Thứ Bảy, 18/04/2015, 06:10 (GMT+7)
.
Cuộc hành trình cho ngày giải phóng, thống nhất đất nước

Bài cuối: Thắm đượm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

Bài 1: Khi "Tổ quốc gọi tên mình"
Bài 2: Đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết
Bài 3: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Bài 4: Rưng rưng ngày đại thắng…

Chiến tranh đi qua, toàn tỉnh có hàng chục ngàn liệt sĩ, thương binh, với hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng chục ngàn gia đình chính sách… 40 năm đã trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa đi những vết thương trên da thịt, nhưng nỗi đau mất mát thì không thể nào phôi pha. Chính vì vậy, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, thể hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc: Uống nước nhớ nguồn.

KHI CHIẾN TRANH ĐI QUA

“Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Thời gian trôi qua vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang…” (Người mẹ của tôi - nhạc sĩ Xuân Hồng). Trong những ngày tháng Tư này, nghe những ca từ ấy khiến lòng ta càng thêm bùi ngùi khi nghĩ về những mất mát mà dân tộc ta, nhân dân ta phải gánh chịu trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng vết tích của chiến tranh thì vẫn còn hiện diện trong cuộc sống. Vết tích ấy là đôi chân không còn nguyên vẹn, là cánh tay đã mất đi một nửa, hay những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh với hình hài dị dạng bởi cha em bị nhiễm chất độc da cam từ trong chiến tranh…

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh tặng quà cho các gia đình chính sách.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh tặng quà cho các gia đình chính sách.

Đại tá Lê Dũng cho biết, khi chiến tranh đi qua, toàn ấp của chú (ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) có 100 liệt sĩ, 12 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hầu hết liệt sĩ trong ấp Hòa Mỹ đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng (chú Sáu Lưỡng) cho biết, khi kết thúc chiến tranh, riêng Tiểu đoàn 2009B - những người con của tỉnh Nam Hà kết nghĩa với tỉnh Mỹ Tho trong kháng chiến - có 126 liệt sĩ, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ bị thương trên chiến trường Mỹ Tho.

Riêng đồng đội của chú Sáu Lưỡng có trên 300 người đã ngã xuống trong cuộc hành trình cho ngày độc lập, thống nhất đất nước. Theo số liệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh, toàn tỉnh có 9.157 cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có nhiều cựu chiến binh là thương binh và nhiều người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. 

Anh Nguyễn Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, huyện Châu Thành cho biết, chiến tranh đi qua, xã Long Hưng có 136 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (năm 2014 phong tặng và truy tặng 96 mẹ), trong đó có 6 mẹ còn sống; 3 Anh hùng lực lượng vũ trang; 38 cán bộ tiền khởi nghĩa, 518 gia đình liệt sĩ, 120 thương binh, 36 bệnh binh, 15 người nhiễm chất độc hóa học và 1.408 gia đình có công với cách mạng.

Còn theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH cung cấp, toàn tỉnh có 25.070 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 120 ngàn gia đình chính sách, 5.001 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện còn sống 485 mẹ. Nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có từ 3 đến 5 con hy sinh. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có nhiều con hy sinh nhất là 6 con…

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, từ ngày đất nước được độc lập, thống nhất, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trên tinh thần đó, các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội đã cùng chung tay chăm lo cho gia đình chính sách, xem đó là trách nhiệm của mình đối với các thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hậu (ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) cho biết, hàng năm vào các ngày lễ, tết chính quyền các cấp đều đến thăm và tặng quà cho mẹ. Nhiều lần mẹ còn được lãnh đạo tỉnh và Trung ương đến thăm, tặng quà. Mới đây, ngành LĐ-TB&XH còn mời mẹ đi tham quan Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác. Với mẹ, những mất mát (chồng, 1 con trai và 1 em trai hy sinh) là không có gì bù đắp được, nhưng được sự quan tâm chăm lo tận tình, chu đáo của Đảng, Nhà nước mẹ vơi đi phần nào nỗi đau và cảm thấy ấm lòng hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng (huyện Châu Thành) Nguyễn Minh Huấn cho biết: Công tác chăm lo cho gia đình chính sách luôn được lãnh đạo xã đặc biệt quan tâm. Cụ thể, trong 5 năm qua, bằng nguồn kinh phí vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, xã đã xây dựng 30 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 40 căn cho các gia đình chính sách. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của xã đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Đối với thương binh, nếu sức khỏe đảm bảo thì được đưa đi an dưỡng ở Đà Lạt, Nha Trang…; ai không đủ sức khỏe thì được cấp dưỡng. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, xã đều tổ chức đi thăm và tặng quà cho gia đình chính sách. Ngoài ra, xã còn vận động y, bác sĩ khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách. Đặc biệt, 16 năm nay, vào ngày 27-7, xã đều tổ chức Lễ giỗ Liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng.

Đội viên viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Đội viên viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Đại tá Lê Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Trong những năm qua, công tác chăm lo cho cựu chiến binh được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội đã xây tặng  878 căn Nhà đồng đội cho các hội viên gặp khó khăn về nhà ở.

Ngoài ra, các cấp Hội còn có nhiều mô hình để giúp hội viên thoát nghèo như thành lập Tổ cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo, Tổ hợp tác phát triển sản xuất, Câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất - kinh doanh giỏi, với các hình thức cho vay vốn không tính lãi; hỗ trợ cây, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Từ đó hộ nghèo trong hội viên giảm đáng kể.

Cụ thể, năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên hơn 6%, đến nay giảm chỉ còn 2,5%. Ông Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Ban Liên lạc các cấp cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho cựu tù kháng chiến như thăm hỏi, tặng quà, xây tặng nhà…, từ đó không còn hộ cựu tù kháng chiến nghèo.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công (trung bình chi trả trợ cấp hàng tháng cho 28 ngàn đối tượng người có công với số tiền trên 35 tỷ đồng), nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được thực hiện như vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (trung bình mỗi năm 10 tỷ đồng) để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa (trung bình mỗi năm 200 căn), tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa (trung bình mỗi năm 100 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 1 - 2 triệu đồng)...; phụng dưỡng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó học tập, thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với con của người có công theo quy định; mua Bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng thuộc diện hưởng chính sách Bảo hiểm y tế; tổ chức nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa cho đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng.

Ngoài ra, hàng năm đưa thương binh đi an dưỡng, tổ chức đưa Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công tiêu biểu đi tham quan Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác. Hầu hết các mẹ được Đảng, Nhà nước cất tặng nhà tình nghĩa. Hiện nay, ngoài hưởng tiền trợ cấp chế độ theo quy định của Chính phủ, các mẹ còn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến suốt đời.

Các phong trào chăm sóc khác cũng được quan tâm như: Xây dựng mô hình VAC cho hộ chính sách; hỗ trợ nước sạch để sử dụng; hỗ trợ điện thắp sáng; tặng tủ thờ, ghế thờ cho gia đình liệt sĩ; hỗ trợ hộ chính sách được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Ngoài ra còn có các hình thức giúp đỡ khác cho đối tượng chính sách như: Vận động ngày công lao động để tôn tạo nền nhà, sửa chữa nhà, đào ao lập vườn, hoặc hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất… Nhờ thực hiện nhiều chính sách nên hiện nay có 98,5% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của hộ dân cư trên địa bàn cư trú.

***

Xin kết thúc loạt bài này bằng những chia sẻ của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thơm (94 tuổi, ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành): Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chồng và 2 người con trai của mẹ (mẹ chỉ có 2 con trai) đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Những vết thương trên thịt da có thể lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng thì mãi mãi hằn sâu trong tim. Những vết hằn ấy như sợi dây đàn, chỉ cần chạm tay vào là thanh âm lại ngân lên, da diết… Tuy nhiên, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, mẹ cảm thấy tuổi già thật ấm áp, nỗi đau cũng vơi đi… 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.