Thứ Sáu, 01/11/2013, 08:48 (GMT+7)
.

Để Miếu Bà Quới An thật sự là cơ sở thờ tự văn hóa

Từ sau đổi mới, Miếu Bà ở ấp Quới An (Long Bình, Gò Công Tây) trở nên khá nổi tiếng. Hằng năm, lễ vía Bà được tổ chức vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, thu hút khá đông khách thập phương đến viếng, không chỉ là người sở tại mà còn có rất nhiều khách ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…, tạo nên một nét văn hóa độc đáo ở một vùng quê đồng bằng vốn dĩ rất ít, thậm chí là không có những di tích văn hóa hay danh lam thắng cảnh như ở đây.

Miếu Bà nhìn từ cổng.
Miếu Bà nhìn từ cổng.

Theo tài liệu trong hồ sơ đề nghị công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa thì Miếu Bà được xây dựng từ thế kỷ XIX, có tên chữ là Kim Huờn miếu. Vì hiện nay, tất cả những người cao tuổi có trách nhiệm hoặc có hiểu biết đến việc hình thành và phát triển của ngôi miếu này đều đã qua đời và cũng không có hồ sơ ghi chép nên không ai biết “bà” được lập miếu thờ này đích thực là ai?

Nếu suy từ cái tên “Kim Huờn” (Kim Hoàn) thì có lẽ khởi thủy ngôi miếu này được lập ra để thờ tổ nghề thợ bạc (gia công đồ trang sức bằng vàng  bạc, đá quý…) và trong miếu chỉ thờ những bài vị viết bằng chữ Hán, rất đơn giản. Trước đây, Hội Miếu Bà và Ban đại diện cũng được dân tự lập để quản lý nơi thờ tự, tổ chức cúng tế theo lệ.

Như bao ngôi miếu khác, Miếu Bà ở Quới An cũng vốn là nơi thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian của cư dân sở tại. Đến năm 1996, hội viên Hội Miếu Bà Quới An được sự tài trợ của khách thập phương, đặc biệt là một số doanh nhân, trong đó có người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh thỉnh tượng Bà Chúa Xứ về thờ ở gian giữa và 4 tượng các vị thần, Phật như Quan Thế Âm Bồ tát, Di Lặc, Thần Tài, Mẹ sinh (?).

Miếu Bà hiện nay được xây dựng, tu bổ khá kiên cố và khang trang trên diện tích gần 800 m2, nằm cách lề nam đường tỉnh 877A chừng 100m, có cổng chào và đường dẫn vào miếu được trải bê tông rộng 3m. Lễ vía Bà được tổ chức khá trang trọng và quy mô vào 16-2 âm lịch hằng năm theo nghi thức và tập quán cổ truyền. Sau phần lễ là phần hội với những hoạt động như hát bội, múa rỗi, múa lân, đờn ca tài tử…

Theo đánh giá của lãnh đạo xã, với vai trò là một cơ sở thờ tự dân gian có lịch sử tương đối lâu đời, thời gian qua Miếu Bà Quới An luôn hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, là nơi sinh hoạt tâm linh, góp phần tích cực trong việc xây dựng tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái của cư  dân sở tại.

Tuy nhiên, để Miếu Bà Quới An trở thành nơi thờ tự văn hóa, phát huy được vai trò tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện Gò Công Tây và xã Long Bình cần vận động, định hướng hoạt động của cơ sở này ở những mặt sau đây :

1. Tránh xu hướng tôn giáo hóa, mê tín hóa

Hiện nay, các hội viên tự phát dựng nhiều tượng trong khuôn viên miếu làm cho khách tham quan nếu không nhìn thấy tấm biển ở cổng chính thì khó nhận dạng được đây là chùa hay miếu vì vừa có thần (Bà Chúa Xứ, Thần Tài), vừa có Phật (Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ tát).

Như vậy, tuy là miếu, nhưng ở đây có cả hai loại hình tín ngưỡng dân gian và tôn giáo.
Theo quan sát và thăm dò của người viết bài này, tuy ở miếu không có các hiện tượng mê tín như đồng bóng, bói toán, cúng bệnh, trừ tà…, nhưng hằng ngày vẫn có nhiều khách, phần đông là những người hoạt động kinh doanh đến cầu cúng, xin keo, xin xăm…, cần được điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động tín ngưỡng dân gian và chủ trương bài trừ mê tín, dị đoan…

2. Nên thay đổi nội dung cặp câu đối trên hai trụ cổng

Khi được hỏi thì không ai trong Ban đại diện Hội Miếu Bà Quới An hiện nay biết xuất xứ và cả nội dung của cặp câu đối này, mà chỉ nói rằng “lâu lắm rồi, từ hồi lập miếu...”

Theo suy luận chủ quan của người viết bài này thì cặp câu đối này do một người Hoa làm ra. Phiên âm Hán - Việt và nghĩa của cặp câu đối như sau :

- Vế trên, cột bên trái từ ngoài nhìn vào: “Bắc Kinh vị quán quần phi thủ”. Tạm dịch là: (Hồi còn) Bắc Kinh (kinh đô của nước Trung Hoa) thì (người này) ở vị thế là người đứng đầu các (đám) vợ nhỏ của vua.

- Vế dưới, cột bên phải từ ngoài nhìn vào: “Nam quốc chức cư Chúa Xứ thần”. Tạm dịch là: (Lúc sang) nước Nam (nước Việt Nam) thì (người này) được phong chức thần Chúa Xứ. Như vậy, câu đối này khẳng định một điều là bà Chúa Xứ được thờ ở miếu này là người Trung Quốc chứ không phải người Việt.

Thực tế của quá trình giao lưu văn hóa, người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng văn hóa Hán rất lớn, trong đó có tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển hầu hết đã bị Việt hóa về cơ bản, đến mức độ không ai nhắc tới vị thần đó là người nước nào.

Việc công khai nguồn gốc dân tộc của một vị thần dân gian bằng cặp câu đối như ở Miếu Bà Quới An có lẽ là trường hợp đặc biệt, nhưng chắc chắn là hầu hết cư dân là hội viên của Hội Miếu Bà Quới An không biết và không nghĩ đến chuyện sâu xa này. Vì vậy, cặp câu đối này cần sửa chữa hoặc thay đổi.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.