Thứ Tư, 25/03/2015, 12:15 (GMT+7)
.

Lực lượng Thanh niên xung phong góp phần chống Mỹ, cứu nước

Năm 2015 đất nước ta có nhiều sự kiện lịch sử, chính trị có ý nghĩa trọng đại. Đặc biệt, đối với tuổi trẻ có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(26-3-1931 - 26-3-2015) và kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) miền Nam phục vụ kháng chiến chống Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1965 - 2015).

Tháng 3-1965, Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ Nhất đã đề ra nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn trước mắt là “Đánh giặc, sản xuất và xây dựng đời sống mới ở vùng giải phóng. Đoàn kết, tổ chức lực lượng thanh niên, học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành lực lượng hậu bị của Đảng”.

Đại hội quyết định phát động phong trào “5 xung phong” trong đoàn viên và thanh niên miền Nam là: “Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân giết giặc; xung phong đấu tranh chính trị và binh vận; xung phong phục vụ tiền tuyến, vào các đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác, phục vụ chiến trường; xung phong sản xuất nông nghiệp trong Nông hội”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam và sự chỉ đạo của Khu đoàn Trung Nam bộ và Tỉnh ủy Mỹ Tho, Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch, phát động trong cán bộ, đoàn viên và thanh niên hưởng ứng phong trào “5 xung phong”, đặc biệt là vận động thanh niên tham gia lực lượng TNXP giải phóng miền Nam và tham gia vào tổ chức TNXP ở cơ sở để chiến đấu và phục vụ bộ đội chiến đấu giết giặc.

Chủ trương của tổ chức Đoàn tập hợp thanh niên từ 16 đến 30 tuổi vào lực lượng TNXP cơ sở ở tại xã, ấp. Mỗi ấp có ít nhất 1 trung đội, mỗi xã ít nhất 1 đại đội, xã có đông thanh niên thì tổ chức 2 - 3 đại đội, do cấp ủy, chi bộ xã, ấp lãnh đạo, Đoàn Thanh niên làm nòng cốt, quản lý và huy động TNXP để phục vụ chiến đấu.

Nhiệm vụ của lực lượng TNXP cơ sở chủ yếu là tải đạn, tải thương, phá đường giao thông, phá ấp chiến lược, tham gia du kích ấp, du kích xã, du kích mật, tham gia phong trào du kích chiến tranh, rào xã chiến đấu, đào công sự, đào hầm chông, đánh lựu đạn, chiến đấu đánh địch càn quét, cào nhà gom dân ra ấp chiến lược; đồng thời tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, chống địch bắt lính, bắt thanh niên vào phòng vệ dân sự, vận động làm tan rã binh lính của địch.

Đặc biệt, lực lượng TNXP cơ sở ở nông thôn còn tích cực làm nòng cốt bám ruộng, bám vườn, bám đất, bám dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cung cấp lương thực thực phẩm cho bộ đội, cho nhân dân và bảo vệ vùng căn cứ cách mạng ở nông thôn, vùng giải phóng.

Để tập hợp thanh niên vào lực lượng TNXP cơ sở, các cấp bộ Đoàn vận động, phân công đoàn viên, hội viên Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng làm nòng cốt và vận động thanh niên tham gia vào tổ chức TNXP. Kết quả, trong năm 1965, toàn tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) đã tổ chức được 12.000 TNXP cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đoàn về xây dựng lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, Tỉnh đoàn Mỹ Tho đã phát động trong đoàn viên và thanh niên hưởng ứng thoát ly tham gia TNXP Miền phục vụ chiến đấu ở chiến trường. Kết quả, năm 1965 tỉnh Mỹ Tho đã vận động xây dựng được 2 đại đội, lấy tên là đơn vị Ấp Bắc I và Ấp Bắc II, với tổng số 356 thanh niên tham gia lực lượng Tổng đội TNXP miền Nam.

Trên cơ sở xây dựng lực lượng TNXP đã tác động tích cực đến phong trào vận động thanh niên tòng quân. Kết quả, năm 1965 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã vận động đưa hơn 3.500 thanh niên nhập ngũ xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Bên cạnh đó, phong trào thanh niên tham gia du kích chiến tranh, chiến đấu giết giặc, đấu tranh chính trị, binh vận, chống bắt lính, chống đôn quân, phá ấp chiến lược, tiêu hao tiêu diệt, làm tan rã nhiều sinh lực địch phát triển đều khắp trong tỉnh, góp phần giải phóng ấp, xã mở rộng vùng giải phóng, xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ cách mạng ở nông thôn.

Đến ngày 30-4-1975, lực lượng TNXP cơ sở đã công bố hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang và tự giải thể tại cơ sở. Nhiều anh chị đội viên TNXP trở thành cán bộ của Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang giàu đẹp, đã được giải quyết chính sách và khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đội viên có công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách người có công, cần được các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét giải quyết.

TRẦN THANH HẢI

.
.
.