Thứ Sáu, 25/03/2022, 18:03 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Những năm qua, dù tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không tăng, nhưng nguy cơ, tiềm ẩn TNGT vẫn rất cao khi người tham gia giao thông còn chủ quan, lơ là trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT).

Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, TNGT đường thủy xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết, thiệt hại tài sản khoảng 500 triệu đồng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó mùa mưa bão sắp đến, nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy càng cao hơn, nhất là tại các bến khách ngang sông vốn còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như công tác đảm bảo trật tự, ATGT.

Đoàn công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện.
Đoàn công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện.

Trước tình hình trên, vào các ngày 15, 16 và 18-3, Ban ATGT tỉnh Tiền Giang tổ chức kiểm tra các điều kiện về ATGT tại các bến phà, bến khách ngang sông, bến đò du lịch trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận qua các buổi làm việc và kiểm tra thực tế cho thấy, tất cả các bến khách ngang sông, bến du lịch đủ điều kiện để đưa vào hoạt động và được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép, người lái phương tiện có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện khai thác tại bến; phương tiện được bố trí áo phao cho người tham gia giao thông khi đi qua lại và các cầu bến du lịch được xây dựng đảm bảo điều kiện cho hành khách đi lại an toàn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bến trên địa bàn huyện Cai Lậy hoạt động không phép, nguyên nhân chủ yếu do các bến xây dựng nằm trong hành lang ATGT gây ảnh hưởng đến trật tự, ATGT trên các tuyến đường như: Đường huyện 66, đường Tây sông Phú An… Ngoài ra, hạ tầng tại một số bến đã xuống cấp, hư hỏng chưa đảm bảo an toàn, cần được đầu tư xây dựng lại, như: Bến phà Tân Thới - Bình Ninh, Bến phà Vàm Giồng và Bến đò Rạch Vách.

Qua các cuộc kiểm tra thực tế, Đoàn công tác cũng nhận thấy, việc thực hiện quy định về mặc áo phao khi đi đò vẫn chưa hiệu quả, hành khách không sử dụng trong khi các phương tiện vẫn trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi. Khi được hỏi về việc không mặc áo phao khi qua đò, nhiều hành khách cho biết: “Do áo phao cũ lại nhiều bụi bẩn nên ngại mặc”, “đoạn qua sông ngắn, chưa kịp mặc áo phao đã đến nơi rồi”… Sự chủ quan, lơ là của hành khách là nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tai nạn xảy ra.

Tại mỗi nơi đến kiểm tra, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ đề nghị: Lực lượng chức năng trên địa bàn phụ trách tăng cường kiểm tra toàn diện các bến phà, khách ngang sông, bến khách du lịch… để bảo đảm các điều kiện về trật tự, ATGT; chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định, từ đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời khi có sai phạm.

Đoàn công tác kiểm tra các áo phao, dụng cụ nổi trên phương tiện.
Đoàn công tác kiểm tra các áo phao, dụng cụ nổi trên phương tiện.

Đồng thời, kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ATGT đường thủy nội địa, phương tiện không bảo đảm điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không trang bị dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ, khả năng chuyên môn phù hợp thì bến khách ngang sông không được phép hoạt động.

Đồng chí yêu cầu UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường thủy nội địa ở địa phương theo quy định; có trách nhiệm đảm bảo trật tự, ATGT đối với bến và phương tiện chở khách ngang sông, các phương tiện nhỏ của gia đình hoạt động trên địa bàn; thường xuyên bố trí cán bộ thường trực ở các bến khách ngang sông trọng điểm vào những thời gian cao điểm về lưu lượng người tham gia giao thông; kiên quyết không cho các phương tiện chở quá số người quy định, không đảm bảo an toàn rời bến.

Cùng với đó là đẩy mạnh thông tin, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết thực hiện đăng ký, đăng kiểm và sử dụng phương tiện đúng quy định.

LÊ MINH

 

.
.
Liên kết hữu ích
.