Thứ Sáu, 17/10/2014, 12:36 (GMT+7)
.

Cần tăng cường giáo dục đạo đức cho đội ngũ tài xế

Xây dựng văn hóa giao thông cần thiết phải bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông, trong đó đội ngũ lái xe là lực lượng rất quan trọng. Bên cạnh những lái xe nhã nhặn lịch sự, chu đáo với hành khách, vẫn còn một số doanh nghiệp tuyển lái xe không chặt chẽ, dẫn đến một số tài xế có nhiều hành vi vô văn hóa, nói tục, chửi thề, lái nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông. Nhiều lái xe lưu thông trên đường vào giờ cao điểm nhưng bấm còi inh ỏi, vượt ào ào rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Dạy thực hành môn lái xe tại Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải  Tiền Giang. 					                 Ảnh: HỮU CHÍ
Dạy thực hành môn lái xe tại Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí

Nghề lái xe đang phải chịu sức ép rất lớn từ phía dư luận xã hội vì đây là nghề đặc thù có liên quan đến nhiều người. Chính vì vậy, việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe luôn là bài học “vỡ lòng” của các tài xế trước khi chính thức bước vào nghề.

Hàng năm, các ngành chức năng của tỉnh mà trực tiếp là Sở Giao thông - Vận tải, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của lái xe, phụ xe đối với hành khách.

Họ còn phải nắm vững những quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ trách nhiệm với khách hàng; có ý thức tổ chức kỷ luật và xây dựng doanh nghiệp vững mạnh. Không chỉ giúp đỡ đồng nghiệp, người lái xe cần có quan hệ đúng mực với người thi hành công vụ, tôn trọng người tham gia giao thông và môi trường; đồng thời không quên tu dưỡng bản thân, sống lành mạnh, tác phong làm việc công nghiệp.

Có những tài xế đã nêu những tấm gương tốt, để lại hình ảnh đẹp trong lòng mọi người. Có lẽ không ai quên hành động dũng cảm của tài xế Nguyễn Văn Lành hồi cuối tháng 11-2012 tại ngã tư Đồng Tâm. Khi biết xe bị mất thắng, anh đã không cho xe tấp vào lề vì nếu như thế chiếc xe sẽ lùa hàng chục người đang đi xe máy dừng đèn đỏ phía trước, như vậy hậu quả thật khó lường. Anh bình tĩnh cho phụ xe báo động để mọi người cảnh giác.

Trong tích tắc, anh quyết định không để xe đâm vào trụ bên phải vì sẽ ảnh hưởng hành khách ngồi ghế trước, có thể mất mạng, nên cho xe đâm vào trụ bên trái, ngay ghế tài xế, bởi “nếu có bề gì thì chỉ một mình tôi gánh chịu”.

Việc anh Lành xử lý cho xe đâm vào cột đèn tín hiệu để tránh gây ra vụ tai nạn thảm khốc cho nhiều người đi đường là việc làm đúng, nhưng không phải tài xế nào cũng có thể làm được, nó thể hiện ý thức trách nhiệm của người cầm lái là tuyệt đối bảo đảm an toàn cho hành khách.

Theo đó, trách nhiệm của tài xế là trước khi bắt đầu cho xe lăn bánh phải kiểm tra kỹ phanh, xi nhan, còi, lốp xe… Trong khi lái xe phải tập trung cao độ, không được phân tâm, quan sát trước sau, hai bên trước khi sang làn đường. Qua trao đổi với một số tài xế xe tải lẫn xe khách, chúng tôi được biết, kinh nghiệm của họ là đoạn đường vắng càng không được chủ quan.

Bởi, rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông thường có tâm lý lơ là khi tới đoạn đường này và thường tăng ga để bù vào cho những lúc phải chạy chậm ở đoạn đường đông đúc. Người tài xế phải kiểm soát được tốc độ và hành vi của mình. Hạn chế tốc độ là hạn chế tai nạn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng các tài xế đua tốc độ, chạy lấn tuyến, tránh vượt không đúng quy định cũng không ít lần làm cho người đi đường phải hoảng hốt. Những hành vi này vừa trái quy định pháp luật, vừa gây nguy hiểm cho những phương tiện cùng tham gia giao thông.

Ngoài ý thức tuân thủ pháp luật, ở đây cần nói đến đạo đức, trách nhiệm của cánh tài xế. Bởi vì chỉ cần một hành vi cẩu thả của họ sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường. Bên cạnh đó, một số tài xế bất cẩn, chạy theo “thành tích” không chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan mà còn do tác động của chủ phương tiện. Vì lợi nhuận, nhiều người chủ đưa ra những quy định gây áp lực đối với tài xế để giảm chi phí trong quá trình vận tải…

Lâu nay, nghề lái xe chưa được coi trọng đúng mức nên nhiều lái xe không yêu nghề và không có trách nhiệm thực sự với việc làm và hành động của mình. Những vụ tai nạn giao thông đường bộ thường có nguyên nhân chủ yếu do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật.

Đã làm tài xế là phải chấp hành nghiêm luật giao thông và đặt tính mạng hành khách trên tính mạng của mình, nhưng thực tế phần lớn lái xe khách, xe tải đều chưa làm được. Nhiều vụ gây tai nạn xong, tài xế không tham gia cấp cứu nạn nhân mà bỏ trốn khỏi hiện trường.

Không ít trường dạy lái xe chỉ cốt làm cho học viên biết lái, chạy được xe trên đường là có bằng, trong khi đó chuyện đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho người tài xế liên quan đến sinh mạng của nhiều người lại không được quan tâm.

Do đó, cần siết chặt công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe, không để xảy ra tình trạng các cơ sở đào tạo lái xe tự ý liên doanh, liên kết, không quản lý nổi chất lượng đầu vào và quy trình đào tạo, tự ý cắt xén chương trình, giảm thời gian dạy để học viên bỏ học nhiều giờ nhưng vẫn cho kiểm tra và lọt qua kỳ sát hạch.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nghiêm túc chấn chỉnh lại đội ngũ lái xe hiện nay, nâng cao đạo đức lái xe cũng như kiểm tra chặt chẽ các điều kiện được phép lái xe chở hàng, chở khách nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn do tài xế thiếu ý thức gây ra.

Bản thân mỗi lái xe, phụ xe cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức để thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cộng tác nghiêm túc với các cơ quan chức năng khi tham gia giao thông, ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông, có thái độ chu đáo với khách hàng… nhằm giữ vững uy tín cho doanh nghiệp cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

LÊ QUANG HUY

.
.
.