Thứ Năm, 19/08/2021, 09:56 (GMT+7)
.

Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 2: Hơn 500 ngày vào tuyến lửa

Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 1: Chị không về nữa…

Hơn 500 ngày qua, đảng viên, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang xem Bệnh viện Dã chiến số 1 là nhà. Tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân của Thành đã lan tỏa, tạo động lực để nhiều y, bác sĩ tình nguyện ra tuyến đầu phòng, chống dịch.

Đầu tháng 3-2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1, trên cơ sở trưng dụng Phòng khám đa khoa Quân dân y (tại số 211A, ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành) để điều trị người nghi ngờ, người bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra trên địa bàn tỉnh.

 Chân dung TS.BS Đỗ Quang Thành  (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Chân dung TS.BS Đỗ Quang Thành (Ảnh do nhân vật cung cấp).

ĐẢNG VIÊN NÊU GƯƠNG RA TUYẾN ĐẦU

Kể từ đó Thành gắn liền với Bệnh viện Dã chiến số 1, với bệnh nhân Covid-19, với những bộ đồ bảo hộ cấp 3 nóng bức, ngột ngạt cho đến nay, đã hơn 500 ngày nơi tuyến lửa. Khi mới thành lập, Bệnh viện Dã chiến số 1 chỉ có 50 giường bệnh, bệnh nhân chủ yếu là công dân Việt Nam từ nước ngoài về. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6-2021 đến ngày 12-8, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận hơn 5.300 ca nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy Bệnh viện Dã chiến số 1 phải mở thêm cơ sở 2, tăng quy mô lên hơn 400 giường và luôn trong tình trạng quá tải vì phải chia sẻ công tác điều trị cho các bệnh viện dã chiến khác trong tỉnh, kể cả phải giữ lại các ca bệnh có triệu chứng nặng và có bệnh nền để điều trị. Từ đó, áp lực đặt lên đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu ở Bệnh viện Dã chiến số 1 nói chung và Thành nói riêng càng tăng cao.

Ngày Thành nhận quyết định điều động làm Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1, mọi người trong gia đình anh đều lo lắng. Nhưng anh nghĩ mình là đảng viên, trưởng thành trong gia đình truyền thống cách mạng, được các thế hệ cha anh đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng, thế nên anh không ra tuyến đầu phòng, chống dịch thì ai đi? Vì vậy Thành phải động viên gia đình an tâm để anh bước vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 đầy cam go và thử thách với tâm thế “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Thật ra, những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Thành cũng có chút băn khoăn, bởi vi rút Corona lúc đó còn nhiều điều bí ẩn mà con người chưa thể hiểu hết về nó, nhất là cơ chế hoạt động, độc lực, cơ chế truyền nhiễm… Tuy nhiên, sứ mệnh của người thầy thuốc, sứ mệnh của một đảng viên, Thành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Thành giải thích về sự băn khoăn của mình khi nhận quyết định điều động thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1, đó là không phải anh lo cho mình, mà chỉ sợ mang vi rút về truyền nhiễm cho đứa con trai đầu lòng mới hơn 3 tháng tuổi và cha mẹ đã cao tuổi với nhiều bệnh nền. Vì vậy, giai đoạn đầu, dù rất nhớ con, nhưng phải 2 đến 3 tuần Thành mới dám về thăm nhà một lần. Mà về cũng không dám gần gũi con, phải đứng xa xa nhìn cho đỡ nhớ, rồi lại đi.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt là từ đầu tháng 6-2021 đến nay, Thành đã quên luôn “khái niệm” ngày cuối tuần. Anh không cho phép mình nghỉ ngơi, vì hơn bao giờ hết, trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” này, bao ánh mắt của người thân bệnh nhân đang ngày đêm đau đáu dõi về nơi tuyến đầu, đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào đội ngũ y, bác sĩ. Vì thế, ngày nào Thành cũng phải căng mình nơi tuyến lửa, chạy đua với thời gian, giành giật từng dấu hiệu sinh tồn, để giành lại cơ hội được sống cho từng bệnh nhân.

Là Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1, Thành không còn thời gian trống với lịch làm việc dày đặc: Điều hành bệnh viện; tham gia truy vết; họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; hội chẩn các trường hợp bệnh nặng để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân Covid-19; đi khảo sát cơ sở vật chất để mở thêm bệnh viện dã chiến mới; tập huấn điều trị bệnh nhân Covid-19 cho đội ngũ y, bác sĩ trong tỉnh; lập danh mục trang thiết bị y tế, thuốc men điều trị, đồ bảo hộ để đề xuất mua… Đặc biệt, trong vai trò điều hành bệnh viện dã chiến, nơi đang thiếu thốn về mọi mặt, Thành đã chủ động và sáng tạo trong hoạt động của bệnh viện. Việc gì giải quyết trong khả năng là Thành chủ động xin chủ trương cấp trên và tự lập kế hoạch thực hiện, như vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các máy đo oxy máu cho bệnh nhân, bảo đảm theo dõi bệnh nhân sát sao hơn khi thấy nhân lực y tế đã bị quá tải công việc; vận động hỗ trợ nguồn oxy bình dự phòng cho các bệnh nhân khi cần dùng đến và nhạy bén sử dụng mạng xã hội để kêu gọi được nhiều tình nguyện viên, không chỉ hỗ trợ cho Bệnh viện Dã chiến số 1 mà còn hỗ trợ cho các bệnh viện dã chiến khác.

TS.BS Đỗ Quang Thành chuẩn bị vào khu cách ly thăm khám bệnh nhân Covid-19.     Ảnh: PHÚC THỊNH
TS.BS Đỗ Quang Thành chuẩn bị vào khu cách ly thăm khám bệnh nhân Covid-19. Ảnh: PHÚC THỊNH

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, trong những ngày trung tuần tháng 8 này, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Tiền Giang vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp, cùng với đó là các ca bệnh có triệu chứng, triệu chứng nặng cũng không ngừng tăng. Vì thế, những cuộc hội chẩn cũng luôn diễn ra bất cứ lúc nào, kể cả lúc nửa đêm, rạng sáng…, tất cả đều không hẹn trước thời gian, mà phải khẩn trương, quyết đoán và quyết liệt. Thế nên, trong hơn 2 tháng qua, Thành cũng không nhớ là mình đã ngủ được mấy đêm trọn giấc; không nhớ rõ mình được ăn mấy bữa cơm trọn vẹn... Tất cả đều hối hả, khẩn trương vì các bệnh nhân đang chờ Thành và các y, bác sĩ ở phía trước. Ngay trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, sức khỏe của bệnh nhân là trên hết. Gia đình tạm gác lại phía sau. Mọi nhu cầu cá nhâu đều gác lại phía sau. Nhưng đó không phải là điều khiến Thành băn khoăn, mà điều khiến anh lo lắng và day dứt là khi có ca nhiễm SARS-CoV-2 trở nặng, bệnh diễn tiến xấu…

Hơn 500 ngày căng mình nơi tuyến lửa, Thành luôn hoàn thành trách nhiệm với Đảng, với dân, nhưng anh tự nhận mình chưa hoàn thành trách nhiệm với gia đình, nhất là đối với đứa con trai đầu lòng của mình. Tuy nhiên, Thành biết gia đình luôn hiểu và cảm thông cho anh. Nhờ sự cảm thông ấy mà anh đã toàn tâm, toàn lực nơi tuyến đầu phòng, chống dịch trong suốt hơn 500 ngày qua. Và hơn 500 ngày nơi tuyến lửa, niềm vui và hạnh phúc nhất của Thành không phải là được Tổ công tác của Bộ Y tế tăng cường cho Tiền Giang đánh giá cao Bệnh viện Dã chiến số 1 vì điều trị có hiệu quả và có mô hình, sự phối hợp tốt với các tuyến; mà là có hàng trăm bệnh nhân đã bình phục, được trở về với gia đình, người thân.

NỖ LỰC CỐNG HIẾN

Ngay trong những ngày dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tiền Giang phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ, việc tiếp cận các dịch vụ y tế cũng khó khăn hơn. Chính vì thế, nhiều gia đình đã lúng túng, không biết xoay xở thế nào khi có người thân, nhất là trẻ em đau ốm bất tử. Do đó nhiều người đã gọi điện thoại “cầu cứu” Thành. Dù rất bận rộn với công việc nơi tuyến đầu phòng, chống dịch nhưng chưa bao giờ Thành từ chối những cuộc gọi như thế, anh vẫn ân cần hướng dẫn người nhà chăm sóc bệnh nhân, kê toa để người nhà mua thuốc cho bệnh nhân uống tạm. Thành cho rằng, khi đọc những tin nhắn cảm ơn của người nhà bệnh nhân, anh cảm thấy ấm lòng, từ đó tạo thêm cho anh nhiều năng lượng tích cực để vượt qua khó khăn, tiếp tục chiến đấu với giặc Covid-19. Với Thành, hạnh phúc chỉ là những điều đơn giản như thế.

Không phải đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì Thành mới thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với Đảng, với dân; mà ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường của Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, anh đã tích cực tham gia các hoạt động Mùa hè xanh, đi khám và phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, Thành về công tác tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Từ khi còn là đoàn viên, rồi Phó Bí thư, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, gần như chưa bao giờ Thành vắng mặt trong các đội hình tình nguyện khám bệnh và cấp thuốc miễn phí của bệnh viện. Nhiều mô hình tình nguyện gắn với chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của Thành đã để lại dấu ấn, như đội hình Khám bệnh tại nhà, đến khám miễn phí cho các bệnh nhân thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo mắc bệnh nặng, không thể đến bệnh viện để khám; tư vấn các bệnh mãn tính cho nhân dân…

Dấu chân tình nguyện của Thành không chỉ dừng lại ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nhà, mà còn đến Lũng Cú (Hà Giang), Bản Giốc (Cao Bằng), rồi qua nước bạn Lào… Các chuyến đi đến vùng cực Bắc của Tổ quốc không chỉ là khám, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc, mà Thành còn mang theo những phần quà (áo ấm, chăn màn…) để tặng bà con nghèo trên vùng cao. Kinh phí tổ chức các chuyến thiện nguyện ấy đều do Thành vận động các nhà hảo tâm; còn chi phí đi lại, ăn uống… thì tự bỏ tiền túi. Vì vậy, dù là Tiến sĩ Y khoa, công tác trong ngành Y 17 năm, giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, nhưng Thành vẫn chưa có nhà riêng. Giải thích lý do “không có nhiều tiền” của mình, Thành cho biết, do anh luôn ghi nhớ những điều ba anh - một đảng viên 50 năm tuổi Đảng - căn dặn. Đó là đừng tranh giành, đừng mưu cầu tư lợi cá nhân, mà phải luôn nỗ lực phấn đấu để được cống hiến nhiều hơn, có như thế mới hoàn thành trách nhiệm với Đảng, với dân của một đảng viên.

NGUYÊN CHƯƠNG

(Còn tiếp)

 

.
.
.