Thứ Hai, 25/01/2021, 10:11 (GMT+7)
.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (tiếp theo kỳ trước)

1.4. Về quy hoạch; đầu tư; phát triển đô thị

1.4.1. Đại biểu đánh giá một số công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo chất lượng; có trường hợp đưa vào khai thác không bao lâu đã xuống cấp như: Đường vào trung tâm huyện Cái Bè…; một số công trình chậm phát huy hiệu quả như: Trung tâm văn hóa -
thể thao cấp xã, hồ bơi các trường trung học phổ thông. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hơn nữa việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, dự án, đồng thời phát huy vai trò giám sát cộng đồng.

Giải trình:

Ngày 19-5-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 12 về việc Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thực hiện nội dung của Quyết định, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn UBND cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; thẩm định thiết kế xây dựng công trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; xét cấp chứng chỉ và hướng dẫn việc đăng ký thông tin năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên cả nước và đăng tải trên trang thông tin điện tử do Sở quản lý theo quy định.

Qua rà soát, công trình đường vào trung tâm huyện Cái Bè, công trình trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện. Việc chậm phát huy hiệu quả một số công trình như: Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, hồ bơi các trường trung học phổ thông là do các biện pháp quản lý, vận hành, khai thác của đơn vị sử dụng và cơ quan, đơn vị quản lý chuyên môn còn hạn chế, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo sâu sát, tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, dự án; đồng thời phát huy tốt vai trò giám sát trong cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư.

1.4.2. Đề nghị tỉnh cần có giải pháp tập trung nguồn lực ngân sách cho việc thực hiện Đề án Đô thị thông minh và Đề án Chuyển đổi chính quyền số, vì đây là xu thế tất yếu cho sự phát triển. Trước mắt, cần chú ý đầu tư hoàn chỉnh hệ thống camera, hệ thống quan trắc… phục vụ cho các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông và giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Giải trình:

- Về thực hiện Đề án Chính quyền số, Sở Thông tin và Truyền thông đã trình tại Tờ trình 1537 ngày 22-10-2020 về việc phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, đang trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, trên cơ sở đó các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện.

- Về phát triển Đô thị thông minh, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, hiện đang đấu thầu thuê một số hạng mục của đô thị thông minh để đưa vào sử dụng trong quý I-2020 gồm: Hệ thống camera thông minh, hệ thống camera quan sát, wifi thông minh, du lịch thông minh. Các nội dung này thuộc Đề án xây dựng TP. Mỹ Tho thành đô thị thông minh.

1.4.3. Hiện nay, các bãi rác trên địa bàn tỉnh đã quá tải, xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, gây ảnh hưởng môi trường. Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực trong kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng bãi rác theo hướng hiện đại, nhưng đến nay chưa được hình thành. Đề nghị UBND tỉnh cho biết việc định hướng quy hoạch các bãi rác trong thời gian tới và tình hình thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Giải trình:

- Về tình hình thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác trên địa bàn tỉnh:

+ Dự án Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước: Nhà máy có công suất xử lý dự kiến 500 - 600 tấn rác/ngày, trong đó tiếp nhận hằng ngày 350 tấn/ngày (nguồn rác từ TP. Mỹ Tho và các huyện lân cận), xử lý rác hiện hữu khoảng 150 - 250 tấn/ngày.

Năm 2019, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước bằng phương pháp đốt, có 11 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển, 7 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Tuy nhiên không có nhà đầu tư đạt yêu cầu trong hồ sơ mời sơ tuyển. Đến nay, Sở Xây dựng đã xây dựng lại và đã trình danh mục dự án mời gọi đầu tư theo quy định hiện hành.

+ Dự án Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh: Nhà máy có công suất xử lý dự kiến 300 tấn rác/ngày, trong đó lượng rác tiếp nhận hằng ngày hiện nay là 165 tấn (dựa vào lượng rác thực tế của huyện Chợ Gạo 25 tấn, huyện Gò Công Tây 31 tấn, huyện Gò Công Đông 37 tấn, TX. Gò Công 72 tấn), dự kiến lượng rác sẽ cao hơn trong thời gian tới, đồng thời xử lý rác hiện hữu khoảng 135 tấn/ngày (bãi rác hiện hữu ước khoảng 63.000 tấn).

Đến nay, Sở Xây dựng đã xây dựng lại và đã trình danh mục dự án mời gọi đầu tư đối với 2 dự án trên theo quy định hiện hành. Ngày 1-12-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm dự án. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án lúc 17 giờ ngày 31-12-2020. Sở Xây dựng đã chuẩn bị các hồ sơ để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp sau 30 ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo mời quan tâm có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký và đạt yêu cầu theo nội dung mời quan tâm.

- Về dự kiến tiến độ thực hiện 2 dự án trong thời gian tới: Dự kiến thời gian sớm nhất để lựa chọn được nhà đầu tư trong quý I-2021 đối với trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, thời gian dự kiến mời gọi được nhà đầu tư trong quý II-2021. Với thời gian lập các thủ tục pháp lý và xây dựng nhà máy khoảng 1 năm, theo kế hoạch, dự kiến đến quý II-2022 các nhà máy xử lý rác nêu trên sẽ đi vào vận hành hoạt động. Khi các nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động, từng bước xử lý lượng rác hiện hữu tại các bãi rác này, tiến tới dừng hoạt động bãi rác, sử dụng cho mục đích khác, đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

1.4.4. Đại biểu cho rằng, Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thực hiện chậm. Đề nghị các ngành chức năng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ để sớm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Giải trình:

- UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 53/2016 ban hành Quy định về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân cần phải có kinh phí lớn, thời gian thu hồi vốn chậm dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao, cho nên có ít nhà đầu tư quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách nhà nước khó khăn không thể thực hiện đầu tư xây dựng được, cần phải xã hội hóa, mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân...

- Về giải pháp đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhân trong thời gian tới: Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân. Đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài khu đất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở công nhân. Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

1.5. Về nước sinh hoạt: Đại biểu đề nghị UBND tỉnh phân tích, đánh giá thực chất hơn về kết quả thực hiện các chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 100%”.

Giải trình:

Hiện tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh ở nông thôn được theo dõi, đánh giá theo Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn và tài liệu hướng dẫn triển khai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định 4826 ngày 7-12-2018. Theo Quyết định này, nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thỏa mãn các điều kiện như: Trong, không màu, không mùi, không vị, bao gồm sử dụng từ các công trình nhỏ lẻ (giếng khoan; nước mưa được thu hứng từ mái ngói, mái tôn, trần nhà bê tông sau khi đã xả nước bụi bẩn trước khi thu hứng trong bể chứa, lu chứa nước được rửa sạch trước khi thu hứng; nước suối hoặc nước mặt không bị ô nhiễm bởi các chất thải của người hoặc động vật, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất thải công nghiệp, làng nghề) và từ trạm cấp nước tập trung nông thôn (còn gọi là nước máy).

Theo các tiêu chí đánh giá nêu trên và theo báo cáo của các huyện, thị, thành, tính đến hết tháng 12-2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung là 95,4%; còn khoảng 4,59% hộ dân nông thôn chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung, tương đương khoảng 18.588 hộ). Để nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung trong những năm tiếp theo, ngày 1-4-2020 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 82 về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020, nhằm đảm bảo đủ cung cấp cho những hộ dân trên mạng lưới hiện hữu và phát triển thêm các tuyến ống nhánh đến các cụm dân cư chưa có nước sử dụng địa bàn các huyện; duy trì và tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung theo chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Riêng trên địa bàn huyện Cái Bè hiện còn khoảng 2.903 hộ dân nông thôn chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung (trong đó có khoảng 2.574 hộ thuộc 4 xã Tân Hưng, Hòa Khánh, Thiện Trung và Mỹ Trung thuộc phạm vi vùng cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang). Để tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Cái Bè theo chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Cái Bè có kế hoạch đầu tư, phát triển tuyến ống đến các cụm dân cư chưa sử dụng trạm cấp nước tập trung thuộc phạm vi vùng cấp nước của Công ty theo Kế hoạch 82 ngày 1-4-2020 của UBND tỉnh.

(còn tiếp)

.
.
.