Thứ Bảy, 09/12/2017, 08:36 (GMT+7)
.

Chất vấn, giải trình với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm

Ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 5 của HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX các đại biểu tiếp tục phiên giải trình tại hội trường với tinh thần thắng thắn, trách nhiệm. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được các đại biểu chuyển tải đến lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các ngành hữu quan thảo luận, phân tích, tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế và đề ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới được đại biểu đồng tình. 

Tập trung xử lý các vụ tham nhũng đã phát hiện

Tại phiên giải trình, đại biểu đặt vấn đề: Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2017 vẫn còn một vài cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; hoạt động giám sát tố giác tham nhũng, phối hợp xử lý các vụ, việc tham nhũng còn hạn chế. Đối với việc xử lý các vụ tham nhũng đã phát hiện còn chậm, đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao?

Giải trình vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa, cho biết: Do công tác phòng, chống tham nhũng phức tạp, rộng lớn liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động, với nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; trong khi đó, nhận thức về nội dung và giải pháp phòng, chống tham nhũng của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được tập trung cao, thiếu sâu sát.

Cụ thể; hình thức triển khai chủ yếu thông qua việc phát hành văn bản, thiếu tập trung; công tác kiểm tra, kiểm soát đánh giá kết quả thực hiện để chỉ đạo chấn chỉnh chưa nghiêm túc; nhiều nơi có biểu hiện giao cho bộ phận chuyên môn hoặc cán bộ, nhân viên nghiệp vụ thực hiện nên còn nhiều sai sót, hạn chế, chưa phát huy hiệu quả theo chỉ đạo; công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị có chức năng đối với thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa được lãnh đạo cơ quan, các đơn vị quan tâm thực hiện đầy đủ... Trước những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp cơ bản để khắc phục trong phương hướng nhiệm vụ năm 2018 và sẽ được cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo thực hiện trong năm 2018.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa giải trình về việc phnogf chống tham nhũng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa giải trình về công tác phòng chống  tham nhũng

Về nguyên nhân xử lý các vụ tham nhũng đã phát hiện còn chậm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa  cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, có 12 vụ việc được phát hiện có dấu hiệu tham nhũng (4 vụ phát hiện năm 2017 và 8 vụ được phát hiện từ các năm trước chuyển sang). Đã chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, thì trong quá trình điều tra, xác minh đều trễ hạn so với quy định tại Thông tư số 02 ngày 23-12-2012 của Viện Kiểm sát Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Nguyên nhân dẫn đến chậm xử lý do các kết luận từ Cơ quan Thanh tra chuyển sang là hồ sơ và tài liệu ban đầu, các vụ việc đều là vi phạm về kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, đa số là vụ việc phức tạp, thường được phát hiện sau một thời gian dài đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phải tiến hành điều tra, đối chiếu, thu thập, xác minh chứng cứ; nhiều vụ việc bắt buộc phải trưng cầu giám định (như: về chất lượng công trình đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản; giám định chữ viết, chữ ký; giám định chứng từ, tài chính…) vì vậy mất nhiều thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính toàn diện, khách quan trong xử lý các hành vi vi phạm về kinh tế, tham nhũng, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành trao đổi quan điểm xử lý với Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thông qua hồ sơ, chứng cứ buộc tội. VKSND phải nghiên cứu xem xét hồ sơ, có những vụ việc chưa thống nhất quan điểm xử lý nên phải nghiên cứu và trao đổi nhiều lần để thống nhất quan điểm xử lý. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng trực tiếp thực hiện công tác điều tra, xử lý tội phạm vi phạm về kinh tế, tham nhũng không đồng đều, trình độ chuyên môn một số lĩnh vực chuyên ngành còn hạn chế, chưa chuyên sâu, vụ việc nhiều, lực lượng có hạn nên chưa đáp ứng về thời hạn giải quyết.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, có mâu thuẫn và chồng chéo nhau như giữa quy định của Bộ Luật hình sự với các Luật chuyên ngành,nên khó trong quá trình áp dụng. Những hạn chế khó khăn trên UBND tỉnh đã nhìn thấy, chủ tịch UBND tỉnh rất quan tâm và phê bình một số ngành chức năng xử lý chậm trễ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan quyết liệt về mặt hành động, nhanh chóng giải quyết những vụ việc chậm xử lý trong thời gian qua.

* Đẩy mạnh hoạt động công tác gia đình

Xoay quanh công tác gia đình, đại biểu đặt vấn đề: Năm 2008, sau khi Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giải thể thì mảng Gia đình chuyển về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) quản lý, công tác quản lý mảng gia đình gặp nhiều khó khăn, do không có định mức kinh phí hoạt động, không có cán bộ chuyên trách gia đình ở tỉnh, huyện và cộng tác viên tại cơ sở. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao tình trạng này kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ? Giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức, cho biết: Sau khi sáp nhập công tác quản lý nhà nước về gia đình vào Sở VHTT&DL, Trung ương không quy định biên chế cán bộ chuyên trách công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo phân công cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác gia đình các cấp. Toàn tỉnh hiện có 181 cán bộ kiêm nhiệm, tham mưu thực hiện công tác gia đình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức giải trình về công tác gia đình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức giải trình về công tác gia đình

Về kinh phí chi cho công tác gia đình các cấp: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ không có quy định định mức riêng cho lĩnh vực gia đình, Quyết định của HĐND về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh năm 2017 cũng không có quy định định mức riêng cho lĩnh vực gia đình. Tuy nhiên, kinh phí phục vụ cho lĩnh vực gia đình được sử dụng trong định mức chi sự nghiệp văn hóa thông tin do ngành VHTT&DL quản lý hằng năm để thực hiện. Hàng năm, cấp tỉnh bố trí bình quân 350 triệu/năm cho công tác gia đình; có 3 đơn vị cấp huyện là TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và TX. Gò Công bố trí riêng cho công tác gia đình (khoảng 20 - 40 triệu đồng/năm), các đơn vị còn lại chi theo sự việc từ kinh phí sự nghiệp văn hóa.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp theo hướng phân công cán bộ ngành VHTT&DL phụ trách công tác gia đình các cấp, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp trong tổ chức thực hiện lồng ghép nhiệm vụ chuyên môn. Riêng cấp cơ sở sẽ xây dựng lực lượng cộng tác viên, dự kiến sử dụng cán bộ chi hội phụ nữ ấp, khu phố làm cộng tác viên gia đình để tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình. Căn cứ định mức chi sự nghiệp văn hóa, hàng năm UBND các cấp tham mưu trình HĐND cùng cấp phân bổ dự toán cho các đơn vị có liên quan (trong đó có sự nghiệp gia đình).

* Mối liên kết 3 nhà - điểm sáng trong thực hiện cánh đồng lớn

Xoay quanh vấn đề về tiến độ thực hiện cánh đồng lớn (CĐL) trong thời gian qua, nhiều đại biểu đặt vấn về, tại Kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh hứa sẽ chấn chỉnh hoạt động liên kết cánh đồng lớn (CĐL) đúng thực chất, hiệu quả và bền vững. Đến cuối năm 2017 sẽ xây dựng 22 CĐL với diện tích 2.000 ha, năm 2018 xây dựng 50 CĐL với diện tích 4.500 ha. Tuy nhiên, trong báo cáo tình hình kinh tế, xã hội năm 2017; phương hướng năm 2018 không đề cập đến vấn đề này. Đề nghị UBND tỉnh cho biết kết quả thực hiện CĐL trong năm 2017 có đạt diện tích nêu trên hay không? Kết quả thực hiện việc liên kết “3 nhà” hiện nay như thế nào? 

Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa đã giải trình tại kỳ họp: Trong năm 2017, các doanh nghiệp/HTX đã đầu tư xây dựng được 69 cánh đồng lớn tại 34 xã/7 huyện, thị  với diện tích thực hiện là 6.410,8ha với 7.244 hộ tham gia, tăng 31 cánh đồng lớn và diện tích tăng 4.410ha  so với kế hoạch dự kiến thực hiện đầu năm là 28 cánh đồng lớn, diện tích 2.000ha.

Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa giải trình về tiến độ thực hiên CĐL
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa giải trình về tiến độ thực hiên CĐL.

Về kết quả thực hiện mối liên kết 3 nhà (Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp) gần đây trở nên điểm sáng trong thực hiện CĐL. Trên cơ sở mối liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với tổ chức đại diện nông dân. Nơi nào có sự quan tâm của Nhà nước thì mối liên kết này được thực hiện bền vững hơn.

Kết quả: Diện tích CĐL tăng 1.689,8 ha (tăng 35,7%) so với năm 2016, số CĐL tăng 31 cánh đồng so với năm 2016. Tỷ lệ thực hiện thành công theo hợp đồng tăng 17,6% (năm 2017 là 79,9 % so với năm 2016 là 62,3%); Ngoài ra số lượt doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ cũng tăng và phương thức ký kết cũng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả; giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và tăng lợi nhuận thêm 15% so với sản xuất ngoài CĐL.

Kế hoạch năm 2018 sẽ thực hiện khoảng 60 CĐL với diện tích là: 7.774 ha  với 13.042 hộ tham gia. Trong đó, mời gọi các thương nhân trong vùng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện đầu tư liên kết tiêu thụ lúa trên địa bàn để tăng tính cạnh tranh trong thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền trong thực hiện cánh đồng lớn; củng cố, nâng chất tổ chức đại diện nông dân trong vùng phương án CĐL, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật 3G 3T, 1P 5G, hỗ trợ xây dựng hợp đồng đảm bảo 2 bên cùng có lợi.

Hỗ trợ tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; đầu tư các hạ tầng, thiết bị như lò sấy tháp, nhà kho, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm để các hợp tác xã thực hiện dịch vụ bảo quản, tồn trữ, chế biến nông sản cho nông dân trong vùng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

HOÀI THU – PHƯƠNG MAI

.
.
.