Thứ Sáu, 23/07/2021, 22:15 (GMT+7)
.

Ánh sáng của cái đẹp sẽ được tôn vinh

 (ABO) “Anh có đám rau má đến ngày thu hoạch, anh đóng góp hỗ trợ cho bà con. Em vào coi cắt đem về phân phát cho người nào cần".

"Anh có người bạn ở huyện Tân Phước. Nghe anh kể dân mình gặp khó khăn, ảnh đang kêu gọi bà con gần đó cho mình khóm, đu đủ với tắc. Ảnh gom được nhiều rồi, có gì anh alô em cho xe lên chở".

"Công ty em cho nghỉ 14 ngày, nay có phát quà gì cho người dân không anh, em lên phụ cho"...

Trong những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tôi có dịp tháp tùng cùng anh em các hội, đoàn thể, Đoàn Thanh niên đi tặng gạo, mì, nhu yếu phẩm cho bà con nghèo, người già neo đơn, học sinh khó khăn của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang và đã chứng kiến được nỗi vất vả của cán bộ, công chức, đoàn thể trong những ngày chống dịch.

Tờ mờ sáng, lực lượng thanh niên, phụ nữ đã có mặt tại Khối vận của huyện để sắp xếp hàng hóa chuẩn bị cho “Gian hàng 0 đồng”. 7 giờ người dân bắt đầu đến nhận nhu yếu phẩm. 9 giờ khi phát xong ở "Gian hàng 0 đồng", các anh chị xoay qua phân chia nhu yếu phẩm, chuẩn bị gạo, mì để chia nhau lên xe máy chở đến tận nhà trao cho người già neo đơn, học sinh nghèo khó. Xong công việc này, anh em quay về tiếp nhận vận chuyển nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm về kho, tiếp tục phân chia để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Do dịch ở các tỉnh phía Nam diễn biến khá căng thẳng nên dù trời mưa, trời nắng hay giông bão, các chiến sĩ công an trực chốt tại Cần Thơ vẫn phải đảm bảo kiểm tra các phương tiện, người dân ra vào địa phương để tránh lây lan dịch bệnh.
Do dịch ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp nên dù trời mưa hay nắng, các chiến sĩ Công an trực chốt tại TP. Cần Thơ vẫn phải đảm bảo kiểm tra các phương tiện, người dân ra vào địa phương để tránh lây lan dịch bệnh. Ảnh: CTV

Nhiều ngày qua, các huyện, thị, thành của Tiền Giang ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, nhiều khu vực phong tỏa, cách ly xuất hiện, lực lượng này còn bận tối mặt tối mũi, bởi không chỉ tiếp tế lương thực cho khu phong tỏa, chăm lo cho người nghèo, mà còn phải hỗ trợ các đơn vị nấu ăn vận chuyển đến các khu cách ly, các chốt chặn...

Một đoàn viên chia sẻ: Em làm công tác Đoàn, còn chồng làm bên dân quân xã. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, 2 vợ chồng đi từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nhà, con trai 5 tuổi gửi cho bà ngoại. Tối về mệt lả người, em muốn chơi với con nhưng không còn sức để chơi.

Hay một chị bạn làm bên Hội Liên hiệp Phụ nữ ở một phường cũng chia sẻ: Chị em phụ nữ thì cực ban ngày, còn tội nghiệp mấy anh em dân quân tự vệ, Công an trực ngày lẫn đêm ở các chốt kiểm soát, chốt chặn, khu cách ly. Những hôm trời mưa vất vả lắm, vợ con họ ai cũng lo lắng nhưng vì nhiệm vụ phải gác lại để làm vì cộng đồng xã hội.

Còn chị bạn tôi, chồng làm bên ngành Công an thì chia sẻ, chồng chị đi trực ở các chốt chặn, 1 tháng nay chưa được về, con nhớ cha gọi điện thoại cứ khóc đòi cha, nhưng biết làm sao được, đất nước đang cần thì mỗi người phải biết hy sinh một chút. So với các y, bác sĩ tuyến đầu, mình có vất vả là bao!”

Nhiều người dân thu hoạch rau, củ hỗ trợ khu cách ly, phong tỏa
Nhiều hộ dân khắp các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thu hoạch rau, củ, quả.. hỗ trợ người dân khu cách ly, phong tỏa.

Đó là những câu chuyện, những hình ảnh đẹp mà tôi được gặp, nghe và thấy trong những ngày dịch bệnh hoành hành. Chưa hết, khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hình ảnh những chuyến hàng yêu thương vẫn từng ngày "chảy" về tâm dịch.

Người dân khắp cả nước đang một lòng hướng về miền Nam ruột thịt với từng tấn rau, củ, quả, từng hũ muối, bó sả.... Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một lần trả lời các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của một kỳ họp Quốc hội năm 2020: “Người Việt Nam có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, không dám nói hơn nhưng có thể khẳng định không kém quốc gia nào; có đất nước nào mà dịch bệnh, lũ lụt người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến vậy”.

Thật vậy, từ bao đời nay, người Việt chúng ta có tính cộng đồng cao, nhất là giá trị nhân văn đã trở thành một trong những giá trị truyền thống được nuôi dưỡng, dựng xây và gìn giữ, chính điều đó đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng gạo cho chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn
Nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh tặng gạo cho chính quyền địa phương hỗ trợ người dân nghèo, khó do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Lẽ tất nhiên, bên cạnh những việc làm nhân văn, ý nghĩa, vẫn còn đó những biểu hiện tiêu cực của một vài đơn vị, cá nhân như: Đầu cơ, tích trữ, cá nhân hóa trong ứng xử và nhất là trục lợi trong hoàn cảnh khó khăn. Song, đó là những biểu hiện không đáng kể so với số đơn vị, doanh nghiệp (DN), cá nhân sẵn sàng cống hiến, thậm chí hy sinh khi Tổ quốc cần.

Thực tế đã có không ít DN tạm thời ngưng sản xuất vì không đủ nguồn lực thực hiện “3 tại chỗ”. Thay vì ngồi nhà chờ chỉ đạo mới, nhiều DN xông pha vào nơi nguy nan nhất, đang cần mọi người giúp đỡ nhất, đó là những bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa, cách ly, mang chính những sản phẩm công ty sản xuất để hỗ trợ cho các y, bác sĩ, lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt chặn cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Theo số liệu chưa đầy đủ, thời gian qua, hệ thống Mặt trận và các đoàn thể mỗi huyện, thị, thành đã nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân từ 1 đến nhiều tỷ đồng; trong đó, DN, doanh nhân, hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Trong một bài viết nói về sự chung tay của cộng đồng DN trong những ngày chống dịch bệnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) Vũ Kim Hạnh xúc động cho rằng: “Doanh nhân, những người ta quen nghĩ cả đời họ kinh doanh chỉ để kiếm lợi nhuận, thì những lúc này, ta hiểu họ hơn, họ sống và kinh doanh, thực chất còn vì những giá trị cao đẹp hơn”.

Mặt trận các đoàn thể huyện Gò Công Tây đến nhà trào quà cho các hộ nghèo khó khăn trên địa bàn huyện
Mặt trận, các đoàn thể huyện Gò Công Tây trên đường đến nhà trao gạo, mì, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo khó khăn trên địa bàn huyện chia sẻ khó khăn trong mùa dịch.

Phân tích như vậy để thấy rằng, xã hội vẫn tồn tại những biểu hiện tiêu cực của một vài đơn vị, cá nhân, nhưng từ bao đời nay cho thấy, nếu như chỉ nghĩ cho riêng mình, khai thác và kiếm lợi ích trong hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhất là bối cảnh cộng đồng đang căng mình chống dịch bệnh thì cũng chẳng thể hạnh phúc. Bởi một khi giá trị thực được phơi bày, cái xấu không có cơ hội để tồn tại. Chúng ta vẫn tin tưởng rằng, cái đẹp, cái tốt sẽ được tôn vinh, ánh sáng sẽ dần xua tan bóng tối.

Cái khó có thể chưa dừng lại khi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn đang áp dụng Chỉ thị 16 và có thể sẽ khó khăn hơn nếu sau 15 ngày vẫn chưa kiểm soát được dịch. Nhưng chúng ta càng tin tưởng rằng cái thiện, sự cống hiến, hướng đến cộng đồng sẽ được tôn vinh và nhân rộng. Mỗi chúng ta cần vun đắp thêm những giá trị để có một hành vi tích cực cùng tham gia chống dịch.

GIA TUỆ

.
.
.