Thứ Hai, 30/03/2020, 15:26 (GMT+7)
.
Trong ngục tối vẫn rạng ngời ánh sáng của Đảng

Bài cuối: Phẩm chất cựu tù kháng chiến tỏa sáng khắp nơi

Bài 1: Hệ thống “địa ngục trần gian”

Bài 2: Biến nhà tù thành trường học cách mạng

Bài 3: Khúc bi tráng ghi vào lịch sử

Khi bị địch bắt tù, đày, đại bộ phận tù binh giữ vững khí tiết, quyết không cung khai phản bội. Sau Hiệp định Paris, được trao trả tù binh, các cựu tù kháng chiến dù mang trên mình những di chứng nặng nề do địch tra tấn dã man, nhưng mỗi người một chiến trường, một vị trí công tác mới để tiếp tục chiến đấu. Sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), các cựu tù kháng chiến lại tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người cũng chọn cho mình một cách cống hiến riêng…

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Hòa bình, các cựu tù kháng chiến về với đời thường, mỗi người một hoàn cảnh và phải đối mặt với bệnh tật do bị địch giam cầm, tra tấn dã man. Thế nhưng, với tinh thần kiên trung, bất khuất, đoàn kết, sống có nghĩa có tình và được rèn luyện trong lao tù, một lần nữa các cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù, đày đã vượt lên chính mình, tiếp tục cống hiến quãng đời còn lại, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Trong quá trình công tác, nhiều đồng chí đã được Đảng, Nhà nước giao giữ những nhiệm vụ quan trọng từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều cựu tù đã khắc phục khó khăn, bệnh tật, nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, phẩm chất của họ tiếp tục tỏa sáng khắp nơi… 

TẬN HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG

Trong dòng hồi ức của mình, người con ưu tú của mảnh đất Gò Công, Tiền Giang, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vẫn còn nhớ đã bị địch bắt ngày 15-4-1964 lúc mới 19 tuổi, vậy mà khi ra tù ngày 7-3-1975, cô đã bước sang tuổi 30. Gần 11 năm bị giam cầm ở Tổng nha cảnh sát ngụy, rồi đến Trại giam Thủ Đức, Khám Chí Hòa, sau đó bị đày ra Côn Đảo, trải qua không biết bao lần bị địch tra tấn, đàn áp dã man nhưng cô vẫn giữ vững khí tiết.

Trong bài phát biểu tại buổi Họp mặt kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng trở về của cựu tù kháng chiến tỉnh Tiền Giang (29-3-1973 - 29-3-2018), đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau khi đất nước thống nhất, cựu tù kháng chiến tỉnh nhà vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Mặc dù đời sống vẫn còn không ít khó khăn nhưng vẫn thắt chặt tình đoàn kết, với tinh thần: Sống trong tù “trung kiên - bất khuất”, sống ngoài đời “tình nghĩa - thủy chung”, luôn gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ, động viên nhau lúc khó khăn, gương mẫu tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo…

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, người chiến sĩ cách mạng kiên trung Trương Mỹ Hoa vẫn tiếp tục nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ, để rồi từ Bí thư cấp phường ở TP. Hồ Chí Minh, cô đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ Bí thư Quận ủy, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh…

Ở cương vị nào cô cũng đều không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ đó, cô được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi đến Phó Chủ tịch nước.

Khi được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu, cô vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, đặc biệt là các vấn đề xã hội, trẻ em và phụ nữ. Trong nhiều năm qua, cô là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính và Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hoàng Sa và Trường Sa”.

Cũng trong nhiều năm qua, người dân Tiền Giang và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đã rất quen thuộc với hình ảnh một nguyên cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước vẫn miệt mài đến với trẻ em nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa để trao học bổng, xây trường, trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, quà cứu trợ, quà tết… Sống trong tù “trung kiên - bất khuất”, sống ngoài đời “tình nghĩa - thủy chung”, cô là một hiện thân tiêu biểu của tinh thần ấy.

Sau Hiệp định Paris, ngày 15-3-1973, chú Đỗ Tấn Minh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh được trao trả tại Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). Đến ngày 30-4-1974, chú về Nam, được Tỉnh ủy Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) phân công nhiệm vụ mới. Sau giải phóng, từ Chủ tịch, rồi Bí thư Đảng ủy xã, chú được rút về huyện, đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây; Đại biểu Quốc hội…

Ở vị trí nào, chú cũng luôn nỗ lực phấn đấu, tận hiến cho quê hương. Từ đó, chú được tín nhiệm, giao giữ nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc Sở Thủy sản (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đến tháng 3-2010, chú nghỉ hưu theo chế độ.

Tuy nhiên, đó chỉ là mốc thời gian để dừng lại một chặng đường. Năm 2011, chú nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, đó là một chặng đường mới với nhiều thử thách mới. Gần 10 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, điều chú tâm đắc chính là hoạt động chăm lo cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu; vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng xã hội ngày càng được nâng lên, được cấp ủy địa phương đánh giá cao.

Gần 10 năm qua, chú cùng với tập thể Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi tỉnh đưa công tác Hội không ngừng phát triển. Từ đó, giúp Hội Người cao tuổi tỉnh nhận được nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội, Thủ tướng Chính phủ, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trải qua 54 năm tận hiến cho quê hương, đất nước, điều chú tâm đắc không phải đã được tín nhiệm, bố trí nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, mà là chú vẫn luôn giữ được phẩm chất của một đảng viên, một cựu tù kháng chiến.

Còn cựu tù Côn Đảo, nhà báo Trần Bửu, nguyên Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì cả cuộc đời chú cống hiến cho sự nghiệp báo Đảng của tỉnh nhà. Nếu tính từ bài báo đầu tiên cho đến bài báo cuối cùng của chú đăng trên Báo Ấp Bắc là khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ. Chú cộng tác với Báo Ấp Bắc từ những ngày đầu báo Đảng tỉnh Tiền Giang mang tên Ấp Bắc cho đến những ngày cuối đời.

Trong những năm cuối đời, dù bệnh tật hành hạ, nhưng dù đang nằm trên giường bệnh, khi thấy khỏe hơn là chú lại viết. Nhiều người khuyên chú không nên viết nữa, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của chú. Nhưng dường như với chú sự thôi thúc phải viết và được viết mới chính là “liều thuốc tinh thần” giúp chú vượt qua bệnh tật. Những bài báo của chú trên chuyên mục “Câu chuyện hôm nay” nói riêng và ở tất cả các lĩnh vực nói chung luôn mang tính thời sự và hơi thở cuộc sống, đưa ra nhiều vấn đề mang tính chất gợi mở và đề xuất nhiều giải pháp đáng để người đọc phải suy nghĩ.

SỐNG NGOÀI ĐỜI “TÌNH NGHĨA - THỦY CHUNG”

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có 2.367 người đã được công nhận cựu tù kháng chiến, được giải quyết các chế độ theo quy định. Theo Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh, hiện có 1.524 cựu tù kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng, hầu hết tuổi đã cao (phần lớn từ 70 đến 95 tuổi, thấp nhất là 65 tuổi, nhưng số lượng rất ít), sức khỏe kém do di chứng tra tấn, đàn áp của địch khi bị bắt tù, đày. Toàn tỉnh có 18 cựu tù kháng chiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6 cựu tù được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 83 người hy sinh trong tù được Nhà nước truy tặng Liệt sĩ.

Do chế độ nhà tù hà khắc của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ - ngụy, nên có nhiều cựu tù phải mang thương tật suốt đời, việc đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, đời sống kinh tế của các cựu tù phần lớn dựa vào con cháu, số lượng từ trần hằng năm tăng dần. Số người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày chưa được giải quyết chế độ chính sách còn khá nhiều do không còn giấy tờ gốc, có nhiều người đã từ trần, người còn sống cũng già yếu, bệnh tật.

Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, Thường trực Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh xét, đề nghị Sở LĐ-TB&XH xem xét, công nhận 393 người được hưởng chế độ tù, đày, trong đó có 208 người được hưởng trợ cấp hằng tháng và 185 cựu tù được thân nhân lãnh 1 lần.  

Công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho cựu tù cũng được Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến các cấp đặc biệt quan tâm, từ đó trong 5 năm qua đã phối hợp vận động xây dựng và sửa chữa 100 căn nhà tình nghĩa cho các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến các cấp trong tỉnh còn tổ chức thăm hỏi 432 lượt cựu tù kháng chiến đau bệnh, số tiền hơn 75 triệu đồng; thăm, tặng 485 phần quà cho cựu tù có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ, tết, trị giá 140 triệu đồng… Bên cạnh đó, hằng năm, Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức nhiều đợt cho cựu tù đi viếng Lăng Bác, tham quan các di tích lịch sử, Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc…

Ngoài ra, cựu tù kháng chiến còn sống được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế, được hưởng chế độ điều dưỡng tập trung 2 năm/lần, hoặc hỗ trợ tiền để điều dưỡng tại gia đình. Chú Nguyễn Văn Thép ở xã Tân Hội, TX. Cai Lậy cho biết: Ngoài các khoản trợ cấp được lãnh hằng tháng theo quy định dành cho cựu tù kháng chiến, chú còn được đi nghỉ dưỡng, trong đó có 1 lần được nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, được mời đi viếng Lăng Bác, thăm Nhà tù Phú Quốc, được tặng quà nhân các ngày lễ, tết. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chú cảm thấy ấm lòng, vì thế những thương tật, đau đớn do hậu quả của những trận đòn tra tấn, đàn áp trong nhà tù dường như cũng vơi đi…

THIÊN LÊ

.
.
.