Thứ Hai, 27/12/2021, 16:58 (GMT+7)
.
ĐẢNG BỘ XÃ HIỆP ĐỨC:

Dấu ấn trong lãnh đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2018, là nền tảng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ra mắt ngày 25-11-2021. Thành công đó tạo nên một bức tranh mới đẹp hơn ở vùng quê này: Đường sá thông thoáng, xanh - sạch - đẹp; kinh tế phát triển, thu nhập của các hộ gia đình cao hơn; đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân nâng lên…

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG

3 năm - quãng thời gian từ một xã NTM lên xã đạt chuẩn NTM nâng cao là không dài, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây rất đỗi tự hào vì đã xây dựng thành công. Qua đó khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện, sáng suốt của Đảng bộ; sự quản lý, điều hành linh hoạt, nhạy bén của chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân trong xã.

Trên cơ sở duy trì 19 tiêu chí của xã NTM, Hiệp Đức đẩy nhanh tiến độ thực hiện 18 tiêu chí của xã NTM nâng cao, nhất là việc đầu tư các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Cụ thể, về đường giao thông, xã hiện có đường tỉnh 864, 875B và đường huyện 67 đi qua, cùng các tuyến giao thông liên xã đã được “cứng hóa”, 8/9 tuyến đường liên ấp với tổng chiều dài trên 17 km cũng đã “cứng hóa”, xe 4 bánh vào được; trên 12 km đường được gắn hệ thống chiếu sáng và 14/14 tuyến đường dân sinh (trong đó 11 tuyến đã được “cứng hóa”). Mặt khác, trên địa bàn xã có nhiều tuyến giao thông được trồng hoa ven hai bên đường, góp phần tô thắm thêm nét đẹp của  làng quê Hiệp Đức.

Một tuyến đường liên ấp ở xã Hiệp Đức.
Một tuyến đường liên ấp ở xã Hiệp Đức.

Hệ thống thủy lợi cũng đã được nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh; 100% cống, bọng đã kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ đủ nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp (858 ha). Mặt khác, 100% hộ dân có điện sinh hoạt và sản xuất. Trạm Y tế xã đạt chuẩn theo quy định của ngành. 3 trường học được đầu tư xây dựng đạt chuẩn Quốc gia (Trung học cơ sở Hiệp Đức, Tiểu học Hiệp Đức và Mầm non Hiệp Đức), chất lượng các cấp học đều được nâng lên sau mỗi năm học. Các công trình Nhà văn hóa xã, Nhà Văn hóa liên ấp và các ấp cũng đã được đầu tư xây dựng, trang bị đầy đủ và hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần thần cho bà con trong xã.

TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã Hiệp Đức tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đảng ủy xã luôn xác định, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao: Sầu riêng, bưởi da xanh, mít Thái…; đồng thời, từng bước hình thành, nâng chất các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản cho bà con, phù hợp với kinh tế thị trường, hoạt động hiệu quả.

Nổi bật là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Đức, thành lập từ năm 2017, thường xuyên liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh thu mua trái cây, cung ứng vật tư nông nghiệp và đã hợp đồng bao tiêu đầu ra cho trên 53 ha sầu riêng đặc sản của vùng này. Sầu riêng là cây trồng chủ lực của xã, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình bền vững. Hiện nay, vườn sầu riêng của xã chiếm đến 600/865 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là ông Bảy Hoàng (Cao Thanh Hoàng), cán bộ hưu trí ở ấp Hiệp Thạnh, trồng chuyên canh 5 công sầu riêng, kinh tế gia đình phát triển nhanh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo xã chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống. Hiện trên địa bàn xã có 49 cơ sở kinh doanh, dịch vụ và 1 cơ sở may giày, giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động nông nhàn. Song song đó, lãnh đạo xã quan tâm Chương trình Giảm nghèo bền vững cho người dân bằng những giải pháp thiết thực: Quan hệ với các ngân hàng cho bà con vay vốn để cải tạo vườn tạp, đào tạo nghề ngắn hạn và giới thiệu việc làm.

Đối với hộ nghèo, hộ khó khăn, được chính quyền và các đoàn thể xã huy động nguồn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện… giúp các hộ nghèo sản xuất, kinh doanh các ngành nghề phù hợp, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Hiệp Đức đạt trên 65 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1,6% (31/1.933 hộ)...

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CHO NHÂN DÂN

Hoạt động của Nhà văn hóa, Khu thể thao liên ấp đã góp phần nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cơ sở thờ tự được tôn tạo, trùng tu (các chùa Kim Phước, Phước Hưng, Song Long; đình Hiệp Hòa; miễu bà Chúa Xứ). Xã còn có các Câu lạc bộ (CLB) Hát với nhau (12 thành viên), CLB Gia đình phát triển bền vững (40 thành viên) hoạt động đều đặn, nền nếp. 6/6 ấp của xã đều đạt chuẩn ấp văn hóa và được tái công nhận hằng năm. Riêng ở mỗi ấp có mô hình các CLB sở thích, tập hợp đông đảo người dân tham gia (chiếm tỷ lệ trên 30% dân số của xã): CLB Hát với nhau, CLB Cờ tướng, CLB Hoa kiểng và CLB Đờn ca tài tử. Ngoài ra, trên các tuyến giao thông trong xã, người dân tham gia tích cực phong trào xây dựng “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự”…

LÊ HUỲNH

.
.
Liên kết hữu ích
.