Thứ Tư, 26/12/2012, 08:46 (GMT+7)
.

3 chiến sĩ gang thép: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Đó là lý tưởng sống của 3 chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch (bí danh Công) và Hùng, Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Câu chuyện về 3 người anh hùng chặn đánh xe tăng trong trận Ấp Bắc (Tân Phú, Cai Lậy) diễn ra ngày 2-1-1963 được chúng tôi chắp nối qua ký ức của đồng đội và người thân của các anh…

QUẢ CẢM ĐÁNH ĐỊCH

50 năm đã trôi qua, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Phạm Văn Thư (chú Tám Thư) nay đã bước sang tuổi 85, nhưng ký ức về Tiểu đội gang thép vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm. Giọng nói chậm rãi, nhưng mạch lạc, khúc chiết, chú Tám kể:

Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261) của chú có tổ chức 1 tiểu đội quyết tử để khi gặp phải tình huống gay go nhất của trận đánh thì Tiểu đội Quyết tử phải xung phong đi đầu, chấp nhận hy sinh trước. Chính vì vậy, Tiểu đội Quyết tử được lựa chọn rất kỹ về thành phần gia đình, tư tưởng, quá trình chiến đấu... Và điều không thể thiếu, đó là chiến sĩ trong Tiểu đội Quyết tử phải là tay súng cự phách. Đó cũng là vinh dự của chiến sĩ Tiểu đội Quyết tử.

Trong đội hình của Đại đội 1, Tiểu đội 1 của Trung đội 2, do anh Nguyễn Văn Đừng làm Tiểu đội trưởng được chọn làm Tiểu đội Quyết tử. Trong trận đánh Ấp Bắc, Tiểu đội 1 của anh Đừng nằm ngay cửa chính đánh xe tăng. Khoảng từ 11 đến 12 giờ ngày 2-1-1963, xe tăng của địch tiến vào địa hình của ta tổng cộng 5 lần, nhưng đều bị đánh bật ra.

Đợt tấn công cuối cùng, địch rất hung hãn. Được sự yểm trợ của pháo binh, phi cơ, xe tăng M.113 tiến vào địa hình của ta. Do ta không có vũ khí chống tăng nên chỉ huy cấp trên lệnh cho Tiểu đội 1: Súng trường nhắm vào xích xe tăng mà bắn, lựu đạn cũng phải ném dưới lườn xe!

Chú Lê Công Sơn (tên thường gọi Lê Hùng Hưởng hay chú Sáu Huẩn), Chính trị viên, kiêm Trung đội Trưởng Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 nhớ lại:

Lúc ấy, khẩu trung liên của Tiểu đội anh Đừng bị kẹt đạn. Anh Đừng lệnh cho Nghĩa lùi về phía sau để sửa chữa khẩu trung liên. Xe tăng của địch vẫn hung hãn trườn tới, gần sát đến công sự của Tiểu đội 1. Hỏa lực của ta nả đạn để kiềm chế bước tiến của xe tăng, nhưng bất lực.

Nếu để xe tăng càn lên công sự thì không chỉ nhiều anh em phải hy sinh mà địa hình cũng không được giữ vững. Xe tăng chỉ còn cách công sự trong gang tấc, anh Đừng bật dậy khỏi công sự, tay cầm thủ pháo (quả Bta tự chế) lao về phía xe tăng… Anh Đừng ném quả thủ pháo vào xe tăng. Một tiếng nổ lớn vang rền. Xe tăng bốc cháy ngùn ngụt. Đừng trúng đạn hy sinh…

Các em học sinh Tân Phú viếng mộ 3 Chiến sĩ gang thép.
Các em học sinh Tân Phú viếng mộ 3 Chiến sĩ gang thép.

Không ngờ bộ đội ta có thể đánh cháy xe tăng, địch dừng lại rồi rút lui. Không để xe tăng chúng rút lui dễ dàng, Anh Hùng, Tiểu đội phó Tiểu đội 1 bật dậy nhắm vào xích xe tăng nhả đạn. Địch bắn trả quyết liệt. Anh Hùng trúng đạn hy sinh… Anh Đỗ Văn Trạch (bí danh là Công) và đồng đội tiếp tục chiến đấu.

Tiểu đội 1 dùng khẩu trom - long bắn hạ thêm 1 xe tăng và đứt xích 1 xe tăng nữa. Không để địch rút lui, anh Trạch bật lên tiếp tục nhả đạn. Và anh Trạch ngã xuống khi chưa tròn 19 tuổi… Tiểu đội Quyết tử đánh gãy xe tăng càn cũng có nghĩa là Chiến thuật “Thiết xa vận” của địch bị bẻ gãy.

Sau khi trận đánh Ấp Bắc kết thúc, cảm phục sự hy sinh anh dũng của các anh: Đừng, Hùng và Trạch, nhân dân gọi các anh là 3 chiến sĩ gang thép, Tiểu đội 1 là Tiểu đội gang thép.

TINH THẦN QUYẾT TỬ

Chú Sáu Huẩn cho biết: Chú và 3 chiến sĩ gang thép ở chung đại đội nên anh em cũng thường gặp nhau và hay đùa giỡn với nhau. Anh Đừng đã được kết nạp Đảng, còn anh Trạch và Hùng là đoàn viên thanh niên. Anh Đừng và anh Trạch có mặt trong Tiểu đoàn 261 ngay từ những ngày đầu mới thành lập (năm 1961), còn anh Hùng đến năm 1962 mới vào Tiểu đoàn.

Anh Đừng xuất thân trong gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, anh Đừng phải đi giữ trâu, ở mướn để phụ giúp gia đình. Khi phong trào Đồng khởi nổ ra thì anh thoát ly đi kháng chiến. Còn anh Hùng là con út trong gia đình nông dân, tham gia du kích từ tuổi thiếu niên, sau đó thoát ly vào Tiểu đoàn 261. Tuy gia đình nghèo, học ít nhưng tinh thần cách mạng của anh Hùng cao và tư tưởng rất vững vàng.

Theo lời kể của chị Cao Thị Hòa (ấp Lộc Sơn, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), cháu gọi anh Trạch bằng cậu thì ông ngoại chị (cha anh Trạch) hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi người con gái út của ông mới giáp thôi nôi. Nhà nghèo lại đông anh em, từ bé anh Trạch đã phải trông em và đi đốn củi, mò cua, bắt ốc, giăng câu… để giúp mẹ. Chị Hòa là cháu đầu nên được anh Trạch rất cưng chiều. Trong những lúc rảnh rỗi, anh Trạch giữ cháu cho chị làm công việc gia đình giúp mẹ.

Anh Trạch lén gia đình tham gia trong đội du kích xã từ rất sớm. Những ngày đội du kích xã tập bắn, anh Trạch cõng cháu theo rồi để ngồi chơi bên cạnh. 18 tuổi (năm 1962), anh Trạch thủ thỉ với mẹ chị Hòa: “Chị ở nhà chăm sóc má, em đi cách mạng để trả thù cho cha!”. Trong đợt đánh chống càn Mỹ - ngụy ở Ấp Bắc, anh Trạch được cấp trên cho nghỉ ở lại đơn vị để dưỡng thương (anh Trạch vừa mới bị thương), nhưng anh quyết xin đơn vị cho tham gia.

Chú Sáu Huẩn bồi hồi nhớ lại: Trong 3 người thì anh Đừng đẹp trai nhất, người cao to, da trắng, mũi cao, có bịt răng vàng. Còn anh Hùng thì nhỏ con, đen đúa nhưng rắn rỏi; anh Trạch thì trung người, nước da ngâm. Anh Đừng và anh Trạch thì hoạt bát, vui vẻ, sôi nổi, hòa đồng với anh em, đồng đội. Còn anh Hùng thì trầm ngâm, ít nói. Cả 3 anh đều rất kiên trì, là xạ kích giỏi trong lớp học quân sự do đồng chí Bảy Đen trực tiếp huấn luyện.

Chú Sáu bùi ngùi: Trong những lần tâm sự với nhau, các anh đều hạ quyết tâm sẵn sàng hy sinh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

SỐNG MÃI TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN TÂN PHÚ

Các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, không để lại gì ngoài tình cảm yêu mến, kính phục của đồng đội và nhân dân Tân Phú. Chị Nguyễn Ngọc Mai kể: Năm 2003, các mẹ, các chị làm cỏ trong Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc rồi bàn tính với nhau: “Thương 3 chiến sĩ gang thép hy sinh không vợ con, vì vậy chị em mình của ít lòng nhiều, mỗi người một ít hùn lại làm giỗ cho các anh!”.

Ý tưởng ngay lập tức được mọi người tán thành. Năm ấy, các mẹ, các chị hùn lại tổ chức nấu nướng ở nhà chú Đỗ Xuân Chinh (bảo vệ Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc) rồi mang qua mộ 3 chiến sĩ gang thép cúng. Thấy việc làm có ý nghĩa, năm sau nhiều bà con ở Ấp Bắc cùng chung tay người nấu xôi, người gói bánh, ai có gì đóng góp cái nấy để tổ chức giỗ các anh.

Lần giỗ đầu chỉ khoảng 30 người, sang lần thứ 2 đã có khoảng 100 người tham gia. Lần tổ chức giỗ thứ 3, bà con mời chính quyền ấp đến dự cho thêm phần long trọng.

Lãnh đạo xã Tân Phú thấy việc làm của bà con có ý nghĩa giáo dục truyền thống nên hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Chạp, xã đã đứng ra tổ chức lễ giỗ cho các anh. Từ đó, không chỉ có bà con ở ấp Ấp Bắc, mà ở các ấp khác trong xã cũng tụ hội về tham dự lễ giỗ các anh. Gia đình của 3 chiến sĩ gang thép ở Bến Tre, Long An và Đồng Tháp cũng được mời đến tham dự.

Sau nghi thức tưởng niệm, các cụ cao niên trong trang phục áo dài khăn đóng trang nghiêm, thắp hương nguyện cầu: “Các anh sống sao thác vậy, phù hộ cho dân chúng bình yên, bà con khỏe mạnh, mùa màng thắng lợi…”.

Lễ giỗ 3 chiến sĩ gang thép đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của nhân dân nơi các anh hy sinh. Nửa thế kỷ đã trôi qua, 3 chiến sĩ gang thép vẫn sống mãi trong lòng người dân Tân Phú.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.