẻ mục tiêu xử lý.

Từ nay đến cuối năm, Bộ TT&TT sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến vấn đề một người có nhiều sim.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, dữ liệu cá nhân là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật. Cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Bộ TT&TT cũng đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Thời gian tới, Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này.

Bộ TT&TT cũng kiến nghị cần xem xét quy định mức phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

Theo chinhphu.vn

 

.
.
.