.

Nén nỗi đau, cặp vợ chồng quyết định hiến mô, tạng của con để cứu 7 người

Cập nhật: 14:14, 17/07/2024 (GMT+7)

Sau hơn 100 ngày anh Dương Minh Đức (sinh năm 1988) ở phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) qua đời do tai nạn giao thông, bố mẹ anh là ông Dương Quang Đông và bà Nguyễn Thị Nhận không khỏi xúc động khi gặp lại những người bệnh được "nối dài sự sống" nhờ cấy ghép mô, tạng của con trai mình.

b

Anh Dương Minh Đức được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh truy tặng Bằng khen vì nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Một quyết định cứu được 7 mạng người

Ngày 31/3/2024 là ngày định mệnh của gia đình ông Dương Quang Đông (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhận (62 tuổi) ở tổ 4, khu 1, phường Trưng Vương thành phố Uông Bí khi nhận tin con bị thương nặng do tai nạn giao thông, được chẩn đoán chết não. Sau nhiều nỗ lực cứu chữa nhưng tình trạng của anh Dương Minh Đức dần xấu hơn. Trong thời khắc đau buồn nhất, ông Đông và bà Nhận đã nén đau thương, đưa ra một quyết định cao cả - hiến mô, tạng của con trai để cứu lấy sinh mạng của nhiều người bệnh khác.

Vào thời khắc sinh ly tử biệt, sau nhiều lần trăn trở, ông Đông đã mở lời với vợ về việc hiến mô, tạng của con cho những người bệnh đang cần và được vợ đồng tình ủng hộ.

Nghĩ là làm, hai ông bà thông báo cho Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Ngay lập tức ê kíp khoảng 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của một số bệnh viên Trung ương, phối hợp với ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh thực hiện quy trình chuẩn bị, phẫu tích, bảo quản và vận chuyển tạng xuyên đêm từ ngày 1 - 2/4. Số tạng được hiến đã chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng, cứu sống được 7 sinh mạng, xa nhất là tới Bệnh viện Trung ương Huế.

Ông Dương Quang Đông chia sẻ, khi quyết định hiến tặng mô, tạng của con, vợ, chồng ông hy vọng một phần cơ thể của con được sống mạnh khỏe trong cơ thể của ai đó, coi như con vẫn được hiện hữu trên thế gian, để gia đình vơi bớt nỗi đau mất con. Giờ đây, ông bà chỉ mong những người được cấy ghép mô, tạng của anh Đức hồi phục, thích nghi nhanh chóng với bộ phận mới ghép, sống thật mạnh khỏe. Ông bà cũng mong rằng, những hoàn cảnh không may bị như con trai họ sẽ có được quyết định nhân văn vì cộng đồng...

Cho đi là còn mãi

b

Vợ chồng ông Dương Quang Đông chỉ mong những người được cấy ghép mô, tạng của con trai ông bà mạnh khỏe. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Theo quy định, những người hiến và nhận mô, tạng sẽ được bảo mật thông tin, người cho và người nhận không biết được thông tin của nhau. Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông, những người bệnh được “hồi sinh” nhờ ghép mô, tạng của anh Đức đã biết địa chỉ của vợ, chồng ông Đông. Trong số 7 người được cấy ghép tạng, có 5 người tìm đến gia đình ông Đông với sự trân trọng, biết ơn. Họ mong phần nào mang lại sự hiện hữu của anh Đức để vỗ về vết thương lòng của gia đình và mong muốn trở thành người thân, người con, người cháu quần tụ bên gia đình ông, bà.

Anh Nguyễn Thanh Quỳnh (52 tuổi) ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chia sẻ, đầu tháng 3/2024, gia đình phát hiện con trai Nguyễn Thanh Tùng (11 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối. Thời điểm chưa có nguồn tạng hiến, gia đình anh rất rối bời, như đi vào ngõ cụt. Như một cái duyên, con trai anh được đón nhận tấm lòng của vợ chồng ông Đông. Nhờ việc làm cao cả đó, nhiều người được cứu sống, trong đó có con anh. Cháu Tùng hiện tại sức khỏe đã ổn định, da dẻ hồng hào, như được sinh ra một lần nữa.

Chia sẻ qua cuộc gọi, anh Phạm Quang Tỉnh (27 tuổi), quê ở xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, người được cấy ghép tim của anh Đức cho biết, sau hơn 3 tháng ghép tim đến nay, sức khỏe anh đang tốt dần lên. Anh Tỉnh vô cùng biết ơn khi bản thân được trao cơ hội để "sống lại lần nữa" bởi anh đã sống chung với bệnh tim 10 năm qua. Căn bệnh trở nặng hơn sau thời điểm anh bị mắc COVID-19, đã 2 lần anh có biểu hiện ngưng tim. Khi đang điều trị suy tim giai đoạn cuối tại Bệnh viện Trung ương Huế anh Tỉnh được đón nhận trái tim của anh Đức.

Mới đây, anh Tỉnh cùng hai người khác ở Thừa Thiên - Huế được cấy ghép tạng từ anh Đức mới tìm được số điện thoại, địa chỉ của gia đình ông Đông bà Nhận để đến thăm, thắp nén hương cho anh Đức. Anh vô cùng trân trọng sự hy sinh của bố mẹ anh Đức và xem đây là gia đình thứ hai, bố mẹ thứ hai đã cho anh cơ hội được sống thêm lần nữa.

Hiện nay, nhu cầu cấy, ghép mô tạng để nối dài sự sống của người bệnh rất cao, tuy nhiên nguồn cung rất khó khăn. Riêng Quảng Ninh thời điểm hiện tại có khoảng 1.200 bệnh nhân phải chạy thận theo chu kỳ, đồng nghĩa với việc họ đang chờ có được nguồn thận phù hợp để cấy ghép.

b

Bốn trong số 7 người được hồi sinh từ việc được cấy ghép tạng của anh Dương Minh Đức tìm được địa chỉ về gặp bố mẹ thứ hai của mình. Ảnh: TTXVN phát

Qua trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, được biết 7 bệnh nhân được ghép tim, thận, gan, giác mạc từ anh Đức đều có sức khỏe tốt. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ  cho rằng cần có chính sách cho hoạt động tư vấn hiến tạng, hiến, phẫu thuật lấy, chăm sóc người hiến. Bởi hiện nay các cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật lấy mô, tạng phải tự cân đối kinh phí, trong khi nguồn kinh phí này không nhỏ…

Hiện tại có hai hình thức hiến tạng là hiến sống và hiến chết (chết não, chết tim). Người hiến sống sẽ được ưu tiên nếu sau này họ cần ghép tạng và được bảo hiểm y tế suốt đời; người hiến đã chết sẽ có hỗ trợ tiền hậu sự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ thông tin.

Nhiều người đã nêu ý kiến cho rằng,  để dần thay đổi nhận thức của cộng đồng, nâng cao tỷ lệ người hiến chết (chết tim, não) thì Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích thân nhân người hiến. Bởi sau mỗi ca hiến chết sẽ tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, để nhiều người bệnh nặng được nối dài sự sống.

Theo Báo Tin Tức (TTXVN)

.
.
.