Thứ Năm, 11/12/2014, 09:10 (GMT+7)
.

Làm gì khi trẻ ho?

Khi trẻ ho, các bậc phu huynh rất lo lắng và thường có mong muốn làm ngưng ngay cơn ho cho trẻ. Tuy nhiên, việc xử lý không đúng khi trẻ ho sẽ làm bệnh cảnh trầm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

HO KHÔNG PHẢI LÀ BỆNH

Trước hết, chúng ta phải hiểu ho không phải là bệnh mà là một triệu chứng và ho là phản xạ có lợi cho cơ thể do giúp tống vi khuẩn, vi-rút, chất nhầy nhớt, vật lạ… để bảo vệ đường hô hấp của trẻ. Ho thường không gây nguy hiểm cho trẻ.

Ho có thể gây khó ngủ hay nôn đối với trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sinh hoạt vui chơi và học tập cho trẻ lớn và những trường hợp này nên dùng thuốc điều trị ho. Nguy hiểm nhất mà ho có thể gây ra là cơn ho gà kéo dài hay ho do co thắt khí quản sẽ có thể gây ngạt thở, làm thiếu oxy và có khả năng gây ngất cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ.

Ngoại trừ các trường hợp có viêm như nhiễm trùng đường hô hấp, ho gà, ho lao…, các trường hợp ho khác sẽ không lo sợ sự lây lan bệnh. Có nhiều cách phân loại ho, tuy nhiên chúng ta thường chia ra 3 loại:

Ho khan với tiếng ho ông ổng, âm sắc thường cao, xuất hiện tự nhiên, ít khi thành cơn; ho đàm, âm thanh như thổi ống hút vào trong ly nước, ho nhiều vào buổi sáng, thường kết thúc cơn ho khi khạc được đàm ra ngoài; ho dị ứng có thể giống ho khan hay ho đàm (có ít đàm và dịch), thường ho khi có nguyên nhân gây dị ứng, xảy ra từng cơn.

 Phu huynh không nên tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Phụ huynh không nên tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Ảnh: Hạnh Nga

Về nguyên nhân ho, có thể ho xảy ra trong các bệnh không nhiễm trùng, ví dụ như khi sống trong môi trường ô nhiễm có nhiều khói bụi, khói thuốc lá, chất kích ứng… Ho cũng có thể xuất hiện trong các bệnh lý nhiễm trùng: cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, viêm thanh quản…

NHỮNG TÌNH HUỐNG HO THƯỜNG GẶP

Phụ huynh có thể xác định được nguyên nhân ho của trẻ dựa trên tiếng ho và các triệu chứng khác kèm theo để có cách xử lý thích hợp, trong đó khi trẻ ho cấp tính kèm co thắt, khò khè, tím tái thì nguyên nhân có thể là do trẻ bị dị vật đường thở, phải sơ cứu ban đầu và cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Khi trẻ ho có kèm sốt cao 390C, lúc này cần đến bác sĩ để kiểm tra xem trẻ có viêm phổi hay không. Khi trẻ ho kèm thở mệt, lồng ngực co kéo, tiết đàm nhớt nhiều, có thể bị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, hen suyễn ở trẻ lớn hơn, đối với trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.

Nếu trẻ ho khàn giọng, ho ong ỏng như tiếng chó sủa, kèm khò khè thì có thể đã bị viêm thanh quản cấp tính, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm, nếu trễ có thể trẻ sẽ bị khó thở. Nếu là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, ho về đêm kèm nôn ói, bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ có bị trào ngược dạ dày, thực quản hay không.

Nếu trẻ ho kéo dài trên 2 tuần, ho vào lúc sáng sớm và về đêm thì cần gặp bác sĩ để xem có bị bệnh hen suyễn hay viêm xoang mũi mạn tính không. Các trường hợp khác như trẻ có vẻ mệt, thở hổn hển khi ho, xanh tái, ăn uống không ngon miệng, nôn ói, gia đình nên đưa trẻ đến bác sĩ để kịp thời điều trị.

Trong những trường hợp trẻ ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng trẻ vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói, phụ huynh hoàn toàn có thể theo dõi và chăm sóc trẻ ở nhà. Nếu trẻ hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (Efticol hoặc Natri Clorid 0,9%).

LÀM GÌ KHI TRẺ HO?

Trong trường hợp trẻ bị ho đơn thuần, cha mẹ cần thực hiện tốt việc chăm sóc và có chế độ ăn uống phù hợp, trong đó cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, đừng vì thấy con ốm mà không tắm rửa sẽ làm cho các vi khuẩn xâm nhập cơ thể dễ dàng hơn. Hãy tắm cho trẻ bằng nước ấm, vệ sinh mũi, họng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý Efticol hoặc Natri Clorid 0,9%.

Theo dõi dự báo thời tiết để giữ sức khỏe cho trẻ. Nếu trời lạnh, trẻ mặc vừa đủ ấm khi ra ngoài, giữ ấm khi đi ngủ. Tránh cho trẻ những môi trường ô nhiễm như khói bụi, khói than, có người hút thuốc lá, những người bị cảm cúm.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ là rất quan trọng, đặc biệt là khi trẻ đang ốm vì thời gian này trẻ thường lười ăn. Cách chọn thực phẩm: Khi trẻ bị ho, cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa... có đủ 4 nhóm bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ cũng rất cần tăng sức đề kháng để chống bệnh. Vì thế nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như thịt bò, thịt gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ. Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như chiên, xào…

Đối với món cá, đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi trẻ hết bệnh hãy cho tập ăn trở lại. Không cho trẻ ăn, uống các loại đồ lạnh như kem, đồ để tủ lạnh. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, nên tập cho trẻ có một thói quen tốt là đánh răng trước và sau khi ngủ dậy.

Có thể dùng các bài thuốc chữa ho từ dân gian cho trẻ như dùng quất (trái tắc hay hạnh) hấp với mật ong và đường phèn (không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi). Trẻ bị ho không cần phải kiêng ăn, trừ những thức ăn trẻ đã bị dị ứng…

Trong thực tế, do xót con, nhiều phụ huynh đã tự ý cho trẻ uống thuốc ức chế ho, thuốc ngủ, thuốc chống dị ứng để mong trẻ có giấc ngủ ngon sẽ không ho nữa. Điều này vô cùng nguy hiểm, vì những loại thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm phổi, viêm thanh phế quản và hen suyễn ở trẻ.

Những thuốc này còn có thể gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ. Có trường hợp phụ huynh tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi bị ho, sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy, kháng thuốc hoặc dị ứng thuốc ở trẻ.

Tóm lại, ho không phải là bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của nhiều căn bệnh khác. Do đó, điều cần thiết là tìm ra nguyên nhân ho, chữa đúng bệnh rồi sau đó mới chữa ho. Phụ huynh không được tự ý sử dụng thuốc chống ho, thuốc kháng sinh cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Ths. BS ĐỖ QUANG THÀNH

.
.
.