Thứ Sáu, 30/12/2016, 22:48 (GMT+7)
.
Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang 2016:

Tham quan nhiều, mua sắm không bao nhiêu.

Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Tiền Giang 2016 đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia và đã thu hút một lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.

Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp ĐBSCL - Tiền Giang 2016 diễn ra từ ngày 23-12 đến hết ngày 1-1-2017 tại TP. Mỹ Tho đã quy tụ 115 DN trong và ngoài nước, với gần 250 gian hàng. Tuy hội chợ đã thu hút hàng ngàn lượt người đến mỗi ngày nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ tham quan hơn là mua sắm. Bởi thực tế tại hội chợ không có nhiều gian hàng đặc trưng mà hàng hóa trưng bày, buôn bán chủ yếu là quần áo may sẵn, giày dép...

Đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm tại hội chợ.
Gian hàng trái cây Tiền Giang. Ảnh: Ngọc Lan

Các mặt hàng này được bày bán với giá dao động từ 30.000 - 150.000 đồng/sản phẩm nhưng vẫn không thể hút người mua. Lý do được nhiều người khi tham quan hội chợ cho biết, giá quần áo, giày dép có rẻ nhưng chất lượng không cao và mẫu mã không đẹp. Bên cạnh đó, các mặt hàng đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ được các DN đến từ tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh trưng bày và bán tại hội chợ khá nhiều, thu hút được người xem nhưng có giá bán khá cao, thấp nhất cũng gần 5 triệu đồng/sản phẩm và cao nhất cũng lên đến vài trăm triệu đồng nên người tiêu dùng khó chạm đến. Mặc dù ngay trong đêm khai mạc, Ban Tổ chức Hội chợ đã phát động, kêu gọi DN phải ưu tiên kinh doanh, buôn bán hàng sản xuất trong nước và người dân ủng hộ mua sắm, sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, nhiều người đi hội chợ cho rằng, hội chợ vẫn để “lọt” những loại hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài hay hàng hóa không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các loại trang sức, nữ trang, đồ chơi trẻ em...

Theo thông tin quảng bá, giới thiệu về hội chợ cũng như của Ban Tổ chức, ngoài việc kinh doanh các mặt hàng sản xuất, thương mại, hội chợ còn tập trung vào các ngành hàng nông sản tươi và nông sản chế biến... Hội chợ còn được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các tỉnh, thành và các DN giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng, nhất là nông sản, tìm kiếm đầu ra cho các loại trái cây đặc sản, ổn định giá cả... Nhưng đã có không ít người phải thất vọng khi đến hội chợ mà không tìm thấy được nhiều sản phẩm nông sản cũng như các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng như kỳ vọng.

Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” nhưng trong sự kiện hội chợ có nội dung “nông nghiệp” lần này lại có không nhiều mặt hàng trái cây hay nông sản Tiền Giang. Ngay khu vực dành để trưng bày, buôn bán các sản phẩm đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh chỉ có một gian hàng mang tên “Trái cây Tiền Giang”. Còn lại là một vài DN trong tỉnh tham gia trưng bày các sản phẩm ở các ngành hàng như: Hàng nông, thủy sản, may mặc, hàng điện tử, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp... nhưng hàng hóa rất đơn điệu.

Tuy nhiên, Hội chợ lần này cũng có một số gian hàng gây được sự quan tâm, chú ý của nhiều người như: Gian hàng gạo sạch, an toàn của Công ty Lương thực Tiền Giang; gian hàng nông sản thực phẩm an toàn của Công ty TNHH MTV Nông sản an toàn Hoàng Bảo và mô hình trồng rau thủy canh của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tiền Giang.

Gian hàng trái cây Tiền Giang. Ảnh: Ngọc Lan
Gian hàng trái cây Tiền Giang. Ảnh: Ngọc Lan

Bà Nguyễn Thị Tư, một người dân ở phường 2 (TP. Mỹ Tho) đã tham quan và không ngần ngại ăn thử cơm được nấu từ gạo sạch, an toàn của Công ty Lương thực Tiền Giang. “Nghe nói nhiều đến gạo sạch, an toàn nhưng hôm nay mới được ăn thử. Gạo nấu ra cơm dẻo, mềm, thơm, ngon! Giá cả không quá cao. Loại gạo sạch, an toàn có giá cao nhất cũng chỉ ở mức 25.000 đồng/kg. Chắc chắn sẽ mua để dùng nhưng công ty cần phải mở nhiều cửa hàng để người tiêu dùng có thể dễ tìm đến mua sau hội chợ” - bà Tư nói.     

Anh Phan Thanh Tài Em, nhân viên bán hàng tại gian hàng Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, mặt hàng gạo được công ty trưng bày và bán tại hội chợ lần này đều là các sản phẩm gạo sạch, an toàn và mang thương hiệu Quốc gia. Tại gian hàng trưng bày, công ty đã tiến hành nấu cơm từ các loại gạo này để người tiêu dùng ăn thử. Đây là một cách quảng bá, tiếp thị khá hiệu quả, bởi sau khi ăn thử cơm xong đã có không ít người quyết định mua gạo ngay tại gian hàng. Qua hội chợ, công ty cũng muốn tìm kiếm đối tác, nhằm đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Không đề cập nhiều đến doanh thu bán hàng tại hội chợ trong những ngày qua nhưng chị Lê Hằng Nga, đại diện Công ty TNHH MTV Nông sản an toàn Hoàng Bảo cho biết: “Có rất nhiều người đến mua hàng tại gian hàng của công ty đều hỏi về thông tin sản phẩm. Khi biết được sản phẩm bày bán của công ty là nông sản thực phẩm an toàn có thương hiệu, được làm ra từ các nhà sản xuất có uy tín trong và ngoài tỉnh, lượng hàng bán ra cũng được khá nhiều”.

NHÓM PV KINH TẾ

.
.
.