Thứ Năm, 26/05/2022, 23:07 (GMT+7)
.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang góp ý vào Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

(ABO) Ngày 26-5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia thảo luận tại tổ, cho ý kiến đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

* Đóng góp nhiều ý kiến đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tại buổi thảo luận tổ, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban liên quan. Đồng thời, đóng góp một số nội dung cần xem xét thêm đối với Dự án Luật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Văn Dương, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, vì vậy cần sửa đổi luật để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đối với nội dung của Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Dương góp ý, tại khoản 3 điều 4, cần xem xét lại, bởi hiện nay, thuật ngữ “liên doanh, liên kết” đã được quy định Luật Quản lý tài sản công 2017 và Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, cần quy định về liên doanh, liên kết tại Luật này để có cơ sở tham chiếu và hướng dẫn tại các văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết trong hoạt động khám, chữa bệnh (KCB).

Tại khoản 5 Điều 51, cần quy định rõ đối tượng được ký kết hợp đồng KCB bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH). Nếu quy định chung chung sẽ gây lúng túng trong quá trình thực hiện KCB BHYT tại các cơ sở y tế có liên doanh liên kết. Như vừa qua, các bộ, ngành, địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc tại các Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Nghĩa Lộ (Yên Bái)… Khi chưa xử lý được vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật…, cơ sở bị tạm ngừng thanh, quyết toán, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cơ sở và quyền lợi của người tham gia BHYT. Đề nghị bổ sung: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (bao gồm các hoạt động xã hội hóa), cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH khi có giấy phép hoạt động mà không phải thẩm định riêng trước khi ký hợp đồng.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Điều 89, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Do đó, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, nghiên cứu quy định Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đối với quy định Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá, cần có cơ chế kiểm soát giá, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh. Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang cũng đồng quan điểm, đồng thời cho rằng, cần bổ sung thêm những nguyên tắc chung, có khung giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở KCB này, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các cơ sở KCB tư nhân và quyền lợi của người dân.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang còn góp ý thêm đối với quy định về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55). Đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ sở hoạt động KCB từ xa, đặc biệt là cơ chế thanh toán cần quy định cụ thể, đối với một số trường người dân ở vùng sâu vùng xa thì thanh toán như thế nào; cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan cũng như các cá nhân thực hiện công tác KCB từ xa. Bên cạnh đó, đối với quy định về xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh (Điều 90), đề nghị quy định cụ thể về cơ chế xã hội hóa để các cơ sở KCB có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn.

* Không nên tiếp tục duy trì Thanh tra huyện

Thảo luận Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

đại biểu Nguyễn Hoàng Mai
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đóng góp thêm một số ý kiến đối với Dự án Luật này nhằm đảm bảo tính khả thi khi Dự án Luật được ban hành.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung quy định trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này như: Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, bộ máy, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, đối với quy định về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thanh tra theo cấp hành chính, khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), Cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Thanh tra huyện hiện nay chỉ có vài đồng chí, trung bình một năm chỉ thực hiện 2 - 3 vụ thì có nên để hay không, hay là nên dùng các biên chế của Thanh tra huyện tăng cường cho Thanh tra tỉnh, để tận dụng các biên chế này thêm cho tỉnh làm được nhiều vụ hơn mà không cần phải tăng biên chế cho cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng Ban soạn thảo nên nghiên cứu không nên tổ chức Thanh tra huyện nữa. Hoặc có thể đối với những đơn vị hành chính có nhiều vấn đề phức tạp thì có thể thành lập đơn vị Thanh tra cấp huyện, chứ không cần thiết tất cả các huyện đều phải thành lập thanh tra.

Ngoài ra, đối với quy trình xử lý các vấn đề trong thanh tra, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật quy định còn chung chung chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ vấn đề về thẩm định Dự thảo Luật Thanh tra, trong đó quy định cụ thể đối tượng được giao thẩm định là ai, quyền và trách nhiệm của người được giao thẩm định…

MINH TRÍ - THU HOÀI

 

.
.
Liên kết hữu ích
.