Thứ Sáu, 20/11/2015, 14:15 (GMT+7)
.

Cổ phần hóa các DNNN: Khó khăn từ đâu?

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại cuộc họp trực tuyến về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 10 tháng năm 2015 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì vào ngày 13-11, Tiền Giang là một trong những đơn vị triển khai chậm; chưa có doanh nghiệp (DN) nào hoàn thành cổ phần hóa trong 5 DN đã được Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân nào đã ảnh hưởng đến việc sắp xếp lại các DNNN trên địa bàn tỉnh?
 

Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang kéo nước cung cấp cho vùng Gò Công. Ảnh: Sĩ Nguyên
Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang kéo nước cung cấp cho vùng Gò Công. Ảnh: Sĩ Nguyên

Ngày 22-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp DN 100% vốn Nhà nước do UBND tỉnh Tiền Giang quản lý, theo đó Tiền Giang sẽ tiến hành cổ phần hóa (CPH) 5 Công ty TNHH Một thành viên gồm: Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TX. Gò Công, Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TP. Mỹ Tho, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang.

Theo UBND tỉnh, mặc dù rất tích cực triển khai, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có DN nào CPH xong. Đối chiếu với quy trình CPH và kết quả thực tế thì đến cuối năm 2015 Tiền Giang chỉ có thể thực hiện CPH được 2 công ty Công trình Đô thị của TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TP. Mỹ Tho đã tổ chức bán xong cổ phần lần đầu với kết quả: Nhà nước nắm giữ 2.491.600 cổ phần với giá trị hơn 24,9 tỷ đồng, chiếm 80,38% vốn điều lệ; người lao động mua 440.300 cổ phần, trị giá 4,4 tỷ đồng, chiếm 14,2% vốn điều lệ; nhà đầu tư mua 168.000 cổ phần với giá trị 1,68 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn điều lệ.

Riêng Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TX. Gò Công, UBND tỉnh đang xem xét, phê duyệt giá trị doanh nghiệp là 6,4 tỷ đồng và sẽ tổ chức bán cổ phần lần đầu từ nay đến cuối năm 2015. Với 3 DN còn lại, do cần nhiều thời gian để xây dựng phương án sử dụng đất và xác định giá trị DN nên không thể CPH theo như tiến độ Chính phủ đã phê duyệt.

Ngoài ra, do địa bàn hoạt động của Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang tại các xã nên cần nhiều vốn, trong khi khả năng tài chính công ty lại có hạn. Vì thế, việc nhập công ty này vào Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang sẽ tăng năng lực tài chính và khả năng cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, cũng như thống nhất công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, khai thác, sử dụng nước trên địa bàn.

Vì thế, ngày 22-7-2015 UBND tỉnh đã có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Tiền Giang sáp nhập Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang vào Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, sau đó sẽ tiếp tục CPH công ty. Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến tiến độ CPH các DNNN trên địa bàn.

Về kiến nghị này của Tiền Giang, ngày 14-8-2015 Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã có Công văn thống nhất đề xuất sáp nhập 2 công ty cấp nước của Tiền Giang và yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương thực hiện việc CPH theo quy định sau khi hoàn tất việc sáp nhập.

Riêng với kiến nghị xin kéo dài thời gian CPH Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang đến ngày 30-6-2016, Bộ KH-ĐT cho rằng theo quy định tại Quyết định 37 ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ thì lĩnh vực chăn nuôi không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Do đó, đề nghị Tiền Giang chỉ đạo cho Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang thực hiện CPH theo như phương án Thủ tướng phê duyệt vào ngày 22-11-2011.

Đánh giá tiến độ triển khai CPH các DNNN, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc CPH các DNNN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích gặp khó khăn do hiệu quả hoạt động không cao nên khó thu hút nhà đầu tư, tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ sau CPH còn lớn; số cổ phần bán ra chủ yếu là cho người lao động có ưu đãi. Ngoài ra, quy trình CPH gồm nhiều bước nên các DN cần nhiều thời gian để thực hiện, nhất là xây dựng phương án sử dụng đất và định giá trị DN, điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

DUY SƠN

Bộ KH-ĐT cũng nhất trí với kiến nghị của Tiền Giang về việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho UBND tỉnh được giữ lại quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các Công ty TNHH MTV: Công trình Đô thị Mỹ Tho, Công trình Đô thị TX. Gò Công; Công ty Cấp nước Tiền Giang, Công ty Cấp nước Nông thôn Tiền Giang sau khi các công ty thực hiện CPH. Vì nếu chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý sẽ gây nhiều khó khăn cho tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, vì đây là lĩnh vực mang tính công ích, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Mặt khác, theo quy định của Thông tư 118 của Bộ Tài Chính ngày 21-8-2014 thì SCIC không tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các DN làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích có tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ công ích trên tổng doanh thu của 3 năm liên tiếp kề trước thời điểm xem xét chuyển giao đạt từ 50% trở lên. Trong khi 4 công ty của Tiền Giang nói trên đều đạt trên 50% như quy định tại Thông tư 118 của Bộ Tài chính.

 

 

.
.
.