Thứ Hai, 21/06/2021, 10:19 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 96 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2021)

Báo chí trong "cuộc chiến" với đại dịch Covid-19

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu khi dịch mới bùng phát, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo báo chí phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của mình, cụ thể tại Công văn 79 ngày 29-1-2020 của Ban Bí thư về việc phòng, chống Covid-19 đã nhấn mạnh: “Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona gây ra, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh”.

Và với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Theo đó, đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả.

Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang.                                                                         Ảnh: PV
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang. Ảnh: PV

Với vai trò và trách nhiệm, các cơ quan báo chí đã nhanh chóng vào cuộc tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Hệ thống truyền thông đã chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội. Trên tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng, chống và diễn biến tình hình dịch bệnh… được nhanh chóng truyền tải đến công chúng nhanh nhất có thể để nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch.

Với báo chí chính thống, ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát, các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã tổ chức lực lượng phóng viên chuyên trách bám sát, tác nghiệp tại các “điểm nóng” để nắm bắt tình hình và phản ánh kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh, lan tỏa những thông tin tích cực, động viên, chia sẻ với lực lượng tuyến đầu, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay chống dịch.

Các cơ quan báo chí địa phương, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã mở các chuyên mục, tăng cường thông tin về phòng, chống dịch Covid-19  trên các trang báo (báo in và báo điện tử), cung cấp thông tin kịp thời về dịch bệnh trên địa bàn; tập trung tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành, tạo sự đồng thuận của người dân về các khuyến cáo của ngành Y tế, của chính quyền.

Vừa qua, đánh giá về vai trò của báo chí, truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận: “Qua dịch Covid-19 đã thể hiện niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều. Mỗi ngày có tới 20 triệu - 30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch Covid-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí”. Điều này cũng được minh chứng cụ thể qua lượng truy cập trên Báo Ấp Bắc điện tử tăng rất cao trong thời gian qua, nhất là với các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống trên địa bàn Tiền Giang.

Rõ ràng, báo chí đã phát huy mạnh mẽ vai trò định hướng thông tin, lan tỏa những giá trị nhân văn, truyền tải những năng lượng tích cực. Qua đó, khích lệ các ngành, địa phương và nhân dân đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ; người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo và triển khai phòng, chống dịch của Chính phủ, của lãnh đạo địa phương. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân hiểu đầy đủ, đúng các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước để chia sẻ, chung tay cùng cả nước trong công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí cũng đã tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên các trang mạng xã hội, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận xã hội; đưa tin kịp thời việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cả đất nước vẫn đang căng mình, nỗ lực cho mục tiêu kép của Chính phủ. Do đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục thể hiện vai trò của mình, tập trung tuyên truyền nhằm tạo sự tin tưởng, đồng lòng trong cộng đồng thực hiện các giải pháp, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không được chủ quan, vì cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Và đặc biệt là, báo chí cần tiếp tục dẫn dắt, định hướng dư luận, lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho cộng đồng trước sự bùng nổ thông tin từ các trang mạng xã hội.

Để báo chí làm tốt hơn nữa vai trò của mình cho sự nghiệp cách mạng nói chung và với riêng trong cuộc chiến với Covid-19, lãnh đạo các địa phương, cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; quan tâm hỗ trợ về chính sách cho các cơ quan báo chí; đặc biệt là hỗ trợ việc chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng công nghệ; ưu tiên đầu tư trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ những người làm báo, đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời trong xu thế bùng nổ thông tin thời công nghệ hiện nay.

Với mình, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ tư duy làm báo, tổ chức lại bộ máy, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, chủ động, sáng tạo trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền. Và quan trọng là rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, làm báo với tâm niệm “bút sáng, lòng trong”, đóng góp tích cực vào định hướng dư luận, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước..

DUY SƠN

.
.
.