Chủ Nhật, 30/08/2020, 15:47 (GMT+7)
.

Nơi đầu tiên được đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội

Câu chuyện về ông “Ké già” cập thuyền ở bến đò Phú Xá, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), rồi nghỉ lại qua đêm ở làng Phú Gia đã đi vào những kỷ niệm sâu đậm của bà con nơi đây. Một bài ca dao đậm nét chân quê đã được bà con truyền miệng, rất nhiều người thuộc nằm lòng.

Cây bút Văn Hậu, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã có công sưu tầm được bài ca dao đáng quý này. Mỗi lần đọc bài ca dao này lại nhớ đến những ngày lịch sử ấy - những ngày tháng Tám mùa thu, Hà Nội và cả nước phấp phới tung bay cờ đỏ sao vàng và bài hát “Mười chín Tháng Tám”.

Trên đây là câu chuyện về nơi Bác Hồ đặt chân về Hà Nội đầu tiên.

“Mùa này, nước sông Hồng lên to, phù sa đỏ lựng. Bến đò Phú Xá, hôm nay có vẻ đông vui hơn các ngày thường. Cán bộ, nhân dân đón đợi các vị lãnh đạo cách mạng từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Trời đã về chiều. Mặt trời xuống thấp, chiếu những tia nắng trên sông Hồng đã đỏ phù sa, đỏ màu cờ, càng thêm đỏ rực.

Bấy giờ, một chiếc thuyền đinh to có mui đang lướt nhẹ trên sóng sông Hồng, cập bến. Đoàn cán bộ từ đài cao, thuyền bước lên bờ chừng hơn mười người. Trong đoàn có một cụ già mặc bộ quần áo nâu, nước da ngăm đen, bộ râu dài, người gầy, chống gậy, dáng hiền lành. Ông cụ có vầng trán rộng, đôi mắt sáng, bước đi nhanh nhẹn. Phía sau, có người mang súng bảo vệ.

Chuyến đò lịch sử ấy, những người chở đò nhớ mãi. Những tay chèo, tay xào ấy là bà Sơn, bà Tý, ông Trung, ông Vận. Lên bờ, tốp người vào nghỉ tại điếm canh, chỗ gốc cây muỗm cổ thụ. Ông cụ nói chuyện với bà con một cách thân mật. Cụ hỏi về việc làm ăn sinh sống, về việc canh giữ đê điều, về tình hình thôn xóm.

Anh em tự vệ đã nấu xong bữa cơm. Cán bộ mời cụ dùng cơm. Ông cụ ngồi trên chiếc phản cùng ăn với anh em. Bữa cơm gạo đỏ ăn với muối vừng và canh mướp. Anh em ngại cụ không dùng cơm được - vì bữa cơm quá đơn sơ - nhưng cụ vẫn ăn ngon lành.

Chập tối, các cán bộ đưa ông cụ vào làng Phú Gia. Tối ấy, ông cụ và mấy cán bộ nghỉ tại nhà bà An - một cơ sở cách mạng tin cậy. Sau này, bà con dân làng kháo nhau, thật là vinh dự cho Phú Gia, vinh dự cho gia đình bà An, vinh dự cho cơ sở cách mạng ngoại thành Hà Nội - nơi cán bộ hoạt động nội thành vẫn thường đi về, là nơi đầu tiên được đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.

Chiếc sập trong nhà Bác từng nghỉ lại.
Chiếc sập trong nhà Bác từng nghỉ lại.

Chiều mùng 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Từ trên đài cao, Bác đọc bản Tuyên ngôn, hàng vạn người chú ý lắng nghe từng lời của Bác. Trong khối nhân dân đông đảo ấy, bà con Phú Gia, Phú Xá mới nhận ra cụ già đọc bản Tuyên ngôn Độc lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, tại bến đò Phú Xá có biển ghi: Bến đò Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội. Nơi đây ngày 23-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại đã từ chiến khu Việt Bắc, qua sông Hồng vào bến đò Phú Xá (Bến đò Xù) về Hà Nội đến nghỉ tại ngôi đình làng trước khi về Quảng trường Ba Đình đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Toàn văn bài ca dao như sau:

“Gió thu nổi sóng sông Hồng

Bến đò Phú Xá đón ông Ké già

Mênh mông mặt nước bao la

Đón đoàn cán bộ nơi xa trở về

Mọi người đội Ké qua đê

Dừng chân tạm nghỉ bốn bề đình chung

Muối vừng, canh mướp tạm dùng

Bát cơm gạo đỏ ngồi cùng người dân

Trông Người như toả ánh gương

Trán cao, mắt sáng tinh tường lạ thay

Mồng hai tháng chín - nhớ ngày

Ké già tay vẫy hóa ngay Сụ Hồ

Ba Đình ở giữa Thủ đô

Người đi cuồn cuộn, tiếng hô dâng đầy

Sao vàng cờ đỏ tung bay

Tự do, độc lập ngàn tay giơ thề

Dù cho sóng gió nhiều bề

Con thuyền Người lái không hề ngả nghiêng”.

HỒNG LÊ

(tổng hợp)


 

.
.
.