.
KHU VỰC PHÍA ĐÔNG CỦA TỈNH TIỀN GIANG:

Nỗ lực đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân

Cập nhật: 09:04, 07/04/2023 (GMT+7)

Tiền Giang đang bước vào cao điểm mùa khô, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía Đông, tỉnh đã mở nhiều vòi nước công cộng để cho người dân ở các khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí về sử dụng. Thời điểm này, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh đang tăng cao. Tuy nhiên, so với những năm trước, tình hình nước sinh hoạt mùa khô năm nay không gay gắt bằng.

MỞ 45 VÒI NƯỚC CÔNG CỘNG

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông, hiện toàn huyện có 11.726/12.491 hộ dân đã lắp đặt đồng hồ nước, đạt 93,87%. Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện vào thời điểm bình thường khoảng 8.200 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong mùa hạn, mặn, nhu cầu sử dụng nước lên đến khoảng 11.000 m3/ngày đêm.

Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT khảo sát điểm mở vòi nước công cộng tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông.
Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang khảo sát điểm mở vòi nước công cộng tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông.

Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, huyện Tân Phú Đông đã mở 2 vòi nước công cộng tại xã Phú Tân để người dân đến lấy miễn phí về sử dụng. Đến thời điểm này, tình hình nước sinh hoạt tại địa phương chưa gay gắt. Ghi nhận thực tế tại nơi mở vòi nước công cộng ở xã Phú Tân, áp lực nước tại đây đảm bảo phục vụ cho người dân đến lấy. Huyện Tân Phú Đông kiến nghị mở thêm 4 vòi nước công cộng (trong đó 3 vòi tại xã Tân Phú, phục vụ cho khoảng 120 hộ dân và 1 vòi tại xã Tân Thạnh).

Còn tại huyện Gò Công Đông, do nằm ở cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công nên mỗi khi mùa khô đến, các hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước từ các trạm cấp nước tập trung lại đối mặt với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Theo Phòng NN&PTNT huyện, hiện toàn huyện có 35.430/38.728 hộ dân sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung, đạt 91,48%. Các hộ dân chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung chủ yếu nằm ở khu vực ngoài đê, nơi chưa có đường ống nước sinh hoạt kéo đến. Đến thời điểm này, tình hình nước sinh hoạt tại địa phương chưa gay gắt.

Bà Võ Thị Xiếu (ấp Xóm Mới, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, hiện nguồn nước sinh hoạt tại khu vực gia đình sinh sống vẫn duy trì ổn định, nước vẫn còn chảy mạnh. Năm nay, việc thiếu nước sinh hoạt không gay gắt như năm trước. Năm trước, thời điểm này, nước chảy yếu lắm.

Người dân đến lấy nước miễn phí tại vòi nước công cộng ở huyện Gò Công Đông.
Người dân đến lấy nước miễn phí tại vòi nước công cộng ở huyện Gò Công Đông.

Với việc còn 3.298 hộ dân chưa sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung, huyện Gò Công Đông đã mở 43 vòi nước công cộng để các hộ dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, sống phân tán đến lấy miễn phí. Hiện áp lực nước tại các vòi nước công cộng đảm bảo phục vụ cho người dân đến lấy.

Ông Năm Thái (ấp Hộ, xã Tân Điền) cho biết, mỗi khi mùa khô tới là gia đình lại lo thiếu nước sinh hoạt. Mấy năm qua, nhờ Nhà nước mở các vòi nước để người dân đến lấy nước về sử dụng trong mùa khô nên cũng bớt khó khăn hơn. “Mấy hôm nay, tôi và người dân ở ấp đến lấy nước tại các vòi về sử dụng. Nhờ nguồn nước này, nhà tôi mới đảm bảo việc sinh hoạt hằng ngày” - ông Thái bày tỏ.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông, đến nay khối lượng nước người dân đến lấy tại các vòi nước công cộng đạt khoảng 1.725 m3. Trong thời gian tới, nếu các xã đề nghị mở thêm một số vòi nước công cộng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thì huyện sẽ tiếp tục mở.

CẦN MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI CẤP NƯỚC

Trên thực tế, hiện tại các huyện, thị phía Đông vẫn còn nhiều hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung. Hầu hết các hộ này sống xa đường ống dẫn nước chính, phân tán, không tập trung nên việc đầu hệ thống ống dẫn nước đến các hộ này còn gặp khó khăn, nguồn lực đầu tư có hạn.

Theo bà Xiếu, đến thời điểm này, nước sinh hoạt vẫn còn chảy mạnh.
Theo bà Xiếu, đến thời điểm này, nước sinh hoạt vẫn còn chảy mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh, trong mùa khô, một số hộ dân sinh sống xa đường ống dẫn nước, nhất là tại xã Bình Đông, Bình Xuân… không đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đối với những nơi không có đường ống dẫn nước sinh hoạt, năm nào UBND TX. Gò Công cũng sử dụng ngân sách để đầu tư đường ống dẫn nước đến cụm dân cư.

Tuy nhiên, khi kéo nước xong, người dân lại không có nước sử dụng. Nguyên nhân là do đường ống dẫn nước không đồng bộ, khi tăng áp mạnh đường ống cũ sẽ vỡ. TX. Gò Công kiến nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang nghiên cứu, từng bước có kế hoạch đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân địa phương.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông, hiện địa phương đang kiến nghị tỉnh đầu tư lắp đặt 67 tuyến ống dẫn nước để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân tại địa phương. Hiện có 6 tuyến ống đã được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương rà soát các tuyến ống cần đầu tư để kiến nghị tỉnh sớm bố trí nguồn vốn triển khai thi công.

Còn theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, hiện địa phương kiến nghị tỉnh đầu tư lắp đặt 61 tuyến ống dẫn nước với chiều dài gần 71 km để cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân chưa tiếp cận được nguồn cấp nước tập trung. Hiện nay, có 5 tuyến ống đã được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện cũng kiến nghị Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt tại ao 6 ha xã Tân Thới; xây bể tăng áp xã Tân Thạnh. Đồng thời, nâng cấp hệ thống đường ống chính để đảm bảo đủ công suất chuyển tải nước sinh hoạt đến khu vực cuối nguồn.

T. ĐẠT

.
.
.