Thứ Hai, 28/09/2015, 14:02 (GMT+7)
.

Nội ơi, sao nỡ tuyệt tình!

Đến ấp Muôn Nghiệp (xã Bình Đông, TX. Gò Công), nhìn thấy cảnh 3 đứa trẻ thơ côi cút, bơ vơ: Mỹ Hoa (14 tuổi), Anh Thư (12 tuổi) và Hoàng Minh (9 tuổi) sống trong căn chòi xiêu vẹo, rách nát, mưa tạt, gió lùa, thiếu thốn mọi thứ khiến ai cũng nao lòng.

Tài sản có giá trị nhất của gia đình này là 1 công ruộng và chưa đầy 3 sào đất thổ quả, nay bị ông bà nội đã lấy lại và còn đâm đơn khởi kiện, nhờ ngành chức năng sang tên, chuyển bộ cho ông bà đứng tên chủ sở hữu.

Hai cháu Anh Thư và Hoàng Minh bên di ảnh cha (cháu Hoa đi học chưa về).
Hai cháu Anh Thư và Hoàng Minh bên di ảnh cha (cháu Hoa đi học chưa về).

LẤY LẠI RUỘNG, ĐẤT THỔ QUẢ VÌ CON TRAI ĐÃ CHẾT

Năm 2000, anh Giã Phước Bảo sánh duyên cùng chị Đoàn Thị Lệ Hằng. Ngày ra riêng, cha mẹ chồng cùng các anh chị em trong gia đình đồng ý cho vợ chồng anh 1 công ruộng và gần 3 sào đất thổ quả. Hàng ngày anh Bảo đi làm thuê, cuốc mướn để lo cuộc sống gia đình; còn chị Hằng ở nhà trông con và buôn bán vặt vảnh trước cửa nhà để kiếm thêm thu nhập.

Năm 2010, trong lúc làm đồng, chẳng may anh Bảo bị điện giật chết, để lại 3 đứa con thơ cho người vợ trẻ. Thời gian dần trôi, năm nay cháu Giã Thị Mỹ Hoa học lớp 9, cháu Giã Đoàn Anh Thư học lớp 7 và cháu Giã Đoàn Hoàng Minh học lớp 4 - cả 3 chị em đều ngoan hiền và là học sinh khá, giỏi. 2 năm nay, ruộng đất bị gia đình nhà chồng lấy lại, chị Hằng buộc phải lên TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm gởi tiền về nuôi 3 con thơ.

Bà con lối xóm hiểu chuyện, cho biết: Sở dĩ gia đình ông Giã Văn Trưởng (ông nội các cháu) đồng ý để cho anh Bảo đứng chủ quyền phần ruộng, đất thổ quả trên là muốn sau này vợ chồng anh Bảo ở “nhà thờ” nuôi dưỡng cha mẹ già.

Việc vợ chồng anh Bảo cất nhà ở riêng ngoài mặt lộ (trên đất thổ quả cha mẹ cho) để tính chuyện làm ăn, nhà liền kề với nhà cha mẹ ruột, nhưng chẳng may anh Bảo “vắn số” nên giờ cha mẹ anh Bảo muốn lấy lại, sợ sau này chị Hằng sang bán cho người khác, vì đất nằm cặp mặt tiền QL50 rất có giá.

Căn chòi phủ bạt rách te tua - nơi tá túc của 3 trẻ thơ côi cút.
Căn chòi phủ bạt rách te tua - nơi tá túc của 3 trẻ thơ côi cút.

Bà Phan Thị Thành (mẹ anh Bảo) thì cho rằng, trước đây Bảo tự ý lấy “sổ đỏ” đất nhà đi sang tên mình đứng chủ quyền, chứ gia đình chỉ hứa cho vợ chồng Bảo bề ngang 4 m, chạy dài hết đất. Gần đây, Hằng (vợ Bảo) đi làm hồ sơ xin chuyển từ tên chồng sang mình đứng tên, gia đình phát hiện đã ngăn cản và yêu cầu Nhà nước trả lại cho chồng bà đứng tên.

Còn 1 công ruộng, Hằng lên TP. Hồ Chí Minh tìm công ăn việc làm nên bà lấy lại làm, chẳng lẽ bỏ đất hoang, chờ cho Minh (cháu nội) trưởng thành sẽ tính sau, chứ bây giờ để Hằng đứng tên gia đình bà không yên tâm.

Ông Nguyễn Hồng Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, hồ sơ tặng (cho) quyền sử dụng đất từ tên ông Giã Văn Trưởng cho các con ông gồm: Giã Văn Vũ, Giã Phước Bảo và Giã Văn Tùng xã còn lưu giữ đầy đủ. T

rong hồ sơ, không riêng chữ ký của ông Trưởng, bà Thành, mà có cả chữ ký của các con ông bà (kể cả 2 người con gái tên Giã Thị Phước Vân và Giã Thị Thu Điềm) thì làm gì có chuyện anh Bảo tự ý sang tên đổi chủ. Đây là đất mặt tiền QL50, gia đình sợ chị Hằng sang bán. Nội vụ khiếu nại của ông Trưởng, xã tổ chức hòa giải nhưng không thành, đã chuyển sang tòa án giải quyết theo luật định.

THẤY CẢNH MÀ THƯƠNG

Hôm tôi đến, căn nhà rách nát mà 3 chị em Hoa, Thư và Minh ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đang ở được che chắn bằng những tấm bạt không lành lặn.  Chị Đoàn Thị Mỹ Hạnh (dì Hai các cháu) mở cửa tiếp chúng tôi, cho biết cả 3 cháu đang đi học, trưa mới về. Nhìn quanh, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá.

Di ảnh của anh Bảo được đặt trên chiếc bàn để thờ. Còn chiếc tivi, những tưởng để làm nguồn vui cho các cháu những lúc rảnh rỗi, nào ngờ nó đã hư từ nhiều năm rồi. Chiều tối, 3 chị em trải đệm dưới đất, giăng mùng chui vô nằm học bài để tránh muỗi đốt rồi ngủ. Còn ban ngày, mỗi đứa một góc nhà, ngồi dưới đất học bài vì không có bàn ghế. Chị Hạnh là người đỡ đầu cho các cháu trong lúc chị Hằng vắng nhà.

Nhìn tấm bảng treo ở vách lá, tôi thấy ghi những dòng chữ: “MỸ HOA: Một chút chị Hai đi học về, đi về ngoại ăn cơm đi, kêu thằng Minh đi về ngoại ăn cơm luôn, ở nhà không có nấu cơm tại hồi sáng cầu dao cúp bắc lên không được…”.

Chị Hạnh giải thích: “Bé Anh Thư học buổi chiều nên được phân công lo nấu bữa ăn sáng. Hôm nay cầu dao ngoài đồng hồ điện bị hư không nấu cơm được, cháu ghi lại để em biết mà về ngoại (nhà cách đây hơn cây số) kiếm cơm ăn rồi đi học luôn”.

Tôi hỏi: Nhà ông bà nội bên cạnh sao các cháu không qua ăn cho tiện? Cháu Anh Thư mắt đượm buồn nói: “Ông bà nội “từ” mẹ con con rồi. Nội nghĩ rằng mẹ con cướp đất của nội nên bị nội chửi dữ lắm, mẹ phải giao lại ruộng rồi lên TP. Hồ Chí Minh làm công (nấu cơm) để tránh nội chửi và kiếm tiền gửi về nuôi tụi con.

Trước đây, chú Út mấy lần đi nhậu về đã qua nhà con đập phá đồ đạc, bàn ghế, chặt cửa hư hết. Hôm rồi, mẹ con làm đơn xin tòa án giải quyết cho tụi con được hưởng thừa kế của cha (trong đó có phần của nội nữa), nhưng nội không đồng ý, nội nói đất của tao không cho ai hết. Nội còn đuổi tụi con về ngoại con ở…”.  Cháu Thư nói mà nước mắt chảy dài trên má.

Chẳng lẽ ông bà nội lại tuyệt tình với 3 đứa cháu còn thơ dại của mình chỉ vì 1 công ruộng và 3 sào đất thổ quả!?

TỔ CTBĐ

.
.
.