Thứ Tư, 02/09/2020, 10:39 (GMT+7)
.

Cuộc đổi đời của giai cấp nông dân

Việt Nam xưa là một nước nông nghiệp với trên 90% là nông dân; nhưng nghịch lý là, trong nông thôn có đến 59,2% số hộ không có ruộng đất, phải sống bằng cày thuê, cuốc mướn. Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9-1945 là khởi đầu của sự thay đổi vị thế của người nông dân trong xã hội. Phát huy thành quả đó, 75 năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, đời sống của công dân Việt Nam nói chung, nông dân Tiền Giang nói riêng đã được nâng lên tầm cao mới.

Người nông dân hôm nay đã làm chủ và làm giàu trên mảnh đất của mình. Mô hình Cánh đồng lớn đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa của nông hộ.
Người nông dân hôm nay đã làm chủ và làm giàu trên mảnh đất của mình. Mô hình Cánh đồng lớn đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa của nông hộ.
Những năm qua, Tiền Giang đã đẩy mạnh các phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, thu hút phần lớn hộ dân nông thôn tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Đây là một trong những tiêu chí mẫu hình người nông dân mới - người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo và làm giàu bền vững của người nông dân. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt đang được tập trung phát triển theo hướng chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao. Những nông sản có lợi thế và thị trường tiêu thụ thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, hình thành các vùng chuyên canh. Đến năm 2020, diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 80 ngàn ha (tăng 10,5 ngàn ha so với năm 2015). Giai đoạn 2016 - 2020, có 107 xã NTM,  là tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có 2 huyện NTM và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

ĐƯA NÔNG DÂN QUA ĐÊM TRƯỜNG THỐNG KHỔ

Trong hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, trong đó 45 năm đầu thế kỷ XX kinh tế Việt Nam chìm đắm trong nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ, đói nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, 90% dân số mù chữ… Dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, nền nông nghiệp nước ta hết sức nghèo nàn về cơ sở vật chất, lạc hậu về kỹ thuật, hoàn toàn dựa vào lao động thủ công và phụ thuộc vào thiên nhiên.

Ruộng đất phần lớn tập trung trong tay giai cấp địa chủ phong kiến và thực dân Pháp. Nhân dân lao động chiếm 97% số hộ nhưng chỉ sử dụng 36% ruộng đất. Nghịch cảnh sâu sắc diễn ra dưới thời thực dân Pháp chiếm đóng là hằng năm Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo trắng, nhưng nông dân Việt Nam - người trực tiếp làm ra lúa gạo, lại luôn chịu cảnh đói nghèo, năm 1945 có trên 2 triệu người chết đói.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền cách mạng ra đời chưa có thời gian củng cố đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, thách thức của “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Đảng và Nhà nước ta đã bắt tay ngay việc giải quyết những khó khăn cấp bách của đời sống nhân dân, tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Ngày
6-1-1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thời kỳ này, kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, nên cùng với việc động viên nông dân tích cực tăng gia sản xuất, Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức. Năm 1949, Sắc lệnh giảm tô, giảm tức được ban hành; đồng thời, tạm cấp ruộng đất thu được của thực dân Pháp và địa chủ bỏ chạy vào vùng địch tạm chiếm chia cho nông dân nghèo. Nhờ đó, trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực tăng cao, nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng phục vụ quốc phòng và sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân được khôi phục và mở rộng.

TIẾN ĐẾN NGƯỜI NÔNG DÂN HIỆN ĐẠI

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cần miễn thuế cho nông dân”. Năm 2003, Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết 15 về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN). Sau hơn 15 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy chính sách này đã mang lại những kết quả quan trọng. Đó là, góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả SDĐNN, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.

Ngày 10-6-2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết 107 về kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN, được quy định tại Nghị quyết 55/2010 đã được sửa đổi bởi Nghị quyết 28/2016 của Quốc hội khóa XIV. Theo đó, kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31-12-2025. Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện sáng tạo Di chúc của Người và Chiến lược phát triển con người xuyên suốt của Đảng ta, trong giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển con người toàn diện trên tất cả các mặt, với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển “tam nông”. Cụ thể, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2008 đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 26, các cấp Hội Nông dân đã thể hiện được vai trò “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Nông dân Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp, như lòng yêu nước; lòng nhân ái, vị tha, hòa hiếu, khoan dung; tình làng, nghĩa xóm, truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau; bản chất dũng cảm, kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, cần cù, chịu khó đã thực hiện sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản; nhiều sản phẩm nông nghiệp do nông dân Việt Nam làm ra đã góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế về mặt kinh tế, thể hiện thể lực, trí lực người nông dân cũng được nâng cao.

THỦY HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
.