Thứ Hai, 23/04/2012, 11:19 (GMT+7)
.
51 năm ngày thành lập Hội Nông dân Giải phóng miền Nam:

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp bước xây dựng quê hương giàu đẹp

Trong kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nông dân là một lực lượng quan trọng. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, nông dân cũng là lực lượng quyết định sự thành công. Nhân dịp kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Hội Nông dân Giải phóng miền Nam (21-4-1961 - 21-4-2012), Báo Ấp Bắc xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về những mốc son lịch sử và vai trò to lớn của nông dân Việt Nam nói chung và Hội Nông dân Giải phóng miền Nam nói riêng...

...Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Dưới sự  lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 21-4-1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời và trở thành thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngay sau khi ra đời, Hội đã tuyên bố tán thành nội dung Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ. Đồng thời, Hội nhấn mạnh trách nhiệm của nông dân miền Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

* Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn

Qua phong trào Đồng khởi của nông dân (1954-1960), tổ chức Hội đã phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và làm nòng cốt trên các mặt trận đấu tranh cách mạng. Trước thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam, tháng 5-1961, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (giai đoạn 1961-1965), trong đó xem “Bình định nông thôn” là mục tiêu chủ yếu và là biện pháp trung tâm trong suốt cuộc chiến tranh.

Mỹ - Diệm đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt” thực hiện quốc sách “ấp chiến lược” dồn dân lập ấp với âm mưu “tát nước, bắt cá”. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cán bộ, chiến sĩ nông dân miền Nam không sợ gian khổ, hy sinh quyết bám trụ giữ làng, vùng lên chống giặc với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” phá thế bao vây kìm kẹp của địch, tiến hành đốt phá “ấp chiến lược” tự giải phóng nông thôn, thành lập chính quyền tự quản.

Mặt khác, nông dân miền Nam kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng tổ chức kháng chiến, với những đòn tiến công mạnh mẽ lập nên những chiến công vang dội với các chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt như: Ấp Bắc (Tiền Giang); Chiến khu D (Đồng Nai); Dầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau); Lộc Ninh (Bình Dương); Hiệp Hòa, Đức Huệ (Long An); Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu); Đồng Xoài (Bình Phước); Tua Hai (Tây Ninh)…

Hàng ngàn lượt nông dân tải đạn. Ảnh: Sách ảnh Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng 1945-1975.
Hàng ngàn lượt nông dân tải đạn. Ảnh: Sách ảnh "Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng 1945-1975".

Thắng lợi của cách mạng miền Nam, trong đó nông dân giữ vai trò là lực lượng chủ lực, đã làm cho kế hoạch “bình định” của địch bị phá vỡ, “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, tuyệt đại đa số bộ phận nông thôn đã được giải phóng, Hội Nông dân đã thực hiện việc chuyển ruộng đất về cho nông dân.

Đến năm 1965, “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh áp dụng “chiến lược chiến tranh cục bộ”, chúng huy động ồ ạt khoảng 3 triệu lượt quân viễn chinh trực tiếp xâm lược, đánh phá miền Nam Việt Nam, mà đỉnh cao là thời kỳ 1968 - 1969 chúng đưa 683.000 quân Mỹ tham chiến với môt lượng vũ khí khổng lồ, tài chính và kỹ thuật hiện đại bật nhất vào chiến trường miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 1-1965, Đại hội đại biểu lần thứ I của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam được tiến hành. Qua đó, đánh giá tình hình hoạt động của Hội từ khi ra đời (năm 1961) và quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch “bình định”, “gom dân lập ấp” của địch.

Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, đảm bảo đời sống và cung cấp sức người, của cải cho tiền tuyến.

Qua Đại hội I, phong trào của Hội tiếp tục được phát triển mạnh hơn về số lượng và chất lượng. Lúc này bộ máy tổ chức của Hội Nông dân Giải phóng đã hình thành theo 5 cấp: Miền, khu, tỉnh, huyện và xã. Xã là tổ chức cơ sở của Hội. Ở xã, có Ban Chấp hành Hội; dưới thôn, ấp có Ban cán sự thôn, ấp và tiểu tổ Hội. Bộ máy của Hội được củng cố ở tất cả các cấp từ xã lên huyện, tỉnh và khu.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tấn công chính, đánh mạnh vào kế hoạch bình định cấp tốc của địch, Hội Nông dân Giải phóng đã chủ động giáo dục hội viên, nông dân khắc phục tư tưởng nôn nóng muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là chống địch giành dân, lấn đất, phát triển thế và lực của ta, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công.

Nông dân liên tục nổi dậy mở thêm nhiều vùng giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn nhiều xã, nhiều huyện hình thành vành đai diệt Mỹ nổi tiếng như: Củ Chi đất thép thành đồng (TP. Hồ Chí Minh), Điện Bàn (Quảng Nam).

Nông dân tham gia phá đồn bót.
Nông dân tham gia phá đồn bót.

Đến cuối năm 1966-1967, quân và dân miền Nam đã bẻ gãy và làm thất bại kế hoạch chiến dịch mùa khô lần thứ II với 5 mũi tên xanh, 2 gọng kìm của Mỹ bằng trận càn Xê-đa-phôn vào Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Bến Súc, Bến Cát (Bình Dương) và đặc biệt là trận càn Giôn-xơn-ci-ti vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) nhằm triệt hạ căn cứ cách mạng vùng Tam giác sắt và căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Ngay sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam, chiến dịch tổng công kích mùa xuân Mậu Thân năm 1968 được phát động, hàng triệu nông dân ở các vùng nông thôn xuống đường bao vây tiến công đánh địch trên tất cả các chiến trường từ nông thôn đến thành thị làm cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn từng bước sụp đổ, góp phần giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong Xuân Mậu Thân 1968.

Trước những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, tháng 1-1969, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, hơn 100 đại biểu nông dân các địa phương trong toàn miền về dự.

Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung là: “Động viên cán bộ, hội viên và toàn thể nông dân nâng cao quyết tâm đạp bằng gian khổ, hy sinh, khẩn trương xốc tới. Trước mắt là đập tan kế hoạch bình định cấp tốc của địch; đẩy mạnh tấn công địch bằng võ trang, chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm, giải phóng vùng nông thôn còn bị địch kìm kẹp; củng cố vững chắc vùng giải phóng về mọi mặt, vận động nông dân đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến đi đôi với chăm lo bồi dưỡng sức dân, kiên quyết giành thắng lợi to lớn hơn, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Yêu cầu nhiệm vụ công tác của Hội hiện nay không những vừa đảm bảo nhiệm vụ trước mắt, đồng thời phải xây dựng tư tưởng và tổ chức vững mạnh, sẵn sàng đánh thắng địch trong giai đoạn tới, không ngừng đưa cách mạng miền Nam tiến lên làm cho đời sống của nông dân ấm no, hạnh phúc”.

* Hội Nông dân Giải phóng miền Nam lãnh đạo nông dân thực hiện các phong trào ở nông thôn

Nổi bật là 2 phong trào:

- Phong trào đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ ruộng đất do cách mạng đem lại.

- Phong trào bám đất giữ làng, tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống và phục vụ chiến tranh cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “hầm tốt hơn nhà tốt”, “biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa”, ngụy trang cho trâu bò, đào công sự tránh bom pháo ở ngoài đồng, bố trí lực lượng canh gác ngày đêm,.. đã xuất nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm, kiên cường giữ đất, giữ làng.

Trong lúc nguồn nhân lực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn là nam giới phải cầm súng trực tiếp ra tiền tuyến thì ở hậu phương - nông thôn, lực lượng sản xuất chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Đặc biệt lực lượng nữ đã thể hiện vai trò thay thế nam giới trong công việc đồng áng.

Chị em đã hăng say lao động như: phát cỏ, cày bừa, cuốc đất, ở miền núi thì phát rẫy…; đồng thời phát huy cao độ tinh thần tương trợ trong sản xuất và đời sống. Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng những vạn vần, đổi công vẫn phát triển mạnh mẽ trong nông dân ở nông thôn, trở thành chỗ dựa, nơi che giấu cán bộ, du kích…

Hàng ngàn lượt nông dân tải đạn. Ảnh: Sách ảnh Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng 1945-1975.
 Ảnh: Sách ảnh "Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng 1945-1975".

Đối với sản xuất: Các tổ vạn vần, đổi công đã giúp giải quyết khó khăn thiếu nhân lực trong sản xuất để đảm bảo sản xuất kịp thời vụ. Lao động của người già và trẻ em được tận dụng. Các vạn vần, đổi công cho thấy nếu nông dân làm ăn riêng lẻ thì có những khó khăn không khắc phục nổi…

Đối với nhiệm vụ chiến đấu: Các tổ vạn vần, đổi công phần lớn trong các vùng căn cứ, vùng du kích nên 2 nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu luôn được gắn chặt với nhau. Hàng năm đã sắp xếp người đi tòng quân, người vào du kích bám đất giữ làng, người đi dân công phục vụ chiến đấu. Ngoài ra còn tham gia xây dựng ấp, xã chiến đấu, phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị.

Đối với đời sống: Nhờ bảo đảm được các nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, các tổ vạn vần, đổi công đã ổn định được đời sống trong hoàn cảnh chiến tranh. Ở một số nơi đời sống còn được cải thiện. Từ đó đã động viên nông dân trong toàn miền hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

* Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

Phát huy thành tựu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy chức năng là tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền vận động nông dân, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước.

Trọng tâm là 3 phong trào thi đua lớn: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mặc dù thường xuyên chống chọi với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và chịu ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ trong những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây, nhưng các cấp Hội vẫn tỏ rõ vai trò tổ chức các phong trào hành động cách mạng, đạt được nhiều thành quả lớn lao.

sdfd
Tổng kết phong trào nông dân Tiền Giang thi đua sản xuất kinh doanh giỏi năm 2011.

Trong lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn mà nông dân là chủ thể đã giữ vững được sự ổn định, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ góp phần bảo đảm cho nền kinh tế - xã hội cả nước. Kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã khang trang hơn.

Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư hầu hết các vùng nông thôn được cải thiện. Dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Người nông dân có nhiều điều kiện, cơ hội đã làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước.

Tự hào với truyền thống cách mạng 51 năm Hội Nông dân Giải phóng miền Nam, truyền thống 82 năm của Hội Nông dân Việt Nam, 37 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, nêu cao vai trò, trách nhiệm trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên nền tảng đó, các cấp Hội Nông dân tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là Quyết định 673 – QĐ/TTg, ngày 10-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020.

Động viên cán bộ, hội viên, nông dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tiếp tục tổ chức các phong trào nông dân thi đua yêu nước, hướng mọi hoạt động của hội viên, nông dân vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước; trong đó trọng tâm là 3 phong trào thi đua lớn: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giai cấp nông dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Sao vàng. Riêng Nông dân Tiền Giang được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động I-II-III, Huân chương Độc lập hạng II và nhiều tặng thưởng của Nhà nước.

NGUYỄN VĂN QUANG

.
.
.