Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:05 (GMT+7)
.

Học người Nhật cách làm cho giá trị hạt lúa tăng lên

Chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam phát lúc 19 giờ vào tối 12-3, có thông tin được những người làm nông nghiệp và nông dân chăm chú theo dõi với tâm trạng háo hức, bởi nó đáp ứng sự quan tâm của đông đảo bà con.

Đó là, tại cuộc Hội thảo xúc tiến kinh doanh với tỉnh Wakayama diễn ra  trong ngày tại Hà Nội (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh này tổ chức) có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đã đề ra những nội dung chính mà 2 bên sẽ hợp tác trong thời gian tới, đó là: Tập trung hợp tác và phát triển công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Cụ thể hơn, nữ Giám đốc Công ty Tsuno cho biết, sắp tới công ty sẽ xây dựng tại Việt Nam nhà máy chế biến cám gạo thành dầu gạo, sau đó xuất khẩu trở lại Nhật. Có thể nói, điều hé mở trên của Công ty Tsuno thật bất ngờ với nhiều người, bởi như lời của ông Lê Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH D&A (cũng là người tham dự hội thảo), thì lâu nay, ở nước ta phần lớn cám gạo chỉ được dùng vào việc chế biến thức ăn chăn nuôi. Do vậy, nó được xem là phụ phẩm của hạt lúa, và dĩ nhiên là giá bán rất thấp.

Cần áp dụng công nghệ tiên tiến vào chuỗi sản xuất và sau thu hoạch để làm cho giá trị hạt lúa nâng lên. Ảnh: Vân Anh
Cần áp dụng công nghệ tiên tiến vào chuỗi sản xuất và sau thu hoạch để làm cho giá trị hạt lúa nâng lên. Ảnh: Vân Anh

Để có thêm thông tin về công ty này, người viết lên mạng, gõ từ khóa stuno để tìm thì được biết tên đầy đủ của công ty là: Công ty cổ phần Thực phẩm Tsuno, có trụ sở tại tỉnh Wakayama và có văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh (mới lập năm 2014), được thành lập năm 1949, có đến 300 nhân viên, chuyên sản xuất - kinh doanh các sản phẩm từ gạo, cám gạo với sản phẩm chính là dầu gạo. Trong 60 năm qua, công ty đã nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp chiết xuất từ gạo, cám gạo.

Ngoài sản phẩm chủ đạo là dầu gạo, công ty còn chiết xuất các chất làm nguyên liệu để sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm cho chăn nuôi. Có điều đáng chú ý là, những năm gần đây, trước việc thiếu nguồn cám gạo tại Nhật Bản, công ty có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp nguồn nguyên liệu này tại khu vực châu Á. Và hiện nay, công ty dự định xây dựng nhà máy chiết xuất cám gạo thành dầu gạo ngay tại 1 nước đứng hàng thứ 2  trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Có thể nói, việc Công ty Tsuno có ý định xây dụng nhà máy nói trên ở Việt Nam là có sự tính toán kỹ càng, bởi vì nước ta có sản lượng lúa hàng năm trên 35 triệu tấn là sự bảo đảm vững chắc nguyên liệu (gạo và cám gạo) cho nhà máy hoạt động lâu dài.

Nếu tính bình quân tỷ lệ cám gạo chiếm khoảng 5% - 7% trọng lượng hạt lúa, thì nhà máy này tha hồ thu mua nguyên liệu để sản xuất. Tất nhiên, người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này, bởi họ sẽ bán cám gạo cho nhà máy làm nguyên liệu chiết xuất dầu gạo với giá cao hơn khi bán cho nhà máy sản xuất thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, không rõ dự định trên của Công ty Tsuno đến khi nào mới được xúc tiến thực hiện, cũng như quy mô công suất nhà máy sẽ được xây dựng là bao nhiêu, nhưng từ câu chuyện trên cho người viết có đôi điều suy ngẫm.

Đó là ở 1 đất nước nghèo tài nguyên, không có nhiều đất đai canh tác màu mỡ, nhưng bù lại người Nhật đã biết nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến và nâng cao chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm, từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến, phân phối sản phẩm (trong đó có việc làm cho giá trị hạt lúa tăng lên).

Trong khi đó, đất đai canh tác lúa của chúng ta màu mỡ, nhiều nơi sản xuất được gần như quanh năm (3 vụ), có nhiều giống lúa có phẩm cấp gạo ngon (nhóm OM do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo), lúa thơm (ST3, ST20, VD20, Jasmine 85…), cho năng suất rất cao (IR5451, IR50404), nhưng nhiều nông dân vẫn còn nghèo vì chưa thể làm cho giá trị hạt lúa tăng lên như người Nhật.

Từ năm 1989 đến nay, khi trở lại thương trường xuất khẩu gạo, chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo Quốc gia như người Thái, người Nhật, mặc dù chúng ta cũng có rất nhiều giống lúa gạo đặc sản (nếu không muốn nói là còn nhiều hơn các nước khác) như Nàng thơm Chợ Đào, ST3, ST20, Tàu hương, Nàng thơm sớm, Nàng thơm mùa, nếp than, nếp bún, nếp Bè, nếp IR 46-25…

Tất nhiên là chúng ta chưa thể làm được ngay như người Nhật, người Thái. Do vậy, điều khả thi, nếu không nói là thượng sách lúc này, đó là mở rộng sự hợp tác với nước bạn (mà cụ thể là các doanh nghiệp của Nhật và tỉnh Wakayama) để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản như đã được xác định tại cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 12-3 tại Hà Nội.

Đến đây, người viết còn mong mỏi thêm, không chỉ dừng lại ở việc đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất dầu gạo mà các doanh nhân, doanh nghiệp của Nhật còn có thể tiến bước xa hơn là đến Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo (bằng việc nhập các giống lúa của Nhật và tuyển chọn các giống lúa tại chỗ) trên các cánh đồng mênh mông để xuất khẩu sang thị trường Nhật (và các nước khác) được dự báo là rộng mở một khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ra đời (khi đó, Nhật phải mở cửa thị trường nông sản của mình cho các nước thành viên tham gia hiệp định).

Thực tế, trước năm 2010, người Nhật đã từng đem 1 giống lúa của họ (giống hạt tròn) đầu tư sản xuất thử nghiệm một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng sau đó thì ngưng (dường như lúc đó người trồng không có lời nhiều). Nay được biết, ở Đồng bằng sông Cửu Long  hiện có một vài giống lúa có triển vọng được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng, mở ra triển vọng cho điều mong mỏi của người viết trở thành hiện thực.

Có điều nông dân ta phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, sản phẩm làm ra phải bảo đảm an toàn, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, để đưa được hạt gạo Việt Nam vào thị trường Nhật với số lượng lớn là không dễ, nhưng nếu bà con nông dân ta quyết tâm thì điều ấy sẽ trở thành hiện thực. Đó cũng là 1 cách để làm cho giá trị hạt lúa của Việt Nam tăng lên, để cho người nông dân vẫn có thể làm giàu được trên thửa ruộng của mình.

NGỌC LAN

.
.
.