Thứ Hai, 23/12/2013, 09:58 (GMT+7)
.

Chuyện "người vành đai" ngày ấy và bây giờ

Trong bản thảo truyện ký “Người vành đai” của cố Nhà văn Võ Trần Nhã, từng ghi lại những sự kiện, sự việc và con người vành đai Bình Đức diệt Mỹ, trong đó có nhân vật vợ chồng ông Nguyễn Tiến Châu (Chín Xu). Ông Châu là thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 71%, từng làm Chủ tịch UBND xã Bình Đức những ngày đầu mới giải phóng.

Còn bà Nguyễn Thị Mười, nữ giao liên hỏa tốc của Thành đội Mỹ Tho, sau lấy ông Chín Xu, về làm cán bộ binh vận xã Bình Đức. Qua bút ký miêu tả của Nhà văn Võ Trần Nhã, vợ chồng ông Chín Xu là một trong những “người vành đai” tiêu biểu, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, anh dũng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-2010), theo đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường vành đai Bình Đức, chúng tôi mới có điều kiện tìm gặp vợ chồng ông Chín Xu. Trong căn nhà tình nghĩa ấm áp, vợ chồng ông thay nhau kể cho chúng tôi nghe những ngày kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu trên mặt trận vành đai.

Giọng ông Châu mộc mạc, chân tình: “Du kích Bình Đức tụi tui hồi đó không thể thiếu mìn và lựu đạn được. Bọn địch không ngờ tụi tui lại dám chốt ngay sát chân hàng rào thứ nhứt, cách lô cốt của tụi nó chưa đầy 100m. Thiệt tình cũng chẳng phải mình gan, nhưng đây lại là nơi an toàn nhứt vì địch không ngờ tới.

Sống sát nách địch, tụi tui chỉ đánh bằng mìn và lựu đạn gài; thiếu lựu đạn thì chui vào hàng rào gỡ mìn và lựu đạn của địch gài lại địch. Bất đắc dĩ tụi tui mới nổ súng, bởi chỉ cần nghe một tiếng súng là pháo, cối địch dập tơi bời và sau đó là hàng tiểu đoàn bộ binh càn đi xát lại.

Vợ chồng ông Chín Xu tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.
Vợ chồng ông Chín Xu tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.

Còn nhớ đầu mùa mưa năm 1973, địch cho xe ủi đường bao quanh căn cứ và chúng phát hiện ra chỗ ở của chúng tôi. Lập tức 3 tiểu đoàn bộ binh địch được lệnh siết chặt vòng vây và chia thành nhiều mũi ập vào. Lính dày đặc, bít chặt các ngã đường. Lực lượng du kích chỉ có 7 người, không còn hy vọng thoát. Nhiều toán địch lọt vào bãi mìn và lựu đạn gài, xen lẫn trong từng tiếng nổ là những tiếng kêu khóc rần trời, tiếng chửi rủa tục tỉu.

Sau một tuần truy quét mà không thấy bóng dáng du kích, lại đụng mìn, lựu đạn chết và bị thương 23 tên, trong đó có 2 tên sĩ quan, địch buộc phải rút quân cùng với câu hỏi ám ảnh không lời giải đáp: Việt cộng rút đi đằng nào? Một lần nữa, bọn địch không thể ngờ du kích Bình Đức gan cùng mình, vòng vây càng siết chặt, tụi tui càng luồn sâu vào trong căn cứ, ém quân sát nhà đèn ẩn nấp, chờ cho địch rút quân mới luồn trở ra một cách an toàn”.

Còn bà Mười, không ngớt lời ca ngợi tấm lòng của người dân Bình Đức: “Du kích Bình Đức nhiều lúc bị địch đánh dạt ra, phải về nương náu bên Thạnh Phú, Trung An; tình hình êm thì tìm cách quay về móc nối, bám trụ. Thiếu sự che chở, đùm bọc của nhân dân, anh em thiếu thốn, cực khổ trăm bề. Có lần đói quá, du kích phải đào trộm khoai của dân.

Vợ chồng ông Hai Giác ở ấp Lộ Ngang bắt gặp, miệng thì trách cứ mà nước mắt cứ lăn dài. Ông la: Tụi bây sợ tao cái gì mà không chịu nói một tiếng. Bộ bà con không giúp đỡ được tụi bây sao. Thế rồi từ đó, vợ chồng ông Hai Giác thay phiên nhau tiếp tế cho du kích. Không chỉ tiếp tế mà còn nắm tình hình địch thông báo cho du kích, nhận giấy tờ đi thu thuế đảm phụ nuôi quân. Từ vợ chồng ông Hai Giác, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng, móc nối, phối hợp với du kích đánh địch trên cả 3 mặt quân sự, chính trị, binh vận”.

Kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam năm nay, chúng tôi lại về thăm vành đai Bình Đức. Trong căn nhà ấm áp nghĩa tình vắng bóng ông Chín Xu, chỉ có bà Mười ở nhà. Giọng bà Mười nghèn nghẹn: “Ổng hồi này yếu lắm, nằm viện hoài, hiện đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh”.

Hỏi ông Chín Xu bị bệnh gì, bà Mười kể: “Ngày xưa nằm hầm, ngủ bụi cực khổ trăm bề, lại bị thương tật nên giờ ổng mắc nhiều thứ bệnh lắm, mà bệnh nào cũng mãn tính cả. Nào là viêm phế quản mãn, viêm dạ dày mãn, cao huyết áp, vôi hóa cột sống. Hơi thở của ổng hồi này cứ khò khè, lên cơn tức ngực hoài à, nên thường phải đi cấp cứu ở bệnh viện”.

Cùng bà Mười ra bệnh viện thăm ông Chín Xu, chúng tôi lại nghe ông kể về bà: “Bả bệnh cũng chẳng thua kém gì tui, nào là bị bệnh tiểu đường tuýp 2, thiếu máu não, rối roạn tiền đình, suy nhược thần kinh, máu nhiễm mỡ. Khổ nỗi, cũng tham gia cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách nên hoàn cảnh gia đình tui gặp nhiều khó khăn.

Hỏi sao bà chưa được hưởng chế độ, chính sách, ông buồn rầu kể: “Hồ sơ làm đầy đủ, nhưng nghe cán bộ LĐ-TB&XH xã bảo bị thất lạc nên chưa được hưởng chế độ theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ. Còn hồ sơ Nạn nhân chất độc da cam, nghe đâu tạm ngưng nên chưa được xét duyệt.

Đọc truyện của Nhà văn Võ Trần Nhã, thầm cảm phục “người vành đai” ngày ấy chiến đấu anh dũng, ngoan cường, chịu đựng biết bao gian nan, thậm chí chịu nhiều tổn thất, mất mát, hy sinh. Nay gặp lại những con người vành đai năm xưa ấy đang bị bệnh tật hành hạ, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn mà lòng rưng rưng.

Hy vọng qua bài báo này, các cấp, các ngành sẽ lưu tâm đến hoàn cảnh của vợ chồng ông Chín Xu, tạo điều kiện để ông bà được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước theo quy định, xem đó như là một nghĩa cử đền ơn, đáp nghĩa.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.