Thứ Tư, 19/12/2018, 07:56 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19-12-1946 - 19-12-2018)

Cuộc kháng chiến của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng vừa thành công, đất nước ta phải đứng trước những khó khăn, thách thức: Thù trong, giặc ngoài; giặc đói, giặc dốt; đất nước bị đế quốc bao vây… Sự mất còn của cách mạng, của nền độc lập, thống nhất đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trận Giồng Dứa ngày 25-4-1947.
Trận Giồng Dứa ngày 25-4-1947.

ÁNG HÙNG VĂN LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI

Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước.

Ngay đêm 19-12-1946, trên căn gác xép nhà ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 20-12-1946, tại Hang Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chỉ có 198 từ ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị mà đanh thép, vạch trần dã tâm xâm lược của quân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta. Người cũng vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; đồng thời, khẳng định cuộc kháng chiến nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là áng hùng văn làm lay động lòng người. Chỉ bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tính chính nghĩa của Việt Nam khi đòi hỏi hòa bình; đồng thời, chỉ ra thái độ ngang ngược và âm mưu quyết tâm xâm lược nước ta của quân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.

Điều này đã nói lên đúng tâm tư, cảm xúc của mỗi người dân Việt Nam khi đó, họ đều cảm thấy mỗi hành động nhân nhượng cho hòa bình chỉ càng đẩy vị thế của mình thấp hơn và càng khiến cho thực dân Pháp hung hãn hơn trong hành động. Sự nhẫn nhịn của Việt Nam đã bị thực dân Pháp đẩy đến giới hạn, Việt Nam không muốn chiến tranh, mà chính quân Pháp buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên chiến đấu, đó là sự lựa chọn cuối cùng của nhân dân Việt Nam.
 
TỈNH MỸ THO VÀ GÒ CÔNG HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI

Hơn 1 năm kháng chiến, nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công ra sức ngăn cản sự tái chiếm của quân Pháp, bảo toàn và củng cố lực lượng kháng chiến ở địa phương. Đầu tháng 12-1946, số quân ở đồn bót của Pháp đóng trên địa bàn phải rút đi để tập trung lực lượng chi viện cho Bắc bộ. Đầu năm 1947, để củng cố lực lượng, Pháp bắt lính, đóng đồn vùng đô thị, vùng ven đô thị, trục giao thông trọng yếu như lộ Đông Dương (Quốc lộ 1A), các tỉnh lộ, liên tỉnh lộ. Quân Pháp còn củng cố bộ máy tay sai, đưa sĩ quan Pháp đứng đầu tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công, tái lập ban hội tề...

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đề ra chủ trương phát triển lực lượng kháng chiến như sau:
Về chính trị: Củng cố cơ sở Đảng, kiện toàn cấp ủy từ huyện đến xã, củng cố hệ thống tổ chức chính quyền từ tỉnh xuống xã.

Đối với các đoàn thể cứu quốc, chú trọng phát triển về chất lượng, trên cơ sở đó phát triển đảng viên mới; mở các đợt học tập, giáo dục tín đồ tôn giáo và có chính sách đối với tôn giáo. Mở lớp đào tạo cán bộ Mặt trận để xây dựng phong trào. Phát triển công tác địch vận. Chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, xây dựng cơ sở quần chúng, thực hiện chính sách khen thưởng và kịp thời phát động phong trào kháng chiến chống quân Pháp.

Về kinh tế: Thực hiện bao vây kinh tế địch, ban hành chủ trương tẩy chay kinh tế địch, bảo vệ kinh tế vùng kháng chiến. Thực hiện cấp ruộng cho người không đất, thực hiện chủ trương “Trang trải ruộng đất” cho nông dân. Thành lập Ban Kinh tế tài chính, thu thuế nông nghiệp, xây dựng tài chính cung ứng cho kháng chiến.

Về quân sự: Phân vùng chiến lược để có kế hoạch phát triển lực lượng thích hợp. Phát triển lực lượng vũ trang, nhất là xây dựng đội vũ trang tuyên truyền và du kích liên xã để đẩy mạnh chiến tranh du kích. Thành lập huyện đội, thị đội và bộ đội địa phương huyện. Đẩy mạnh công tác trừ gian, diệt tề, thanh trừ bọn cướp bóc, tổ chức các đội canh gác. Bảo vệ khu căn cứ cách mạng.

Về văn hóa - xã hội: Mở rộng bình dân học vụ, xây dựng nếp sống mới, phát triển dân y.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tỉnh ủy Gò Công, quân và dân 2 tỉnh đã liên tiếp giành nhiều chiến công vang dội, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Nam bộ, như chiến thắng Cổ Cò (ngày
22-1-1947), Long Thạnh (10-3-1947), Giồng Dứa (25-4-1947), Chợ Gạo (6-12-1947)...

Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng lãnh đạo nhân dân đánh thắng các kế hoạch chiến tranh của quân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hiệp định Genève năm 1954 ký kết đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 21 năm sau, với thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của quân Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. 

Kỷ niệm 72 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến chống quân Pháp tái xâm lược là dịp để chúng ta ôn lại những bài học của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng chung sức tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.