Thứ Ba, 10/03/2020, 17:39 (GMT+7)
.

Bi quan, chủ quan và lạc quan

(ABO) 1-Những ngày đầu khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội, số ca tử vong ờ vài nước tăng cao đã gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Rồi thông tin, hình ảnh người dân chen nhau mua khẩu trang, nước sát khuẩn, cùng các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus corona trên mạng xã hội khiến cộng đồng thêm hoang mang, bối rối. Nỗi sợ hãi như nhân đôi; đã tạo nên hiệu ứng lây lan còn đáng sợ hơn cả virus.

Tâm lý hoang mang, lo lắng là có thật; và đây cũng là một cản trở không nhỏ cho công tác phòng chống dịch. Điều này đòi hỏi công tác truyền thông cần mạnh mẽ hơn nữa để người dân hiểu, ý thức về dịch bệnh, và áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả cho bản thân và cộng đồng. Không nên lo lắng thái quá bởi Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh, và chúng ta không thể chiến thắng dịch bệnh với tâm lý bi quan, hoảng loạn được.

a
Chăm sóc cho người bệnh trong tình huống giả định của buổi diễn tập. Ảnh: chinhphu.vn

2- Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các ngành chúc năng, sự lo lắng của người dân trong cuộc chiến với dịch bệnh, vẫn có những người khá thờ ơ, chủ quan với COVID-19

Chính sự chủ quan đã dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm đối với bản thân và cả cộng đồng. Điển hình như trường hợp live stream “khoe tài” trốn cách ly của cô gái ở Bình Dương, rồi khai báo không trung thực của ca dương tính thứ 17 ở Hà Nội ngày 6-3; hay việc thế người đi cách ly của một giám đốc ở Quảng Trị.... Tất cả đã làm cho công tác chống dịch của chúng ta thêm khó khăn.

Rõ ràng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã làm rất tốt công tác khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta không lấy đó làm chủ quan, bởi sau ca nhiễm thứ 17 cuộc chiến với dịch bệnh đã chuyển sang một giai đoạn mới, số ca dương tính của chúng ta tăng nhanh chỉ trong vài ngày; dịch bệnh tấn công nước ta từ nhiều hướng, đòi hỏi ý thức, trách nhiệm chung của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống.

Và điều trước tiên là không bi quan thái quá, nhưng cũng không được chủ quan khinh dịch, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện tại, chủ quan cũng đồng nghĩa với tự sát.

a
Diễn tập phòng, chống dịch của Bộ Quốc Phòng. Ảnh: chinhphu.vn

3- Vậy chúng ta phải làm gì?

Nếu coi phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một cuộc chiến, thì chúng ta mới chỉ chiến thắng trận mở màn; do đó không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là.

Tuy nhiên, Việt Nam đã xây dựng các kịch bản chi tiết, lường trước khả năng xuất hiện những ca nhiễm bệnh mới để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó. Nên tình hình hiện nay cũng nằm trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố: Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn. Thứ hai là những người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn. Với người khoẻ mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh.

Hiện ở Hà Nội, chúng ta cách ly chặt chẽ người bệnh và những người tiếp xúc, nên đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm. Đặc biệt, các y bác sĩ Việt Nam đã có phác đồ, kinh nghiệm điều trị với 16 ca đã xuất viện trước đó, trong đó có nhiều ca khó.

Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ kiểm soát và chặn đứng dịch bệnh trong thời gian tới. Tinh thần lạc quan cũng là một liệu pháp tâm lý giúp chúng ta chống chọi với dịch bệnh.

Vấn đề còn lại là mọi người hãy bình tĩnh, đồng lòng cùng nhà nước trong cuộc chiến cam go này. Cần thể hiện tinh thần Việt Nam, là trong khó khăn càng kiên cường, mạnh mẽ để tiến lên; tinh thần đó như văc xin có sẵn trong lòng của mỗi người dân Việt Nam, để giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.

PHẠM HUỲNH

 

.
.
.