Thứ Hai, 24/02/2020, 09:47 (GMT+7)
.
KHI ĐẢNG Ở TRONG TIM

Bài 2: Đảng dắt tay dẫn đường

Bài 1: Xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng

Chân dung Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm.
Chân dung Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm.

Từ một cô bé mới học hết lớp 3 trường làng, tham gia du kích xã khi vừa bước sang tuổi 14, sau đó được cử đi học cứu thương, y tá, y sĩ, bác sĩ, được kết nạp vào Đảng, rồi trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú…, đó là cả một quá trình mà cô Lê Thị Hiếu Tâm không ngừng nỗ lực phấn đấu. Trong quá trình ấy, cô bảo là nhờ có Đảng dắt tay dẫn đường…

Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, từ phường 1, Anh hùng LLVT, Thầy thuốc Ưu tú, nguyên Trưởng ban Quân y Tỉnh đội Tiền Giang Lê Thị Hiếu Tâm về sống trong con hẻm sâu ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho. Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào nhà cô là 2 chiếc tủ thờ trang trọng, bên phải là tủ thờ di ảnh Bác, bên trái là tủ thờ di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cô giải thích, từ ngày tham gia cách mạng luôn có Đảng, có Bác dẫn đường nên cô khắc ghi trong lòng, xem đó là tình cảm thiêng liêng.

ĐI TÌM LÝ TƯỞNG

62 năm trôi qua, hình ảnh về người Anh hùng liệt sĩ Năm Nghé tự bứt ruột mình, chấp nhận hy sinh để giữ vững khí tiết vẫn luôn hiển hiện trước mắt người Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm. Năm 1958, cơ sở cách mạng ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo bị lộ, giặc ập vào xả súng vào hàng ngũ của ta.

Anh Năm Nghé trọng thương ở bụng, bị giặc bắt, băng bó vết thương, quyết tâm cứu sống anh hòng khai thác thông tin. Dọc đường bị giải đi, lợi dụng lúc địch sơ hở, anh Năm Nghé tháo băng, tự moi ruột ra bứt từng đoạn, rồi hô to: “Đả đảo Ngô Đình Diệm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tận mắt chứng kiến sự kiên trung và khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng, Hiếu Tâm (lúc ấy mới 12 tuổi) về nhà cứ theo hỏi cha: “Hồ Chí Minh là ai mà anh Năm Nghé hô vang tên của ông vậy ba?”. Ba của cô cũng là một đảng viên, vuốt đầu con bảo: “Mai mốt con lớn sẽ biết!”.

Từ lời nói ấy của cha, 2 năm sau (năm 1960), khi mới 14 tuổi, cô Hiếu Tâm tham gia du kích xã Bình Ninh để “đi tìm hiểu xem Hồ Chí Minh là ai?”. Tuổi nhỏ, nhưng cô sớm thể hiện phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, giao việc gì cũng hoàn thành xuất sắc, được lãnh đạo đơn vi tin tưởng. Đến năm 1963, cô được tổ chức cử đi học lớp cứu thương để phục vụ cho công tác quân y, vì chiến trường lúc ấy đang ác liệt, lực lượng của ta bị thương vong là điều không thể tránh khỏi. Vừa học xong lớp cứu thương về thì bộ đội đánh đồn Thạnh Nhựt, huyện Chợ Gạo. Trong trận ấy, Đại đội trưởng Bảy Đen (Anh hùng LLVT Đặng Minh Nhuận, tức Bảy Đen, người chỉ huy trận Ấp Bắc lịch sử vào ngày 2-1-1963) hy sinh và nhiều đồng chí khác bị thương. 

Sau trận đánh đồn Thạnh Nhựt, cô quân y vừa bước sang tuổi 17 Lê Thị Hiếu Tâm được giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng, vượt quá khả năng độ tuổi của mình, đó là chuyển 3 thương binh nặng về Trạm xá tỉnh ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, trong khi trời dần hửng sáng, tàu địch càn quét dày đặc trên sông Tiền. Nếu không chuyển các thương binh về tuyến sau để điều trị kịp thời thì chắc chắn các anh sẽ hy sinh.

Còn chuyển thì bằng cách nào? Tàu giặc từ hướng Mỹ Tho đang ùn ùn thẳng tiến về hướng Chợ Gạo. Chỉ cần thiếu bình tĩnh, quyết định sai một chi tiết nhỏ thôi là có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người. Không có nhiều thời gian để suy nghĩ, cô quyết định cùng với một thương lái đóng làm cha con chở dừa và chuối đi chợ Mỹ Tho bán, rồi vòng qua tỉnh Bến Tre, đi ngược xuống Gò Công.

Khi đối diện với tàu địch đi tuần tra, kiểm soát, cô đã bình tĩnh, mưu trí cặp ghe lại, xách quày dừa nạo quăng qua “biếu các anh mang về uống chơi”, trong khi 3 thương binh nặng đang nằm phía dưới lớp dừa và chuối ngụy trang bên trên. Với sự mưu trí, dũng cảm, “dù có chết cũng phải quyết tâm đưa các thương binh về tuyến sau”, cô quân y trẻ Hiếu Tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó, cô được tổ chức tin tưởng, bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Bước sang tuổi 18, cô chính thức đứng chân vào hàng ngũ của Đảng.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động, học tập, cô Lê Thị Hiếu Tâm được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Thầy thuốc Ưu tú, cùng với hàng chục huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen, cụ thể như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Chiến sĩ thi đua Quyết thắng cấp quân khu…

GIỮ VỮNG LỜI TUYÊN THỆ

Đã bước sang tuổi 74, nhưng Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm vẫn còn linh hoạt và sôi nổi khi nhắc về những năm tháng cô đến với Đảng. Trong đợt kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2019), cô vinh dự được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Từ khi giác ngộ cách mạng, được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, cô luôn đặt mình trong tâm thế là một đảng viên, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt quá trình tham gia cách mạng, kể cả trong cuộc sống đời thường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Và hơn 55 năm qua kể từ khi đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, điều cô tâm đắc không phải là việc mình được phong tặng danh hiệu này, danh hiệu kia, mà là mình luôn giữ vững lời tuyên thệ với Đảng. 

Từ khi đứng chân vào hàng ngũ của Đảng cho đến nay, Đảng luôn soi đường, dẫn dắt cô đi trên mọi ngả đường, giúp cô có thêm ý chí và nghị lực để vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Nhiều lần Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm đứng trước những tình huống khó khăn, thách thức, không đơn giản chỉ là sự nỗ lực vượt qua, mà sự lựa chọn có thể phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Tuy nhiên, nhờ có Đảng nắm tay dẫn dắt đã giúp cô có thêm nghị lực, bình tĩnh, dũng cảm và mưu trí để vượt qua mắt giặc, cứu sống nhiều thương binh đang đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.

Như lần cô cứu anh Năm Hóa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung An, TP. Mỹ Tho bị thương gãy chân nằm ngoài đồng, trong khi địch vây kín để tìm kiếm. Phải làm sao để cứu anh Năm Hóa? Khi đứng trước những tình huống sống còn như thế, “tính Đảng” trong cô lại trỗi lên mạnh mẽ nhất, giúp cô bình tĩnh hơn, quyết đoán hơn và dũng cảm, mưu trí hơn. Cô cùng với 2 người phụ nữ khác giả nông dân đi làm cỏ để qua mắt địch, rồi tiếp cận anh Năm Hóa và võng anh chạy trong làn đạn của địch “bắn vãi theo như trấu”.

Quân y là nơi địch luôn tập trung đánh phá rất ác liệt, vì vậy ban ngày anh em cán bộ quân y phải lo bố trí cất giấu thương binh, tổ chức đánh địch, đón đầu ném lựu đạn, gài trái; ban đêm phẫu thuật, cấp cứu… Cứ như vậy, có đợt liên tục 6 - 7 ngày đêm không ngủ. Do thiếu ngủ nên có lần cô leo lên cây mận đứng gác, hái mận ăn cho tỉnh ngủ, vậy mà mí mắt vẫn cứ sụp xuống.

Địch ập vào, chúng định bắt sống cô nên không bắn hạ. Khi cô bừng tỉnh thì phát hiện địch lố nhố dưới mương, chỉ còn cách cô chừng 5 m. Cô rút lựu đạn ở thắt lưng ném liên tiếp 2 trái và nhảy xuống chạy thoát. Cứ như thế, cô lần lượt vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong chiến tranh ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau một tiếng súng, một hơi thở…, nhưng cô chưa bao giờ cho phép mình chùng bước. Hỏi sức mạnh nào khiến cho một phụ nữ mảnh khảnh, gầy gò như cô có thể vượt qua tất cả? Không cần suy nghĩ, đôi mắt cô sáng lên và giọng nói trở nên chắc khỏe, hùng hồn: “Đảng dẫn đường và tiếp thêm sức mạnh!”.

Chính vì vậy, khi Quân y 1 - Thành đội Mỹ Tho, đóng trên địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành chỉ có 8 cán bộ và 2 bảo vệ là thương binh nặng, phải điều trị và chăm sóc cho gần 100 thương binh, nhưng tất cả đều an toàn.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về 27 ngày đêm Quân y 1 chống trả với địch, đánh mở đường để chuyển gần 100 thương binh, trong đó có khoảng 70 thương binh nặng về xã Long Hưng, huyện Châu Thành thì mãi mãi không thể phai mờ trong cô. 27 ngày đêm ấy, cô và anh em của Quân y 1 quyết tâm “có chết thì chết chứ không để thương binh bị thương lần 2”.

Chính vì vậy, anh em Quân y 1 phải vừa chăm sóc, điều trị cho thương binh, vừa đi gỡ lấy mìn của địch để đánh địch, mở đường vận chuyển hết thương binh về tuyến sau an toàn. Trong 27 ngày đêm ấy, nói theo cách dân dã của cô là “chơi hết lốc với địch”, nên Quân y 1 đã phá hư hỏng 3 xe tăng, tiêu diệt 194 tên địch… 

Hơn 55 năm đứng chân trong hàng ngũ của Đảng, ở mỗi giai đoạn lịch sử, Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm đều tạo nên những dấu ấn riêng cho mỗi vị trí mà cô đảm nhiệm. Sau hòa bình, thống nhất đất nước, cô được cử đi học văn hóa, rồi học bác sĩ ở Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô về công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Quân y. Trong giai đoạn này, dấu ấn của cô để lại chính là việc chăm lo cho bộ đội tình nguyện của Tiền Giang đóng quân ở tỉnh Pusat, Campuchia.

Trước tình hình nhiều bộ đội tình nguyện của Tiền Giang ở Pusat bị bệnh sốt rét hoành hành, cô đã lên đường sang Campuchia 3 tháng, vào từng đơn vị bộ đội đóng quân trong rừng để khảo sát, nắm bắt tình hình.

Sau khi về lại Tiền Giang, cô xây dựng kế hoạch, mua dịch truyền, thuốc men, vật tư y tế… vận chuyển sang Pusat để phục vụ cho công tác điều trị sốt rét cho anh em bộ đội. Đồng thời, cô đưa đội ngũ quân y sang Pusat để sản xuất dịch truyền, đáp ứng yêu cầu của công tác điều trị sốt rét cho bộ đội. 

Sau khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, với gia đình, cô là người vợ, người mẹ, người bà chu toàn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Với xã hội, cô sống chan hòa và đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng phẩm chất anh hùng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất của một đảng viên trong cô vẫn không ngừng lan tỏa trong cuộc sống.

NGUYÊN CHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.