Thứ Tư, 30/05/2018, 14:18 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU TẠ MINH TÂM, ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG:

Góp ý 4 nội dung vào dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và đóng góp thêm một số nội dung, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 6, Chương I: Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, đề nghị bổ sung thêm 2 nội dung và rà soát lại các chế định đã xây dựng nhằm cập nhật, hoàn thiện các chính sách này. 

Một là, đề nghị bổ sung quy định bảo đảm công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của chủ thể, cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh, nhằm bảo đảm định hướng đặt ra khi xây dựng luật là duy trì và bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả giữa các doanh nghiệp trên thị trường và bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng.

Hai là, đề nghị bổ sung quy định tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát, thực thi pháp luật về cạnh tranh, nhằm phát huy vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của xã hội, bảo đảm người thụ hưởng, người tiêu dùng có cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.

Thứ hai, về mô hình cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, thống nhất với dự thảo Luật, bổ sung Chương VII về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia với 8 điều quy định; cần thiết bổ sung nhiệm vụ điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền vào các điều luật tương ứng về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và các chủ thể có liên quan, ghi nhận vào luật nhiệm vụ thi hành phán quyết, kiểm tra, giám sát việc thi hành phán quyết, kết luận xử lý vụ việc cạnh tranh.

Ngoài ra, cần nghiên cứu ghi nhận tại Chương VII về chức năng, nhiệm vụ của 2 thiết chế là Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh và Hội đồng Giải quyết khiếu nại quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh nhằm đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ về cơ cấu của chương. Hiện nay, 2 thiết chế này ghi nhận riêng rẽ tại mục 2 và mục 5, Chương VIII về tố tụng cạnh tranh. Đề nghị cân nhắc số lượng, cơ cấu, tính chuyên trách của thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nhằm bảo đảm khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Bổ sung trong Chương VII điều luật quy định trách nhiệm giải trình của Ủy ban, của thành viên Ủy ban; quy định cụ thể trình tự, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, bởi các chức danh của Ủy ban quốc gia mang tính đặc thù, là cơ quan bán tư pháp, là cơ quan trực thuộc bộ nhưng thành viên Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Do đó, những nội dung này cần được quy định cụ thể trong luật để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chức năng vừa quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa tiến hành tố tụng về cạnh tranh.

Thứ ba, đối với vụ việc lạm dụng vị trí, thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, dự thảo Luật quy định tại Chương IV với 5 điều; tuy nhiên, tại Điều 62 về Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh và mục 4, Chương XIII về tố tụng cạnh tranh chưa thể hiện rõ chủ thể chịu trách nhiệm và quy trình xử lý, đề nghị nghiên cứu hoàn thiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong các điều luật.

Thứ tư, về tố tụng cạnh tranh, đề nghị nghiên cứu cụ thể 3 vấn đề sau:

Một là, đối với Điều 56 về nguyên tắc tố tụng cạnh tranh, đề nghị nghiên cứu và rà soát lại cho phù hợp, bởi các nội dung của dự thảo Luật chưa thể hiện rõ, như tên của điều luật, mà chủ yếu quy định về việc áp dụng luật đối với quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, đề nghị bổ sung các quy định mang tính chỉ đạo chi phối đối với toàn bộ hoạt động tố tụng cạnh tranh theo hướng tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp, tuân thủ pháp chế, bảo đảm việc xác định sự thật một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình xử lý vụ việc, xử lý vi phạm cạnh tranh, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể có liên quan, có cơ quan loại trừ triệt để khả năng lạm dụng, lạm quyền.

Theo quy định của dự thảo Luật, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nòng cốt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Hiệu quả hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phần lớn đến từ hiệu lực hoạt động của cơ quan này. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, của thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, của điều tra viên vụ việc cạnh tranh được ghi nhận rất rộng. Thẩm quyền bao trùm trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh được ghi nhận tại các Điều 52, 53, 54, 64, 65.

Kết quả điều tra của cơ quan này là cơ sở quan trọng để Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh ban hành phán quyết, kết luận của mình. Dự thảo Luật chưa ghi nhận sự kiểm tra, chế ước trong hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh; thậm chí, trong trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại và bị hủy để giải quyết lại thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tiếp tục giao lại hồ sơ cho cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiếp tục xử lý theo Điều 104.

Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, bảo đảm tính độc lập, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm nghiêm kiểm soát chặt chẽ quyền lực, tránh lạm quyền trong hoạt động của cơ quan điều tra này.

Ba là, đối với phiên điều trần, đề nghị nghiên cứu quy định về nội dung, mục đích, giá trị pháp lý của phiên điều trần đối với hoạt động của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh; quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiến hành phiên điều trần, trình tự thủ tục ra quyết định của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, vì hoạt động điều trần và hoạt động của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh là 2 khâu then chốt của quá trình tố tụng cạnh tranh, do đó cần luật hóa những vấn đề có liên quan nhằm đảm bảo tính pháp lý, công bằng, khách quan, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên có liên quan.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.