Thứ Hai, 08/10/2012, 08:56 (GMT+7)
.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều dự án luật

* Sẽ thay thế người có trên 2/3 số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa khai mạc chiều ngày 5-10. Trong phiên họp này, Ủy ban sẽ cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng.

Các dự án luật được cho ý kiến lần này gồm: Luật Việc làm; một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Thủ đô; Luật Đầu tư công; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Ủy ban Thường vụ QH cũng sẽ cho ý kiến đối với Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; việc chuẩn bị trình QH dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết của QH về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi).

Khai mạc phiên họp thứ 12 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khai mạc phiên họp thứ 12 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban cũng cho ý kiến việc đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và toàn khóa XIII của QH; việc ban hành Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013...

* Chiều ngày 6-10, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung được đông đảo nhân dân, cử tri cả nước quan tâm.

Về vấn đề này, hầu hết các ý kiến đều tán thành việc chia 4 mức để đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu QH hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời, song song đó sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Trong phiên thảo luận chiều 6-10, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết phải trên tinh thần thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cơ quan thẩm tra cần tách biệt rõ khái niệm “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm”. Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm chỉ có ý nghĩa thăm dò, nhằm đánh giá cán bộ trong việc hoàn thành nhiệm vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chứ không liên đới đến các chức vụ khác trong hệ thống chính trị của những người này.

(Theo dangcongsan.vn, chinhphu.vn)

.
.
.