Thứ Bảy, 28/10/2017, 22:54 (GMT+7)
.

Vận động 2 gia đình tạo điều kiện thi công đường tỉnh 861

Tại buổi tiếp công dân ngày 19-10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng các ngành chức năng đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, trao đổi với 2 trường hợp của hộ bà Nguyễn Thị Thêm và Hồ Thị Ba (cùng ngụ ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) nhằm động viên 2 gia đình nên suy nghĩ lại, không nên khiếu nại kéo dài và có sự đồng thuận trong việc hiến đất để công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 861 được thông suốt. Đừng vì một vài trường hợp làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và phương tiện lưu thông, nhất là xe gắn máy vào ban đêm vì còn những đoạn “thắt cổ chai” do người dân chưa đồng tình hiến đất.

Những đoạn bị “thắt cổ chai” rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Những đoạn bị “thắt cổ chai” rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cho biết: Đường tỉnh 861 được nâng cấp, mở rộng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động nhân dân hiến đất, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng. Toàn tuyến có chiều dài 15,3 Km, đi qua 4 xã: An Thái Trung, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B và Mỹ Trung. Nền hạ 7 m, mặt đường 4,5 m, có 179 hộ bị ảnh hưởng, hiện  còn 4 hộ chưa chịu hiến đất, làm cho mặt đường bị “thắt cổ chai”; các hộ yêu cầu phải được bồi thường (kể cả con lộ cũ).

Tuyến đường này chạy dọc theo Kinh 5 (tính từ mép lộ ra bờ kinh) có chiều rộng từ 8 - 10 m, được xây dựng năm 1980 theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn lũ, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau năm 2000, do ảnh hưởng nhiều cơn lũ lớn nên mặt đường trải sỏi đỏ xuống cấp, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn giao thông cũng như phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn toàn tuyến.

Năm 2011, để bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân trong khu vực, UBND huyện Cái Bè tổ chức họp dân vận động hiến đất đắp đê ngăn lũ kết hợp mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 861 theo quy mô đã được UBND tỉnh phê duyệt. Qua các cuộc họp, đa số người dân đồng tình chủ trương hiến đất và đã di dời cây trái, hoa màu, vật kiến trúc để tiến hành thi công. Tuy nhiên, khi làm đến hộ ông Nguyễn Hùng Tiến thì xảy ra việc ngăn cản, yêu cầu bồi thường đất và kéo theo 18 hộ khác cũng yêu cầu bồi thường mới cho thi công. Hiện nay, còn 4 trường hợp chưa đồng ý hiến đất và khiếu nại yêu cầu bồi thường là hộ bà Lê Kim Em, Dương Thị Ánh, Nguyễn Thị Thêm và Hồ Thị Ba  (cùng ngụ ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) diện lý do, đất của các hộ bao trùm luôn cả mặt đường tỉnh 861, cho nên không chỉ bồi thường phần đất mở rộng mà phải bồi thường luôn cả con lộ cũ. Các hộ cùng đứng đơn khiếu nại gửi đến Trụ sở tiếp công dân Văn phòng Trung ương Đảng và Nhà nước (Hà Nội) và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng chính quyền địa phương “ăn chặn” tiền đền bù của dân.

Chánh Thanh tra Sở TN&MT Trần Văn Toàn giải trình: Trước đây, tại các buổi tiếp công dân đối với một số hộ khiếu nại thuộc Dự án Đường tỉnh 861,  Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận, những đoạn dân chưa đồng thuận hiến đất thì chỉ thi công trên nền lộ cũ. Đối với nội dung các hộ cho rằng, đơn vị thi công đã làm trên phần đất của người dân được cấp chủ quyền, Sở TN&MT trực tiếp tổ chức đo đạc lại diện tích của từng hộ để làm cơ sở xem xét, giải quyết. Khi tiến hành đo đạc, các hộ tự kéo dây và kiểm tra số liệu. Kết quả đã xác định cụ thể diện tích đất của dân và đất lộ cũ được các hộ thống nhất.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã dành nhiều thời gian trao đổi với 2 hộ bà Nguyễn Thị Thêm và Hồ Thị Ba nhằm động viên 2 gia đình không nên khiếu nại kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho công trình hoàn thành thông suốt. Bởi vì, con đường này được hình thành trước khi đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ và đất của người dân được cấp đến lề đường. Cho nên, việc các hộ khiếu nại yêu cầu bồi thường phần đất mặt đường (lộ cũ) là không có cơ sở. Còn việc nâng cấp, mở rộng đường được thực hiện theo chủ trương vận động người dân hiến đất, địa phương chỉ bồi thường cây trái, hoa màu và hỗ trợ di dời vật kiến trúc trên đất. Trước đây, do các hộ chưa đồng ý hiến đất nên UBND tỉnh đã cho điều chỉnh lại thiết kế, những đoạn bà con chưa chịu thì giữ nguyên hiện trạng lộ cũ 3,5 m, dẫn đến tình trạng mặt đường bị “thắt cổ chai” rất nguy hiểm cho việc đi lại của người dân và phương tiện lưu thông trên toàn tuyến.

“Tôi sẽ sắp xếp thời gian và trực tiếp đến từng hộ để xem xét, nếu thật sự khó khăn thì đề nghị ngành chức năng và chính quyền địa phương giải quyết chính sách an sinh xã hội cho từng hoàn cảnh của mỗi gia đình” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nói.

TỔ CTBĐ

.
.
.