Thứ Hai, 17/02/2020, 15:38 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2020)

Chú Phạm Văn Bé: Suốt đời "vì nước, vì dân"

Hưởng ứng Cuộc thi “Gương sáng làm theo Bác” do Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Đông phát động, tôi xin trân trọng viết về tấm gương của chú Phạm Văn Bé (Tám Bé), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang: Suốt đời “vì nước, vì dân”.

Chú Phạm Văn Bé (đứng bên trái).
Chú Phạm Văn Bé (đứng bên trái).

NHIỆT HUYẾT TRONG CÔNG TÁC

Những năm đầu sau giải phóng, đất nước gặp nhiều khó khăn, điều kiện sinh hoạt, học tập của nhân dân thiếu thốn... Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, chú Phạm Văn Bé (Tám Bé) đã xung phong trên mặt trận văn hóa -tư tưởng, trở thành thầy giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo xã Phú Thạnh Đông từ năm 1976 - 1981.

Thời gian 5 năm chưa đủ dài, nhưng đủ để chú cảm nhận sự thiếu thốn, nỗi khó khăn, vất vả của trẻ em nghèo ở vùng đất cù lao này, từ đó chú càng đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo cho các em học sinh và sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Những năm sau đó, chú được cử tham gia học tập chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và đã tiếp tục gắn bó với ngành Giáo dục huyện Gò Công Đông cho đến lúc về hưu.

Cả cuộc đời tham gia công tác, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, chú đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ trong công tác, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Gò Công Đông, cụ thể: Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo - Việc làm huyện Gò Công Đông, chú luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Bản thân chú luôn chủ động chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tổ chức rà soát số lượng hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở đã hư hỏng, không có khả năng cải thiện để đề xuất hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện, để tránh sai sót, chú đã trực tiếp kiểm tra, giám sát nhiều nơi, chỉ đạo giải ngân vốn và có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đúng quy định.

Ngoài ra, chú đã trực tiếp hoặc đề xuất ban hành nhiều văn bản hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại địa phương. Với những nỗ lực của chú trong việc chỉ đạo, điều hành, nên từ năm 2009 đến năm 2012 toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng được 665 căn nhà cho hộ nghèo, giúp bà con “an cư” để “lạc nghiệp”.

Với chức trách được giao lãnh đạo, điều hành trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, từ thực tiễn của địa phương, chú nhận thấy huyện Gò Công Đông còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển nhưng chưa đồng bộ, nhất là nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, do đó cần phải tập trung làm tốt công tác xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, tập trung vào các công việc: Xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, nhất là trong dịp lễ, tết…

Thông qua các mối quan hệ công tác và quan hệ xã hội của chú, nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ; đặc biệt là, chú đã tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cô chú đồng hương Gò Công thành đạt tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, trong năm 2011 Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đã tài trợ 10 tỷ đồng xây dựng 2 điểm Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tư, xã Bình Ân. Chú trực tiếp vận động hỗ trợ xây dựng 45 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1,35 tỷ đồng.

Chú còn vận động các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng dứt điểm nhà tình nghĩa trên địa bàn huyện trong năm 2012 (24 ngôi nhà). Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, chú đã vận động đối lưu xây dựng 143 nhà tình thương cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2011. Ngoài ra, chú còn chỉ đạo các đoàn thể vận động quà tết tặng gia đình chính sách, hộ nghèo được 4.596 suất quà, trị giá 1 tỷ đồng…

GẦN GŨI GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Nhắc đến chú Tám Bé, rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân biết chú, nhất là những người nghèo và các cháu học sinh trên địa bàn huyện. Đối với họ, chú vừa là người thầy, vừa là vị ân nhân đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Đôi chân chú đã đi khắp con đường, ngõ xóm trên địa bàn huyện Gò Công Đông, bất kể sáng sớm hay chiều tối, ngày mưa hay ngày nắng, ngày đi làm hay ngày nghỉ, nếu còn người nghèo hay các cháu học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn là chú đến tìm hiểu và tìm cách giúp đỡ.

Trong mối quan hệ với cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, chú luôn ân cần, niềm nở, chỉ dạy kinh nghiệm trong xử lý công việc chuyên môn, trong việc giao tiếp với nhân dân để sớm trưởng thành. Về hưu năm 2014, nhưng chú vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội, cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Chú được lãnh đạo mời giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, công việc này đã gắn với chú khi còn đương chức. Chú đã vui vẻ nhận nhiệm vụ mới, đôi chân cùng trái tim nhiệt huyết của chú tiếp tục hành trình chắp cánh những ước mơ của học sinh nghèo trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.