.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022

Cập nhật: 14:13, 20/01/2022 (GMT+7)

 

a
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Sáng 20-1, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử với phương châm làm thế nào để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và an toàn nhất. Từ nước tiếp cận vaccine chậm nhưng đến nay tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của Việt Nam đã thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo.

Tính đến ngày 31-12-2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều, Việc tiếp nhận, phân bổ vaccine được thực hiện công khai, minh bạch, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, có tập trung vào đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao. Đết hết năm 2021, cả nước tiêm được 152,2 triệu liều, trong đó đã tiêm 132 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên (99,5% tiêm ít nhất 1 liều và 90,7% tiêm đủ số liều cơ bản) và 12,6 triệu liều cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi (85,3% tiêm ít nhất 1 liều và 55,7% tiêm đủ số liều cơ bản).

Tính đến ngày 13-1-2022, cả nước đã tiêm được hơn 164,5 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78,4 triệu liều, mũi 2 là 71,7 triệu liều và mũi 3 là 14,3 triệu liều. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I-2022. Đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Về công tác điều trị, chúng ta đã chủ động các phương án điều trị, trong đó tăng cường năng lực (về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm...), thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà; bảo đảm các trường hợp nhiễm vi rút đều được theo dõi y tế, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất; trong đó tập trung kiểm soát các trường hợp nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và giảm thiếu đến mức tối đa các trường hợp tử vong.

Trước tình hình người bệnh Covid-19 tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Bộ Y tế đã có các chỉ đạo và quyết sách đúng đắn như ban hành Quyết định 3616/QĐ-BYT ngày 29-7-2021 “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”. Cùng với đó toàn ngành đã huy động hơn 25 nghìn nhân viên y tế tăng cường công tác điều trị tại các tỉnh phía nam. Việc thành lập các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia đã góp phần cứu sống hàng nghìn người bệnh, đặc biệt trong giai đoạn đỉnh dịch.

Theo thống kê sơ bộ, số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn hơn 200 ca/ngày; chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (hơn 70%) là người chưa tiêm vaccine. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8, 9-2021).

Trong giai đoạn bình thường mới, việc điều trị Covid-19 đã thích ứng, linh hoạt và thay đổi các chiến lược điều trị và cập nhật các hướng dẫn điều trị qua 7 phiên bản. Hiện nay các địa phương trên toàn quốc tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ, thực hiện phân loại, sàng lọc các đối tượng theo Quyết định 5525/QĐ-BYT hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và xử trí, cách ly, điều trị. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh có kinh nghiệm cấp thuốc kháng virus và dùng sớm cho các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (kể cả chưa có triệu chứng).

Theo nhandan.vn

 

.
.
.