Thứ Bảy, 23/02/2019, 14:25 (GMT+7)
.

Quan tâm các hình thức giám sát, phản biện sao cho hiệu quả, thiết thực

(ABO) Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị khóa XI về giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH), góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, do Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức vào ngày 22-2.
 
Dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang có các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; đồng chí Trần Long Thôn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quyết định 217, 218, qua đó đóng góp cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân.
 
Đồng chí khẳng định, cùng với Quyết định 217, 218, các văn bản của Nhà nước đã góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống thực chất hơn.
 
5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, hoạt động GS, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều khởi sắc, hiệu quả thiết thực hơn, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhân dân, đối với Đảng.
 
Sau 5 năm, công tác GS, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định 217, 218 đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đặc biệt là quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động GS, PBXH. Ủy ban MTTQ các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác.  
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tiền Giang
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tiền Giang.
Các hoạt động GS, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ từng bước đi vào nền nếp.
 
Ủy ban MTTQ các cấp cơ sở đã chủ trì, phối hợp tổ chức được hơn 492.000 cuộc GS. Nhiều văn bản kiến nghị sau GS, PBXH ở một số địa phương có chất lượng, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau GS, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật.
 
MTTQ các cấp tích cực phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại. Các ý kiến tại các hội nghị đối thoại đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình, hầu hết các ý kiến được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại, góp phần tạo môi trường dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng GS, PBXH cho đội ngũ cán bộ MTTQ, đoàn thể bước đầu được quan tâm…
 
Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai thực hiện quy chế, quy định còn chậm so với yêu cầu đặt ra; việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện GS, PBXH ở một số nơi còn lúng túng.
 
Nhận thức về công tác GS, PBXH; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn chưa thống nhất, chưa đúng bản chất của hoạt động GS, PBXH.
 
Một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt 4 hình thức GS, 3 hình thức phản biện cho phù hợp. Trong thực hiện hoạt động GS, PBXH, góp ý ở một số địa phương, lãnh đạo MTTQ chưa thể hiện bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
 
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị: Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cần tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập trong các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước để đề xuất, kiến nghị phương hướng tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
 
Tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Hoàn thiện cơ chế và giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Tư vấn, Ban Tư vấn, Tổ Tư vấn.
 
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn trong thực hiện quy chế dân chủ, tham gia GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tham gia các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ chủ trì và phát động…
P. MAI
.
.
.