Thứ Hai, 24/12/2012, 19:31 (GMT+7)
.

Các nhiệm vụ và giải pháp thi đua, khen thưởng năm 2013

* Năm 2012, 657 tập thể và cá nhân Tiền Giang được Trung ương khen thưởng

Ngày 22-12, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2012 và đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì hội nghị. Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tham gia hội nghị tại đầu cầu Tiền Giang.

Năm 2012, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.

Chất lượng công tác thi đua, khen thưởng được nâng cao theo hướng chính xác, công khai, kịp thời. Khen thưởng thường xuyên chiếm 19,59%; khen thưởng đột xuất, chuyên đề chiếm 1,24%; khen thưởng niên hạn chiếm 52,37%; khen thưởng thành tích kháng chiến chiếm 24,6%; các danh hiệu vinh dự Nhà nước, danh hiệu thi đua chiếm 2,72%.

Năm 2012 Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tặng 657 bằng khen, cờ thi đua cùng nhiều huân, huy chương cho các tập thể và cá nhân xuất sắc của Tiền Giang.

Năm 2013, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề ra 7 nhiệm vụ và 5 giải pháp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2013.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ghi nhận những kết quả của phong trào thi đua, khen thưởng các địa phương đã đạt được trong thời gian qua và giao một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Học tập và làm theo tinh thần thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người người thi đua, nhà nhà thi đua”.

Phát động các phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả. Đảm bảo dân chủ, bình đẳng trong bầu chọn các danh hiệu thi đua. Khen thưởng nhiều cho những người lao động trực tiếp. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong công tác thi đua, khen thưởng…

P. MAI

.
.
.