Thứ Ba, 25/12/2012, 08:14 (GMT+7)
.

Theo chân Thượng tướng Trần Văn Trà

Tết Dương lịch năm 1993, nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Ấp Bắc, thượng tướng Trần Văn Trà về lại chiến trường xưa. Tôi được ngành Y tế phân công theo chân thượng tướng để làm công tác chăm sóc sức khỏe cho Thượng tướng cũng như các tướng lĩnh cùng đi.

Tôi lên danh mục thuốc dự trù gồm: các loại thuốc điều trị cao huyết áp, kháng sinh, thuốc ho, giảm đau, hạ sốt, tiêu chảy… ngay từ ngày hôm trước, rồi xuống Khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang lãnh, tất cả thuốc cho vào một túi da và xách lên xe. Tôi cũng không quên mang theo máy đo huyết áp, ống nghe, băng, bông, cồn, gạc.

Xe bệnh viện đưa tôi đến Bộ Chỉ huy quân sự huyện Cai Lậy lúc 5 giờ sáng để chờ phái đoàn của thượng tướng từ TP. Hồ Chí Minh xuống. Đúng 7 giờ sáng, một chiếc xe 16 chỗ dừng trước cổng Huyện đội, từ trên xe một người dáng vừa tầm, gương mặt tròn phúc hậu, tóc bạc trắng, đeo kiếng cận, mặc bộ quân phục sĩ quan quân đội ngắn tay, không mang quân hàm, đầu đội nón kết có gắn huy hiệu ngôi sao vàng bước xuống. Tôi nhận ra ngay đó là thượng tướng Trần Văn Trà, một danh tướng của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Tôi đã từng nghe ba tôi kể về thượng tướng. Ba tôi bảo người chỉ huy quân giải phóng là ông Trà, đánh trận nào là thắng trận nấy, khiến cho tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ngay từ lúc còn nhỏ. Sau này khi đi bộ đội, tôi biết rõ hơn về thượng tướng. Ông từng làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam bộ, rồi kiêm Tư lệnh và Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Khu ủy viên; Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam bộ; Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1963 ông  được Trung ương cử vào miền Nam đảm nhiệm chức vụ: Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam.  Năm 1975, ông  là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định,  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1993, lúc ông về thăm Ấp Bắc, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh.

Thượng tướng cùng các vị tướng lĩnh khác như: Ông Sĩ, ông Thành, ông Hưng… được các anh trong Bộ Chỉ huy quân sự huyện hướng dẫn xuống bến tàu ở chợ Tân Hội. Tôi được bố trí ngồi sau lưng thượng tướng trên một chiếc vỏ lãi dài gấp đôi chiếc xuồng ba lá. Câu chuyện giữa thượng tướng và các vị tướng lĩnh cùng đi thật rôm rả, vui tươi.

Ông nói tiếng của người xứ Quảng (Quảng Ngãi), nhưng nhẹ hơn, giống giọng Sài Gòn nên rất dễ nghe. Qua cuộc chuyện trò, tôi cảm nhận được Thượng tướng không chỉ là một nhà quân sự tài ba, mà còn là một học giả rất uyên bác về lịch sử, văn hóa, xã hội. Có lẽ do ông đã từng là học trò trường Tây, tốt nghiệp trường kỹ nghệ ở Quảng Ngãi trước khi tham gia Việt Minh; đồng thời đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến.

Chiếc vỏ lãi chạy ra khỏi chợ Tân Hội, rồi theo một dòng kinh rộng hướng xuống xã Tân Phú, Ấp Bắc. Dọc bờ kinh có nhiều ngôi nhà mới cất, vách gỗ, mái tôn, thỉnh thoảng võ lải phải chạy chậm vì vướng phải những cái vó lớn đặt cá trên dòng kinh, cuộc sống của người dân rất yên bình. Mọi người cùng đưa mắt nhìn lên bờ khi đi ngang qua một trường học ven kinh, tiếng hát của các học sinh vang xuống dòng kinh... khiến ai cũng bồi hồi thấy vui trong bụng. Riêng các vị tướng, có lẽ đang nhớ tới những ngày kháng chiến năm xưa, muốn vượt con kinh rộng như thế này phải gian nan lắm, có khi phải băng qua bão đạn, bom vùi của giặc, đã từng phải đổi lấy cả máu xương của mình và đồng đội.

Lên bờ ở xã Tân Phú, cả đoàn đi bộ vào Khu di tích Ấp Bắc năm xưa, thượng tướng vào trong xóm nhà cạnh cánh đồng có nhiều xác xe tăng và máy bay giặc ngày xưa để thăm hỏi bà con. Thượng tướng rất quan tâm đến cuộc sống của nhân dân ở đây. Ông hỏi thăm về công việc hàng ngày của bà con, việc học của các cháu, các chính sách hậu phương quân đội.

Một số người dân phản ánh sự bức xúc trong chính sách đất đai ở quê mình với thái độ có phần gay gắt, ông đã mời một vị trong Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang đứng gần đó đến trực tiếp nghe bà con nói. Ông chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu và hỏi thêm một số chi tiết. Ông kiên nhẫn nghe hết tất cả các câu chuyện của bà con, không lần nào ông ngắt lời bà con cả.

Tôi đứng bên cạnh ông mỏi cả chân, chỉ muốn đi đến cái trảng xê cũ gần đó để ngồi nghỉ, nhưng trong lòng sợ lỡ ông có bề gì về sức khỏe thì làm sao giúp ông kịp. Cuối cùng bà con cũng trút hết nỗi niềm của mình với ông. Ông điềm đạm nở một nụ cười và giải thích cho bà con nhiều nội dung trong chính sách của Đảng và Nhà nước, rồi kết luận: “Cùng đi với tôi có mấy anh lãnh đạo ở địa phương đã nghe hết ý kiến của bà con rồi. Tôi đề nghị các anh về bàn bạc để tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý sớm nhất cho bà con, bà con hãy an tâm”.

Những người dân đứng xung quanh sau khi nghe ông nói xong đã cảm thấy hài lòng.Tôi nhìn thấy gương mặt của mọi người xung quanh giãn ra, hết căng thẳng, vui vẻ hướng dẫn Thượng tướng đi thăm thêm một số gia đình trong xóm.

Khi đi đến thăm mộ ông Nguyễn Văn Tiếp và Ba chiến sĩ Gang thép, thượng tướng đề nghị cả đoàn lội băng qua miếng ruộng cho gần, khỏi phải đi đường vòng quanh co trên các bờ ruộng nhỏ, lúc đó trời đổ mưa xuân lất phất, ai cũng phải mặc áo mưa. Tôi đi bên cạnh và đưa tay đỡ ông khi ông bước xuống chỗ lầy lội. Qua khỏi đoạn trũng khó đi, Thượng tướng cười tươi và nói: “Cám ơn đồng chí bác sĩ, giờ tôi có thể tự đi được rồi. Tôi coi vậy mà còn khỏe lắm, không sao đâu!”.

Rồi thượng tướng vừa cười vừa bước đi băng băng qua đám ruộng, chân đạp lên những gốc rạ mới vừa gặt nghe rào rào, lúc đó tôi lội theo muốn… hụt hơi!. Nhà báo Duy Anh, Hoàng Sơn và Trần Lương cũng lao xuống ruộng chạy theo, quay phim và chụp hình lia lịa. Anh Trần Lương phải trùm áo mưa phủ lên máy quay phim để tránh ướt.

Buổi chiều ăn cơm ở Ủy ban xã Tân Phú, thượng tướng cùng ăn với các cô chú trong Hội Cựu chiến binh và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang phụ nấu bếp ở ủy ban chuẩn bị cho ngày lễ chiến thắng. Bữa cơm đạm bạc gồm canh chua rau nhút, nấu với cá lóc, cá rô kho, thịt heo xào nhưng ai cũng thấy ngon miệng vì cả ngày vừa chèo ghe, băng đồng, lội ruộng, dầm mưa, phơi nắng.

Một ngày qua nhanh, trời buổi chiều với nhiều ráng đỏ sau trận mưa xuân lúc trưa, thượng tướng cùng các vị tướng lĩnh lên xe ra về, ông bắt tay từng người, chúc mọi người một năm mới thành công, hạnh phúc. Tôi ở lại để phụ trách tổ y tế của cuộc mít tinh sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau. Túi thuốc mang theo may mắn không sử dụng viên nào.

Tôi cảm thấy rất vui với một ngày theo chân thượng tướng, dù ngắn ngủi nhưng ông đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, đó là hình ảnh của một vị tướng lĩnh rất tài ba, thao lược trong chỉ huy chiến đấu, nhưng cũng rất gần gũi, bình dị, dễ mến trong cuộc sống hàng ngày. 

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.