Thứ Tư, 15/04/2015, 08:21 (GMT+7)
.

Công bố hiệu quả quản trị&hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014

Sáng 14-4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014 (PAPI 2014). PAPI là kết quả nghiên cứu chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).

Tham nhũng có xu hướng gia tăng nhưng tỷ lệ tố cáo tham nhũng còn rất ít

Mặc dù có những chỉ đạo từ cấp cao nhất nhưng kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, tình trạng tham nhũng dù nhỏ vẫn còn tồn tại dai dẳng. Tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng và hối lộ là phổ biến trong một số ngành cung ứng dịch vụ công ở địa phương có xu hướng gia tăng (27% so với 25% trong năm 2013).

Phát hiện nghiên cứu năm 2014 cho thấy, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi.

Theo đánh giá của người dân về tầm quan trọng của việc thân/quen người có chức, có quyền khi xin việc vào 5 vị trí cấp xã/phường (công chức địa chính, tư pháp, công an, giáo viên tiểu học công lập và nhân viên văn phòng UBND), “chủ nghĩa vị thân” còn rất phổ biến ở tất cả các tỉnh/thành phố, dường như đã thành vấn đề phổ biến trong hệ thống nhà nước, thậm chí ở cấp chính quyền thấp nhất.

Lễ công bố hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014.  (Ảnh: TH).
Lễ công bố hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014. (Ảnh: TH).

Trong số những thành phố Trung ương, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá cao hơn so với Hà Nội về kiểm soát tham nhũng; Cần Thơ và Đà Nẵng đạt điểm cao hơn nhiều so với Hải Phòng.

Cũng theo kết quả PAPI 2014, so với mấy năm trước, tình hình tham nhũng vặt có chiều gia tăng nhẹ. 49% người dân cho rằng phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công. 43% phải đưa phong bì để được chú ý hơn khi khám bệnh. 33% cần “bôi trơn” khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 30% phải đưa phong bì cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn.

PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, cung cấp dữ liệu về trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở các cấp. Khảo sát PAPI 2014 đã phỏng vấn gần 14.000 công dân được lựa chọn ngẫu nhiên.

Song, đáng chú ý, vẫn có đến 56% người được hỏi không tố cáo tham nhũng vì cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì, thủ tục tố cáo quá rườm rà, hoặc họ sợ bị trù dập, hoặc không biết tố cáo thế nào. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi đó.

Tỷ lệ người được hỏi đánh giá chính quyền cấp tỉnh nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương là 38,7%, tăng so với năm 2011 (34%), tương đương năm 2013.

Không gia tăng mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ “thủ tục hành chính công”

Hiệu quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đo lường thông qua các chỉ số về chất lượng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.

So với kết quả khảo sát năm 2013, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tăng trưởng chậm.

Mức độ hài lòng của người dân đối với bốn nhóm dịch vụ “thủ tục hành chính công” hầu như không gia tăng qua các năm. Dịch vụ chứng thực, xác nhận được chấm điểm cao nhất (7,3/8 điểm), tiếp đó là dịch vụ hành chính cấp xã (6,75/8), dịch vụ cấp phép xây dựng (6,7/8) và chứng nhận sử dụng đất đứng cuối bảng (5,04/8).

Chất lượng huy động người dân tham gia vào đời sống chính trị và công cuộc phát triển ở địa phương có xu hướng giảm tương đối mạnh. Đánh giá hiệu quả huy động sự tham gia của người dân ở cấp tỉnh năm 2014 so với năm 2013 thì Quảng Ninh, Lào Cai, Cà Mau tăng điểm nhiều nhất, giảm điểm nhiều nhất là Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai.

Năm 2014, chỉ có 16,4% số người được hỏi có biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã/phường nơi họ cư trú, giảm 4% so với năm 2013. 34% người nộp đơn liên quan đến quyền sử dụng đất phải đợi 100 ngày mới giải quyết xong giấy tờ và 8% phải đợi từ 100-720 ngày mới có kết quả cuối cùng, trong khi Luật quy định việc xử lý hồ sơ liên quan đến nội dung này không được kéo dài quá 30 ngày.

Năm 2014, các chỉ số nội dung về công khai, minh bạch và giải trình với người dân đạt tiến bộ không đáng kể. Ví dụ: Trung bình chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và tin tưởng các thông báo công khai về ngân sách ở quận, xã mình.

Qua kết quả PAPI 2014, bà Pratibha Mehta - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khuyến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân thông qua cung ứng dịch vụ căn bản và nâng cao chất lượng quản trị công để không rơi vào bẫy “phát triển trung bình”.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.