Thứ Tư, 08/09/2021, 14:54 (GMT+7)
.

Đừng kỳ thị những người nhiễm Covid-19

(ABO) Dịch Covid-19 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với tất cả mọi người. Từ tâm lý sợ dịch bệnh đã khiến một số người có những phản ứng thái hóa đối với những người không may mắc Covid-19. Họ thường có cái nhìn kỳ thị, xa lánh, thậm chí là từ bỏ những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, vì cho rằng những người này là "tội đồ". Điều này làm cho những bệnh nhân Covid-19 vốn đã bị tổn thương vì căn bệnh nguy hiểm, lại còn chịu thêm áp lực tâm lý chính từ những phản ứng tiêu cực của những người xung quanh.
 
Đẩy mành tầm soát Covid-19 trong cộng đồng.
Đẩy mạnh tầm soát Covid-19 trong cộng đồng.
 
Chị H.T.K., ngụ tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là một điển hình. Vào những ngày địa phương bùng phát dịch Covid-19, chị K. không may mắc Covid-19 mà bản thân chị không hề biết mình bị nhiễm. Vì ngoài giờ làm việc chị K. không đi bất cứ nơi nào và cũng hạn chế tiếp xúc với nhiều người.
 
Bên cạnh tâm lý hoang mang khủng hoảng khi biết mình là F0, thì chị K. còn phải chiụ đau đớn về mặt tinh thần bởi những lời đàm tiếu, lời ra tiếng vào của một số người, khiến tinh thần chị vốn đã suy sụp lại càng suy sụp thêm. “Những ngày trong bệnh viện thật sự buồn nhiều lắm! Nhưng tôi nghĩ mình còn gia đình, người thân nên phải cố gắng điều trị và đã chiến thắng dịch bệnh. Khi khỏe mạnh, điều tôi mong muốn nhất là người khác không kỳ thị tôi cũng như những người từng là F0”, chị K. chia sẻ.
 
May mắn hơn chị K., 2 chị em của chị N.T.H., ngụ huyện Cái Bè chỉ là F1 và F2 do tiếp xúc với người dương tính Covid-19. Thế nhưng, điều đáng buồn là kể từ khi em gái của chị H. là F1 phải đi cách ly tập trung, còn chị H. trở thành F2 phải cách ly tại nhà cũng là lúc 2 chị em chị H. trở thành tâm điểm của những lời ra tiếng vào từ những người hàng xóm xung quanh.
 
Do chị H. đang trong thời gian cách ly nên không được ra ngoài. Tuy nhiên, khi cần mua nhu yếu phẩm cho sinh hoạt gia đình thì lại không nhờ được ai để mua giùm, vì ai cũng mang tâm lý sợ sệt, xa lánh và ngại đến gần nhà chị. Không còn cách nào khác chị H. phải gọi cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Cái Bè để nhờ giúp đỡ. Buồn tủi và tuyệt vọng, chị H. gần như bị trầm cảm do mọi người xa lánh.
 
Đẩy mạnh tầm soát Covid-19 trong cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát Covid-19 trong cộng đồng.
 
Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân khiến người mắc Covid-19 bị xa lánh, thứ nhất xuất phát từ tính chất nguy hiểm của căn bệnh. Thứ hai là từ tâm lý của những người láng giềng với người bệnh, bởi họ nghĩ rằng chính những người này là nguồn lây lan dịch bệnh cho người khác, nên họ cảnh giác và kỳ thị. Chính sự kỳ thị này đã gây tâm lý bất an cho người bệnh, bởi bản thân họ cũng không muốn mình trở thành người mắc bệnh. Bởi bên cạnh những người thiếu ý thức làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì cũng có rất nhiều người là nạn nhân của dịch bệnh.
 
Mặc dù Covid-19 là căn bệnh nguy hiểm, mọi người luôn có tâm lý dề chừng, đây là điều cần thiết, nhưng chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa nạn nhân và tác nhân để có cái nhìn đúng đắn hơn về những người bệnh, không làm cho họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng, bị xa lánh kỳ thị.
 
Để tránh sự kỳ thị của xã hội đối với những người chẳng may mắc Covid-19, hoặc người bị nghi ngờ mắc Covid-19, thì rất cần sự định hướng đúng đắn về nhận thức cho người dân đối với căn bệnh này, nhằm nâng cao ý thức người dân tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, nhưng đừng vì thế mà có tâm lý kỳ thị đối với những bệnh nhân Covid-19.
 
H. PHƯƠNG
 
.
.
.