Thứ Sáu, 26/11/2021, 23:00 (GMT+7)
.

Cử tri mong muốn Tiền Giang nhanh chóng đạt mức độ bao phủ vắc xin mũi 2

(ABO) Trong đợt tiếp xúc cử tri, sau khi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri cho rằng, thời gian qua mức độ bao phủ vắc xin của tỉnh Tiền Giang chưa cao. Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 dần có chiều hướng phức tạp trở lại. Cử tri mong muốn Tiền Giang nhanh chóng đạt mức độ bao phủ vắc xin mũi 2 trong thời gian sớm nhất để người dân được miễn dịch cộng đồng, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đề nghị ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho biết kế hoạch của Trung ương về tình hình nhập khẩu, sản xuất vắc xin trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề của cử tri, ĐBQH Nguyễn Kim Tuyến, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian đầu do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên vấn đề bao phủ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu so sánh về mật độ bao phủ vắc xin trong thời điểm ban đầu của Tiền Giang so với các tỉnh lân cận là rất thấp. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã có rất nhiều văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị tăng cường hỗ trợ vắc xin cho tỉnh và đồng thời cũng đảm bảo tính công bằng trong việc phân bổ vắc xin.

Đến nay, số lượng phân bổ vắc xin về Tiền Giang đã tương đối khả quan, từng bước đảm bảo độ bao phủ. Tuy nhiên, quá trình tiêm vắc xin cũng còn gặp một số khó khăn về vấn đề phân loại các vắc xin, vì mỗi loại vắc xin đều có yêu cầu về kỹ thuật khác nhau như: Khác nhau về thời gian khoảng cách giữa tiêm mũi 1 và mũi 2, phân loại nhóm người đã tiêm mũi 1 và tiếp tục theo dõi để tiêm mũi 2... nên một số địa phương còn lúng túng trong quá trình quản lý và vận hành.

Nhìn thấy được những khó khăn mà các địa phương trên địa bàn tỉnh gặp phải, lãnh đạo UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể và sâu sát đến từng địa phương cũng như từng cơ sở y tế.

Vừa qua, Tiền Giang đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, nhằm giúp nhanh chóng bao phủ vắc xin cho đối tượng học sinh để có thể đến trường học trực tiếp, từng bước thay thế cho cách học trực tuyến...

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến trả lời ý kiến cử tri
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến trả lời ý kiến cử tri.

Về tình hình nhập khẩu, sản xuất vắc xin, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, các ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng thông tin thêm đến cử tri.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, tính đến ngày 5-11-2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều vắc xin và phân bổ vắc xin theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; thực hiện ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.

Hiện đã phân bổ hơn 110 triệu liều vắc xin cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Do sớm nhận thức được vai trò của vắc xin trong công tác phòng, chống đại dịch, từ đầu năm 2020 các đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước đã chủ động đánh giá năng lực, điều kiện nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2 (bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất vắc xin) và đề xuất phương án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2 có tính khả thi, bao gồm phương án tự nghiên cứu và phương án hợp tác nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Nhiều cử tri quan tâm kiến nghị sớm bao phủ mũi 2
Nhiều cử tri kiến nghị Tiền Giang sớm bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng để người dân yên tâm lao động, sản xuất

Đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19, trong đó: 1 ứng viên vắc xin đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 (Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen); 1 ứng viên vắc xin đang TNLS giai đoạn 1 (vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang). Quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có: COVIVAC 6 triệu liều/năm, Nanogen 20 - 30 triệu liều/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Ngày 7-5-2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Tập đoàn VinGroup đã đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 từ tinh chất mRNA.

Nhà máy do VinGroup đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất khoảng 100 triệu liều/năm dự định bắt đầu sản xuất từ quý 1-2022. Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 9-2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Thời gian tới, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác dự báo; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi tiếp xúc
Quang cảnh ĐBQH tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri.

Cùng với đó là đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học; hướng tới tỷ lệ vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4-2021 và đầu năm 2022.

Từ quý 4-2021, Bộ Y tế tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương với mục tiêu 100% trẻ trong độ tuổi này được tiêm đủ số mũi cơ bản; mở rộng tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm tuổi khác có chỉ định sử dụng vắc xin, đảm bảo toàn bộ người dân bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin phòng Covid-19.

Cùng với đó là tiếp tục nhập khẩu vắc xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vắc xin.

THU HOÀI - LÊ MINH

 

.
.
.