Thứ Sáu, 11/12/2020, 09:51 (GMT+7)
.

Nan giải bài toán an toàn giao thông

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Tiền Giang là 1 trong 7 địa phương để xảy ra số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) tăng trong 5 năm qua (giai đoạn 2016 - 2020); trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao.

KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG CHƯA BỀN VỮNG

Mặc dù các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp từ công tác phòng ngừa đến xử lý quyết liệt, nhưng tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh chỉ được kiềm chế về số người bị thương, còn tăng cao về số vụ cũng như số người chết.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vi phạm hành lang lộ giới Quốc lộ 50, đoạn qua cầu Bình Phan (ảnh chụp tháng 11-2018).
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vi phạm hành lang lộ giới Quốc lộ 50, đoạn qua cầu Bình Phan (ảnh chụp tháng 11-2018).

Theo Ban ATGT tỉnh, 5 năm qua (thống kê từ 15-10-2015 đến 14-10-2020), toàn tỉnh xảy ra 1.929 vụ TNGT đường bộ, làm chết 1.241 người và bị thương 1.174 người; trong đó, số vụ có người tử vong 1.223 vụ, tử vong 1.247 người và 329 người bị thương. So với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015, tình hình TNGT tăng 106 vụ, tăng 79 người chết và giảm 176 người bị thương. Trong đó, TNGT đường thủy nội địa nghiêm trọng xảy ra 33 vụ (giảm 13 vụ), 6 người tử vong (giảm 1 trường hợp) và không có người bị thương; các vụ TNGT đường thủy làm thiệt hại tài sản trên 10 tỷ đồng. Độ tuổi gây TNGT tập trung từ 27 - 55 (chiếm 45,88%); các phương tiện gây TNGT tập trung vào xe máy và chủ yếu xảy trên các tuyến quốc lộ (chiếm 50%).

Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ, tình hình TNGT năm 2017 và năm 2018 có kiềm chế và kéo giảm đáng kể. Nhưng trước đó, TNGT năm 2016 lại tăng rất cao và trong năm 2020 diễn biến khá phức tạp; chỉ riêng tháng 11 xảy ra 80 vụ TNGT làm 43 người tử vong và 45 người bị thương…

Những năm qua, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trên cầu Rạch Miễu (Quốc lộ 60).
Những năm qua, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trên cầu Rạch Miễu (Quốc lộ 60).

Theo khảo sát của các ngành chức năng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT từ ý thức của người dân, người điều khiển các phương tiện dẫn đến hành vi vi phạm quy định pháp luật, như: Vi phạm tốc độ; đi sai phần đường; vi phạm nồng độ cồn; vượt xe thiếu chú ý quan sát; không nhường đường; bộ hành sang ngang đường không đúng nơi quy định, thiếu chú ý quan sát... đặc biệt, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.

Những con số “biết nói” trên đã báo động tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp; đồng thời, là hồi chuông cảnh báo với xã hội về ý thức khi tham gia giao thông.

SỚM GIẢI BÀI TOÁN “ĐIỂM ĐEN”

Xoay quanh việc xử lý “điểm đen”, “điểm mất ATGT” trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết, thời gian qua, các ngành chức năng đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ với nhiều giải pháp, như: Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại một số đoạn phức tạp về trật tự ATGT, khu vực đông dân cư dọc trên Quốc lộ 1; đầu tư hệ thống chiếu sáng trên toàn tuyến Quốc lộ 50; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn chớp vàng, hệ thống chiếu sáng tại các nút giao phức tạp; sơn gờ giảm tốc, kẻ vạch tim đường phản quang; lắp đặt biển báo hiệu trên các tuyến đường giao với các tuyến quốc lộ; xây dựng đường chui dân sinh và các hạng mục đảm bảo ATGT khác nhằm kéo giảm TNGT.

5 năm qua, Đoạn Quản lý giao thông trực thuộc Sở Giao thông Vận tải duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh và các cầu trên tuyến với kinh phí hơn 115 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành đã tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng hệ thống đường tỉnh qua các năm, với kinh phí thực hiện hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành cải tạo hầu hết các nút giao, lắp đặt hệ thống đảm bảo ATGT (chiếu sáng, đèn cảnh báo, đèn tín hiệu, gờ giảm tốc) trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có mật độ giao thông cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT; đồng thời, các ngành chức năng đẩy mạnh việc xã hội hóa hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường đi qua khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, đường giao thông nông thôn để đảm bảo ATGT.

Đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm, trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa Ban ATGT tỉnh với các ngành từ tỉnh đến huyện, thành, thị trong công tác tổ chức rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các “điểm đen”, điểm nguy cơ mất ATGT. Đồng thời, đầu tư hệ thống chiếu sáng các đoạn còn lại trên tỉnh lộ và một số tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, có tình hình TNGT tăng; lắp đặt camera giám sát vi phạm về tốc độ, làn đường… tại một số nút giao phức tạp; quyết liệt đến năm 2025 sẽ có đèn chiếu sáng toàn tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tỉnh và huyện trên địa bàn Tiền Giang đã tổ chức tuần tra kiểm soát và phát hiện 388.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 318.300 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 171 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát đường thủy tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý hơn 112.882 vụ vi phạm, phạt tiền 19.605 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 20,7 tỷ đồng. Thanh tra Giao thông vận tải tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện 4.470 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 11 tỷ đồng…

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Trần Văn Bon cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan và các huyện, thành, thị mở cao điểm bảo đảm trật tự ATGT trong phạm vi toàn tỉnh; tập trung giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm, phức tạp, mất ATGT; khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại là nguyên nhân chính làm gia tăng TNGT trong thời gian qua. Cụ thể, đơn vị sẽ rà soát, thống kê và xử lý dứt điểm các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; đề xuất lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến đường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; lắp đặt đèn chiếu sáng tại các nút giao, đoạn đường cong, khu vực đông dân cư…

Ngoài ra, chủ trương của tỉnh trong việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cũng như đưa tiêu chí giảm TNGT vào chuyên đề thi đua... đã và đang tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. “Nếu ngành nào, địa phương nào với trách nhiệm được giao không xử lý kịp thời những bất cập về trật tự ATGT hoặc thực hiện chỉ đạo của cấp trên không kịp thời, không hiệu quả trên địa bàn phụ trách để xảy ra TNGT, tình hình trật tự ATGT phức tạp thì sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu” - đồng chí Trần Văn Bon khẳng định.

TUẤN LÂM - VĂN THẢO

.
.
.