Thứ Sáu, 20/11/2015, 05:51 (GMT+7)
.

Phải coi Lịch sử là một môn khoa học độc lập

Trước thông tin môn Lịch sử dự kiến sẽ trở thành môn học tích hợp với các môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng, thành môn mới là Công dân với Tổ quốc, TS.Trần Tăng Khởi - Trưởng khoa Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Khu vực III) đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng và cho rằng, nếu thực sự như thế thì đây sẽ là việc làm không khoa học và rất bất cập.
 TS. Trần Tăng Khởi - Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị khu vực III trao đổi với phóng viên.
TS. Trần Tăng Khởi - Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị khu vực III trao đổi với phóng viên.

TS.Trần Tăng Khởi cho rằng, bản thân môn Lịch sử vốn là một khoa học độc lập. Giáo dục Lịch sử là bộ môn khoa học có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục lịch sử dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 
Giáo dục lịch sử cũng có chức năng hết sức quan trọng, đó là truyền dạy các kinh nghiệm thực tiễn trong quá khứ (cả về thực tiễn thành công lẫn thực tiễn không thành công), qua đó đúc kết kinh nghiệm và soi sáng hiện tại và tương lai.
 
Có vị trí và vai trò quan trọng như vậy, nếu đưa môn học này thành môn tích hợp chung với các môn học khác mà cụ thể ở đây là môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thì vô tình sẽ làm cho khoa học Lịch sử không còn là một môn khoa học đích thực và độc lập nữa. Khi đã tích hợp chung với Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thì Lịch sử trở thành một trong ba nội dung của một bộ môn bắt buộc (nói là bắt buộc, nhưng thực ra vẫn là cho học sinh tự lựa chọn).
 
TS.Trần Tăng Khởi bày tỏ sự đồng tình và nhắc lại ý kiến của GS.Phan Huy Lê và TS.Vũ Quảng Hiển với đại ý: Khoa học Lịch sử là bộ môn độc lập và phải khắc phục cho được tình trạng người học và thậm chí cả một bộ phận người dạy Lịch sử không mấy hào hứng, từ đó dẫn đến tâm lý coi môn học Lịch sử là môn học phụ. "Do vậy, vấn đề đặt ra là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nên đưa ra một lộ trình cải cách để Khoa học Lịch sử tiếp tục phát huy vai trò, vị trị của nó đối với nền Giáo dục nước nhà chứ không nên đem tích hợp môn học Lịch sử với các môn học khác sẽ có thể dẫn đến sự bất cập..." - TS.Trần Tăng Khởi nhấn mạnh.
 
“Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu từ xưa đến nay, các nước khác trên thế giới, có nước nào thực hiện phương pháp học tích hợp giữa môn học Lịch sử với các môn học khác không. Theo tôi được biết là không có. Chúng ta đừng nghĩ và đừng nói: Đổi mới là làm khác người, nhưng nếu có khác người thì “khác phải hay” và “khác phải phù hợp”- TS.Trần Tăng Khởi bày tỏ.
 
“Nếu không cẩn trọng, sẽ dễ dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ bị mất đi một nền tảng rất quan trọng trong việc học và tiếp cận với lịch sử, với truyền thống và nền văn hóa của dân tộc mình” - TS.Trần Tăng Khởi lưu ý và dẫn lại câu nói của nhà thơ xứ Đaghestan (thuộc Liên bang Nga) Rasul Gamzatov: "Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác!" và cho rằng, cần nên nhất quán nhận thức Lịch sử phải là một môn khoa học độc lập; bởi Lịch sử chính là “người thầy dạy” của mỗi chúng ta” - TS.Trần Tăng Khởi nhấn mạnh thêm.
 
Từ nhận định trên, TS.Trần Tăng Khởi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hai vấn đề:
 
Thứ nhất, ở góc độ vĩ mô, tức với người làm chính sách, cần có nhận thức thực sự đầy đủ, chính xác về vị trí, vai trò của khoa học Lịch sử, không nên hiểu rằng: “Việc mấy ngàn bài học sinh thi môn Lịch sử bị điểm “0” là việc bình thường” (TS.Trần Tăng Khởi dẫn lại nhận xét của một vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vài năm trước đây trước hiện tượng nhiều thí sinh thi tuyển đại học, cao đẳng môn lịch sử bị điểm “0” - PV) và khẳng định: Phải xem cách phát biểu, cách nghĩ trên trong vai trò của một nhà lãnh đạo, quản lý cấp Bộ chủ quản đó mới là không bình thường. Và điều này cũng cho thấy sự nhận thức của người lãnh đạo, quản lý này đối với môn khoa học Lịch sử đang bị lệch lạc.
 
Thứ hai, để trả lại cho môn Khoa học Lịch sử với tư cách là một môn khoa học độc lập, đòi hỏi thêm về lộ trình đổi mới. Trước hết là đổi mới về giáo trình, cách viết giáo trình Lịch sử. Từ xưa đến nay, giáo trình Lịch sử của ta thiên về một chiều. Lịch sử không chỉ toàn là những trang màu hồng oanh liệt, mà bên cạnh đó còn có những trang bi tráng nữa. Những nội dung này phải thể hiện đầy đủ ở giáo trình giáo dục Lịch sử. Mặt khác, Bộ cũng nên quan tâm chú ý hơn đến đội ngũ những người dạy Lịch sử. Cán bộ giảng dạy Lịch sử phải được đầu tư cả về nội dung lẫn phương pháp dạy học và sự tâm huyết với nghề.
 
(Theo dangcongsan.vn)
.
.
.