Thứ Sáu, 27/03/2020, 09:07 (GMT+7)
.

Tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng

Ngày 28-3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Nhất diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra Nghị quyết về Đội tự vệ. Ngay sau đó, các đội tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng ra đời. Đây là tiền thân của các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này.

Lực lượng DQTV thường xuyên được huấn luyện, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ảnh: LẬP ĐỨC
Lực lượng DQTV thường xuyên được huấn luyện, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ảnh: LẬP ĐỨC

LẤY DÂN “LÀM GỐC”

Trên cơ sở lấy dân “làm gốc”, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và DQTV.

Trong Nghị quyết về Đội tự vệ, Đảng khẳng định, DQTV có vai trò chiến lược to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”; đồng thời, xác định những vấn đề về tổ chức, chỉ đạo, xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng DQTV.

Đây là sự tiếp nối và cụ thể hơn quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930: “Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động. Phải tổ chức bộ phận quân sự; giúp cho công, nông hội tổ chức đội tự vệ”.

Trong cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt để giữ làng, giữ nước, cùng với toàn dân bảo vệ Tổ quốc, lực lượng DQTV đã nêu cao tinh thần chủ động, tích cực tiến công địch bằng phương thức tác chiến nhỏ lẻ, rộng khắp; có mặt và sẵn sàng đánh địch ở bất cứ nơi nào quân địch đặt chân đến; lấy cách đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm bằng mọi thứ vũ khí của nhân dân làm cách đánh của mình, hình thành thế trận xen kẽ, cài răng lược với địch...

Lực lượng DQTV đã cùng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trở thành lực lượng chủ yếu tiến hành chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch và bảo vệ hậu phương rộng lớn của ta; phối hợp với bộ đội chủ lực chuẩn bị chiến trường và trực tiếp đánh địch tại chỗ; hỗ trợ đắc lực cho phong trào nổi dậy của nhân dân đấu tranh giành và giữ chính quyền, làm chủ ở cơ sở...

Phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân, góp phần phát triển lối đánh truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam “nhỏ đánh lớn”, “ít địch nhiều”, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam; làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển lối đánh chính quy, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

DQTV góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang nhân dân giành những thắng lợi lịch sử trong chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) ngày nay.

Ghi nhận những công lao và thành tích của lực lượng DQTV qua các thời kỳ, hàng trăm tập thể và cá nhân DQTV đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, tiêu biểu là Đại đội nữ dân quân Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), Đại đội nữ dân quân Tiền Hải (Thái Bình), Trung đội lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa), dân quân du kích huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày (Bến Tre)... và hàng ngàn, hàng vạn cá nhân DQTV và du kích tiêu biểu khác, đã tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

LÀ LỰC LƯỢNG KHÔNG THỂ THIẾU

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng DQTV và du kích phát triển rộng khắp và ngày càng lớn mạnh. Đầu năm 1947, lực lượng DQTV đã phát triển lên gần 3 triệu người.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng phòng không DQTV miền Bắc đã tổ chức được hơn 700 phân đội, cùng với các lực lượng khác làm nên lưới lửa phòng không vô cùng lợi hại. Riêng DQTV đã độc lập bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên chiến trường miền Bắc, bắt sống hàng trăm tên giặc lái và hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch.

Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, với phương châm giải phóng xã, huyện, tỉnh, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, lực lượng DQTV đã cùng bộ đội chủ lực và nhân dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới và xây dựng XHCN, lực lượng DQTV tiếp tục được củng cố biên chế, tổ chức, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng huấn luyện, góp phần cùng với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Lực lượng DQTV đã thực sự trở thành công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở. Qua các thời kỳ, đã có 370 tập thể và 284 cá nhân của lực lượng DQTV được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Năm 2015, tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng DQTV, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Sao Vàng cho DQTV Việt Nam; trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai cho Cục DQTV.

Trải qua 85 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự đùm bọc của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ DQTV đã hết lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong các cuộc kháng chiến chống quân  xâm lược; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo trong xây dựng và phát triển đất nước, lập nhiều chiến công, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.